Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2019 | 14:23

Tín dụng chính sách tiếp sức giảm nghèo

NHCSXH tỉnh Quảng Bình không chỉ tiếp thêm sức cho công tác giảm nghèo, ổn định dân sinh trên địa bàn mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

anh-1.jpg
Mô hình chăn nuôi bò của ông Lê Văn Soát, thôn Tam Đa, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa.

 

Những năm qua, các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Bình không chỉ tiếp thêm sức cho công tác giảm nghèo, ổn định dân sinh trên địa bàn mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Những con số biết nói

Theo kết quả khảo sát hiệu quả vốn đầu tư năm 2018, vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã góp phần giúp cho hơn 9.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo; 7.460 hộ có đời sống cải thiện hơn trước; 44.000 hộ vay vốn tuy chưa thoát nghèo nhưng có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn. Hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 3.546 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm; giúp 75 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 22.926 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 461 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, phòng tránh bão lũ và 52 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP,...

Doanh số cho vay 4 tháng đầu năm 2019 đạt 452,6 tỷ đồng, với hơn 9,5 ngàn lượt khách hàng được vay vốn, bình quân cho vay 38,9 triệu đồng/khách hàng (năm 2018 là 33,8 triệu đồng/khách hàng). Doanh số thu nợ đạt 345,8 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 3.116,1 tỷ đồng, tăng 97,8 tỷ đồng so với đầu năm (+3,2%), bằng 98% kế hoạch, đạt 60,9% kế hoạch tăng trưởng. Nợ quá hạn toàn tỉnh 3.128 triệu đồng, chiếm 0,1%. Trong đó, dư nợ phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới 3.095 tỷ đồng, chiếm 99,3% tổng dư nợ.

Với mạng lưới rộng khắp và mang tính xã hội hóa cao, vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, xóm, bản, làng của 159/159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, gắn bó và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến 30/04/2019, bình quân 01 xã, phường, thị trấn có dư nợ NHCSXH 19,6 tỷ đồng, tăng 0,6 tỷ đồng so với năm 2018; bình quân mỗi Tổ TK&VV có dư nợ 1,3 tỷ đồng.

Đó là những con số biết nói, phản ánh chân thực vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã đến tận tay các đối tượng chính sách và phát huy hiệu quả.

Phát huy hiệu quả vốn vay

Tại Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Ba Đồn, tín dụng chính sách đã góp phần ổn định trật tự xã hội, phát triển kinh tế và thực hiện các chương trình giảm nghèo. Các chương trình tín dụng đã góp phần chuyển đổi ngành nghề, phát triển các làng nghề truyền thống, khơi dậy tiềm năng thế mạnh ở vùng khó khăn. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, hàng ngàn hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh có cơ hội phát triển và mở rộng quy mô. Nhiều mô hình vay vốn làm ăn có hiệu quả trong các lĩnh vực chăn nuôi, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Tiêu biểu như gia đình anh Mai Xuân Hiệp, chị Nguyễn Thị Dũng ở thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH thị xã, gia đình anh Hiệp mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình đan và thu mua lưới đánh bắt cá. Với nhà xưởng 500m2, cơ sở của gia đình anh chủ yếu thu mua, đan lưới, xắt phao, xắt chì..., đáp ứng nhu cầu về lưới đánh bắt cá xa bờ cho các tàu cá địa phương cũng như các vùng lân cận. Hàng năm gia đình anh Hiệp thu lãi trên 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 150 lao động địa phương...

Còn nhiều mô hình khác như: hộ các ông Trần Văn Hùng, Phan Xuân Hải ở xã Quảng Sơn, được vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo đầu tư trồng rừng, chăn nuôi bò; hay như hộ bà Nguyễn Thị Hương ở xã Quảng Thủy chăn nuôi bò, nuôi cá, trồng rừng...

Đến thôn Cẩm Ly (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy), ai cũng biết chị Hồ Thị Thơi bởi chị là tấm gương phụ nữ người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị với 8 thành viên chỉ dựa vào mấy sào ruộng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị Thơi luôn trăn trở, mình đang sống trên vùng đất màu mỡ, phải làm sao để khai thác và nâng cao thu nhập cho gia đình. Rồi tìm hiểu qua các kênh thông tin, vợ chồng chị Thơi mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện Lệ Thủy để phát triển mô hình rừng - ao - chuồng. Gia đình chị mua 10ha đất lâm nghiệp để trồng rừng keo, tràm, kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Sau 5 năm, nguồn thu của gia đình tăng dần từ việc xuất bán lợn thịt, cá và bây giờ là rừng keo lai với số tiền gần 500 triệu đồng…

Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lệ Thủy, cho hay, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, có tác động và góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, là yếu tố quyết định giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4%/năm.

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Quảng Bình  có  ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.  Vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, không chỉ bởi sự ưu đãi về lãi suất cho vay, thủ tục vay vốn mà còn ở chỗ tạo khả năng tiếp cận vốn thuận tiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top