Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 2 năm 2021 | 6:42

Tin NN: Chú trọng thị trường xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng nội địa

Ngay tháng đầu tiên năm 2021, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản có sự sụt giảm mạnh như gạo, cà phê, bên cạnh đó một số ngành sản xuất trong nước cũng có sự điều chỉnh giá cả do biến động từ thị trường.

 

1_02-1601241783585.jpg
Bốc dỡ gạo trên sông Hậu. (Ảnh: Nguyễn Luân)

 

Xuất khẩu gạo và cà phê giảm mạnh trong tháng đầu năm 2021

Thông tin từ Reuters dẫn số liệu của cơ quan thống kê Việt Nam cho biết, xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm trong tháng 1.

Xuất khẩu gạo trong tháng 1/2021 ước tính giảm 29,5% so với tháng 1/2020, chỉ đạt 280.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng này cũng giảm 20,4%, xuống 154 triệu USD.

Tình trạng thiếu container rỗng đang ảnh hưởng tới thương mại các loại hàng hóa, trong đó có gạo, đẩy cước phí vận chuyển tăng gấp vài lần so với trước đây. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, ngang ngửa với gạo Thái Lan, nguồn cung hiện đang thấp vì gạo vụ cũ đã bán gần hết trong khi gạo vụ mới chưa có nhiều cũng khiến xuất khẩu gạo giảm trong tháng đầu năm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê của nước ta tháng 1/2021 giảm 17,6% so với một năm trước đây, còn 120.000 tấn, tương đương 2 triệu bao (1 bao = 60 kg).

Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong tháng này cũng giảm tương đương 12,6%, còn 217 triệu USD.

Là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm phản ánh gần như toàn cảnh thị trường cà phê toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 buộc các nhà hàng ở nhiều nơi trên thế giới phải đóng cửa.

Xu hướng giảm xuất khẩu cà phê của nước ta đã có từ năm 2020, khi khối lượng giảm 5,6%, kim ngạch giảm 4,2% dù giá tăng nhẹ 1,4%. Theo đó, xuất khẩu cà phê năm qua đạt 1,57 triệu tấn, tương đương 2,74 tỷ USD với giá trung bình 1.751,2 USD/tấn.

Thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam năm 2020 là Đức với 14,3% trong tổng khối lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 223.581 tấn, tương đương 350,41 triệu USD, giá trung bình 1.567 USD/tấn, giảm trên 4% cả về lượng và kim ngạch, nhưng tăng 0,4% về giá. Thị trường đứng thứ 2 là Đông Nam Á với 160.997 tấn, tương đương 328,36 triệu USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 8,6% kim ngạch. Đứng thứ 3 là thị trường Mỹ đạt 142.482 tấn, tương đương 254,89 triệu USD, giảm 2,6% về lượng nhưng tăng 3,2% kim ngạch.

Mặc dù xuất khẩu gạo và cà phê giảm mạnh trong tháng 1/2021, song tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng này vẫn tăng mạnh, ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 6 mặt hàng xuất khẩu trên tỷ đô gồm điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng.

Kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa trong những tháng tiếp theo sẽ bứt tốc để kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tiếp tục tăng khoảng 4-5% so với năm 2020 như mục tiêu đề ra của ngành Công Thương.

 

Giá lợn hơi đồng loạt giảm ở nhiều tỉnh, thành

Trong tuần qua, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên bất ngờ giảm, trong khi khu vực phía Nam biến động trái chiều.

Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm mạnh trong tuần này tại hầu hết các tỉnh, thành, dao động trong khoảng từ 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Tuyên Quang đồng loạt giảm 2.000 đồng/kg, giao dịch ở mức 82.000 - 83.000 đồng/kg.

photo-1-16120796868621920943967.jpg
Giá lợn hơi tại miền Bắc giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành. 

 

Tương tự, tại Hà Nam, Phú Thọ, Nam Định, Lào Cai và Hưng Yên, giá thu mua lợn hơi giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg, hiện giao dịch quanh ngưỡng 80.000 - 82.000 đồng/kg.

Sau khi giảm sâu 6.000 đồng/kg so với cuối tuần trước, hiện Hà Nội thu mua lợn hơi ở mức thấp nhất là 80.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi ghi nhận mức giảm nhẹ tại một vài địa phương trong tuần qua, dao động trong khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Các tỉnh Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Nam và Bình Định, giá lợn cùng giảm 1.000 đồng/kg, hiện thu mua trong khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Cùng điều chỉnh giảm 2.000 đồng/kg so với tuần trước, hiện các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Đắk Lắk, Nghệ An và Thanh Hóa thu mua lợn hơi ở mức từ 80.000 - 83.000 đồng/kg.

Các địa phương còn lại không có điều chỉnh mới, giá lợn giao dịch quanh ngưỡng trung bình là 81.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi tuần qua tăng giảm trái chiều tại một số địa phương, dao động trong khoảng từ 81.000 - 84.000 đồng/kg.

Theo đó, các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng và Đồng Nai điều chỉnh giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, hiện giá lợn hơi giao dịch ở mức từ 81.000 - 82.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh và Long An, giá thu mua lợn tăng 1.000 đồng/kg, lên khoảng từ 82.000 - 84.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Bạc Liêu, sau khi điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước, giá lợn hơi chạm ngưỡng 83.000 đồng/kg

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, lượng lợn về chợ trong ngày 30/1 là 4.300 con, tình hình buôn bán khởi sắc.

Để đảm bảo đủ nguồn cung thịt lợn cho thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021, Bộ NN&PTNT đã cấp phép nhập khẩu lợn thịt và lợn giống cho hàng chục doanh nghiệp.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, 35 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã nhập khẩu hơn 450.000 con lợn về giết mổ. Trong nửa đầu tháng 1 năm nay, Việt Nam đã nhập hơn 53.000 con lợn thịt từ Thái Lan, chủ yếu qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.

Theo quy định, lợn nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan phải qua kiểm dịch nghiêm ngặt, phun hóa chất tẩy trùng và kiểm tra tình trạng dịch bệnh trên lợn, đồng thời phải đảm bảo thời gian cách ly.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Chăn nuôi, do giá thịt lợn tại các nước láng giềng đang tăng gấp đôi nên tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn từ Việt Nam qua biên giới phía Bắc đã xuất hiện.

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã ký công điện đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Chủ tịch UBND các tỉnh, thành kiểm soát tình trạng vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam, nhất là tại cửa khẩu, các khu vực đường mòn, lối mở ở biên giới.

Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng có công văn gửi Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển triển khai ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới ở đường bộ và tuyến biển.

 

Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

photo-1-1611805354430544433914.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị kiểm soát lạm phát và hoàn thành mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. (Ảnh: VGP)

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán; triển khai các biện pháp kịp thời nhằm bình ổn giá, cần có đánh giá để phối hợp Bộ Công Thương điều hòa cung cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng vào thời điểm lễ, Tết.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương xây dựng, thực hiện Chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện kiểm soát khâu trung gian để triển khai các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn; chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường để kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm trên địa bàn cả nước; đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân tại các địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống người dân./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top