Hơn 8 năm qua, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp hàng triệu hộ gia đình trong cả nước có vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Người dân vui mừng đón nhận nguồn nước sạch.
Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn và góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, vì sức khỏe cộng đồng.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Huy Thịnh ở xóm 1, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) thường xuyên dùng nước giếng khơi. Biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh do ô nhiễm bởi các nguồn nước từ ao hồ, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi... nhưng ông vẫn phải dùng để tắm giặt; còn việc sử dụng cho nấu ăn, nước uống, gia đình phải sử dụng nguồn nước mưa.
Năm vừa rồi, gia đình ông Thịnh được NHCSXH huyện Nghi Lộc cho vay 12 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cùng kinh phí tự có, đã xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đồng bộ, khép kín, gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình. Không chỉ vậy, gia đình ông còn làm mô hình kinh tế VAC khép kín, xây dựng hệ thống biogas tận dụng chất thải trong chăn nuôi làm khí đốt.
Không những ở Nghệ An, ngay tại vùng cát trắng Quảng Bình, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm tới sức khỏe người dân ở vùng sâu, vùng xa. Điển hình như huyện miền núi Minh Hóa, đã có trên 63% số hộ gia đình được vay tiền. Bà con không dùng nguồn nước “tự nhiên” từ các khe suối nữa mà chuyển hẳn sang nguồn nước sạch để sinh hoạt.
Còn tại Khu dân cư số 5, xã Xuân Lũng (Lâm Thao - Phú Thọ), chị Nguyễn Thúy Hà, Tổ trưởng Tổ dân cư chia sẻ, Xuân Lũng có 19 khu dân cư; trong đó, 14 khu có mật độ dân số cao hơn hẳn, dẫn đến môi trường và nguồn nước ngầm có dấu hiệu ô nhiễm nặng. Vì thế, nguồn vốn ưu đãi luôn được ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho những khu vực này. Đến nay, với dư nợ gần 6 tỷ đồng, đã có trên 60% số hộ dân của xã Xuân Lũng được vay vốn ưu đãi để cải tạo các công trình nước sạch và vệ sinh cho gia đình...
Hiện, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt trên 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn trên 63%. Sau 8 năm thực hiện chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, NHCSXH đã triển khai tới 63/63 tỉnh, thành với tổng dư nợ trên 20.000 tỷ đồng cho hơn 4 triệu lượt khách hàng được vay vốn ưu đãi để xây dựng 7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Qua đây có thể thấy rõ việc thực hiện chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho các hộ dân đang là “điểm tựa” vững chắc, vì sức khỏe của cộng đồng, cũng là tiêu chí quan trọng góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mai Phương