Chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hoá) nổi tiếng từ xưa và đã đi vào ca dao của người Việt Nam. “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Đây là sản vật cống phẩm tiến dâng triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc thời xưa ưa dùng, là biểu tượng cho niềm hạnh phúc của nhiều người,... Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không được tiếp sức của đồng vốn chính sách.
Thời gian qua, NHCSXH huyện Nga Sơn đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình vay vốn ưu đãi, trong đó có chương trình cải tạo đồng cói hơn 3 tỷ đồng, giúp bà con duy trì, mở rộng sản xuất, góp phần lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Đến nay, NHCSXH huyện Nga Sơn đã cho gần 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ đạt gần 372 tỷ đồng. Nguồn vốn đã phát huy được hiệu quả, giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định, đồng thời góp phần khôi phục, lưu giữ và phát triển nghề chiếu cói truyền thống.
Chiếu Nga Sơn, sản phẩm nổi tiếng của vùng đất ven biển Nga Sơn.
Như thường lệ, cứ đến ngày giao dịch, Điểm giao dịch xã Nga Thái, Nga Sơn lại có đông bà con đến giao dịch.
Để bảo tồn chất lượng và phát triển nghề chiếu cói truyền thống, NHCSXH huyện Nga Sơn đã cho hàng trăm hộ gia đình vay trên 3 tỷ đồng để cải tạo, nâng cao chất lượng cây cói, từ đó giữ gìn được nghề truyền thống.
Điểm ưu việt nhất của cói Nga Sơn mà khó có nơi nào bì kịp là sợi cói nhỏ, dài, mềm mại và óng mượt. Sản phẩm chiếu cói đẹp, phong phú về kiểu dáng, gọn, nhẹ, dễ gấp, nằm vừa mát, vừa thoáng, giá cả vừa phải nên chiếu Nga Sơn đã có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc.
Với 20 triệu đồng vốn ưu đãi, gia đình chị Mai Thị Luyến ở xã Nga Thủy đã cải tạo đồng cói, đầu tư giống cói mới cho năng suất, chất lượng cao.
Được vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo, gia đình chị Mai Thị Hải ở xã Nga Thanh đầu tư mua nguyên liệu dệt chiếu, tạo việc làm cho 4 - 5 lao động, thu nhập 100.000 đồng/người/ngày.
Cũng ở xã Nga Thanh, Doanh nghiệp Chiến Nga được vay 150 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Việt – Phương