Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 3 năm 2016 | 9:22

Tín dụng chính sách trên đất hoa ban

Là tỉnh miền núi cao biên giới nằm ở khu vực Tây Bắc, Điện Biên có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu nhưng lại có tới 5 trong tổng số 10 đơn vị hành chính là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 110/130 xã đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, cùng với ý chí quyết tâm thoát nghèo và sự hỗ trợ về tín dụng chính sách của Nhà nước, đời sống đồng bào vùng cao nơi đây đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Với tinh thần khắc phục khó khăn và nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, NHCSXH đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tranh thủ tối đa nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn. Thông qua mạng lưới 2.127 Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác hơn 1.850 tỷ đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH đã được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, nguồn vốn chính sách không chỉ được ưu tiên phân bổ hỗ trợ các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, mà còn được các hội, đoàn thể, uỷ thác lồng ghép giữa việc vay vốn chính sách với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, từ đó tạo ra hiệu quả sử dụng vốn vay rõ rệt, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Tính riêng trong 5 năm trở lại đây, tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Điện Biên từ 50,01% năm 2010 xuống còn 28,01% năm 2015; tỷ lệ bình quân 4,4%/năm. Các huyện nghèo giảm từ 70,44% năm 2010 xuống còn 40,25% năm 2015. Có thể nói, nguồn vốn chính sách đã, đang và sẽ góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về phương thức, cách thức tổ chức SXKD, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, ổn định xã hội trên địa bàn.

Tận dụng lợi thế địa hình, nhiều hộ dân sử dụng vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế rừng

Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Quyết Tiến 2, xã Búng Lao, huyện Mường Ẳng tiến hành họp bình xét công khai về nhu cầu vay vốn của tổ viên để đề nghị NHCSXH cho vay vốn

Từ 30 triệu đồng vốn vay chương trình hộ SXKD tại vùng khó khăn năm 2013, gia đình bà Lường Thị Tám ở bản Co Có, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng  đầu tư trồng 3ha cà phê và chăn nuôi lợn

Bà con trên địa bàn xã vùng cao Búng La phấn khởi đón nhận đồng vốn chính sách

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Xuân Tre, xã Búng Lao kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của tổ viên

Gia đình anh Lường Văn Phớ ở bản Chan Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng sử dụng vốn vay chương trình hộ nghèo đầu tư nuôi trâu sinh sản và nuôi cá 

Với 8 triệu đồng vốn vay chương trình hộ DTTS đặc biệt khó khăn cùng sự hỗ trợ từ họ hàng, gia đình chị Lò Thị Bua xã Búng Lao, huyện Mường Ảng đầu tư vốn nuôi trâu

Hộ anh Lò Văn Một, bản Suối Lư 1, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông đã sử dụng  hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển kinh tế. Đến này, gia đình anh đã có trại bò giống 50-60 con

Phát triển chăn nuôi lợn đen cho giá trị kinh tế cao từ đồng vốn chính sách

Tín dụng ưu đãi góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng cao

Qua kiểm tra thực tế, các hộ vay vốn trên địa bàn huyện Mường Ẳng nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn chính sách trong xóa đói giảm nghèo

Hải Trung Kim

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top