Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 11 năm 2017 | 2:13

Hà Nội sản xuất lúa sạch

Nhờ duy trì đều đặn các lớp học đồng ruộng trong canh tác lúa sạch do Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) tổ chức và chuyển giao, nhiều địa phương ở Thủ đô đã có gạo an toàn cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, đã có đơn vị sản xuất gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Thu hoạch lúa trên đồng ruộng Thanh Oai.

Trồng lúa hữu cơ ở Đồng Phú

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), bà Trịnh Thị Nguyệt, cho biết, năm 2012, bà cùng 18 hộ dân xã Đồng Phú tham gia dự án sản xuất gạo hữu cơ do Nhật Bản và Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao công nghệ. Khởi đầu, chỉ có thôn Thượng Phúc làm thí điểm, với tên gọi: “Nhóm nông dân sản xuất gạo vì sức khỏe cộng đồng”. Sau 5 năm tâm huyết với lúa hữu cơ, đến nay, đã có 95 hộ tham gia, và Đồng Phú đã thành lập HTX vào tháng 9/2017.

Theo đó, quy trình sản xuất lúa hữu cơ khá nghiêm ngặt, trước tiên phải xét nghiệm đất, nước mỗi tháng một lần và phải làm 3 - 4 lần liên tục. Giống lúa được chọn là Bắc thơm số 7. Bà con tuyệt đối không dùng bất kỳ loại kháng sinh gì trên đồng ruộng; suốt thời gian lúa sinh trưởng đến khi thu hoạch chỉ bón một lần phân hữu cơ (phân trâu, bò, chim cút… ủ hoai với trấu, vôi bột, tro bếp và men vi sinh). Khi đưa nước vào ruộng, tại các cửa cống rãnh phải đặt than hoạt tính. Lúa bắt đầu chín, cắt mỗi nhà vài khóm đưa đi xét nghiệm, cân tỷ lệ tươi, sau khi phơi khô chỉ được hao 20%, tỷ lệ khô quá nhiều cũng không đạt tiêu chuẩn.

Sau khi được công nhận lúa hữu cơ, bao đựng lúa phải đảm bảo lớp trong bằng nylon, để không bị ẩm mốc. Thời gian chờ kiểm tra, xuất bán phải kê cao 20 - 30cm, bộ phận thanh tra đi kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ cấp tem nhãn, và phải có tem nhãn mới được bán ra thị trường.

Làm lúa hữu cơ, từ khi gieo hạt, đến khi đưa hạt gạo đến tay người tiêu dùng  đều phải ghi chép và lưu lại trên sổ sách. Khó khăn, vất vả như vậy, nên từ năm 2012 đến nay, HTX mới mở rộng được 24ha; dự kiến năm 2018 mở rộng lên 30ha; 40% sản lượng tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh, còn lại là các tỉnh miền Bắc. Giá bán buôn loại xát trắng 35.000 đồng/kg, gạo lứt 38.000 đồng/kg. Để tránh bài học được mùa rớt giá, HTX đã chủ động đầu ra, khách đặt hàng đến đâu xuống giống đến đó. Lúa hữu cơ sản xuất 2 vụ/năm, nếu được mùa HTX sẽ thu hoạch trên 100 tấn thóc/vụ.        

Ngoài HTX sản xuất lúa hữu cơ ở Chương Mỹ, các địa phương còn lại chủ yếu canh tác lúa an toàn, do Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội trực tiếp hướng dẫn tại các lớp học đồng ruộng. Ông Hoàng Văn Họa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Văn (Thanh Oai), cho biết, HTX có 1.430 thành viên, chuyên sản xuất lúa Bắc thơm số 7; hộ nhiều nhất 1ha. Thanh Văn được công nhận đạt thương hiệu lúa an toàn năm 2013; các xã xây dựng thương hiệu sau như: Đỗ Đông, Tam Hưng được công nhận năm 2016.

Đồng đất Thanh Oai thích hợp với các loại lúa đặc sản, nên 90% hộ dân ở đây canh tác lúa chất lượng cao. Sở dĩ có được thành công như vậy là nhờ bà con thường xuyên học tập tại các lớp IPM đồng ruộng. Hiện, xã viên nào cũng thuộc lòng quy trình “3 giảm, 3 tăng”: giảm lượng giống, vật tư, thuốc BVTV; tăng năng suất, chất lượng, giá trị.

Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Oai, ông Đàm Văn Tân, cho biết: “Đồng ruộng Thanh Oai thích hợp với cấy các giống lúa Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, Khang dân, Nếp cái hoa vàng, người dân được học tập quy trình sản xuất lúa ngay trên đồng ruộng, theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”. Đến nay, đa số bà con đã áp dụng từng phần và toàn phần Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM). Hiện, Thanh Oai đã xây dựng thương hiệu cho 2 loại gạo nổi tiếng là Bồ Nâu và gạo thơm Bối Khê; cả 21/21 xã, thị trấn đều đăng ký xây dựng thương hiệu lúa sạch. Nếu như trước đây bà con cứ thấy sâu là phun thuốc, thì nay đã theo dõi chặt chẽ hơn. Vì vậy, nhiều năm nay, cả vụ xuân lẫn vụ mùa, năng suất lúa đều đạt bình quân 58 - 60 tạ/ha”.   

Kiên trì lớp học đồng ruộng

  Được biết, từ năm 1993 đến nay, nhờ hỗ trợ của Tổ chức Lương thực  - Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), Hà Nội đã cử đi đào tạo  117 giảng viên IPM trên lúa và rau; tổ chức 21khóa IPM trên lúa cho 595 giảng viên bằng nguồn kinh phí của thành phố, huyện; tổ chức 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho 124.703 nông dân, trong đó có 1.709 lớp về lúa. Tính đến năm 2016, Hà Nội có diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần Hệ thống thâm canh lúa cải tiến là 60%, tương đương 120.000ha/năm. Năng suất lúa tăng 16%, chi phí giống giảm 53%, chi phí đạm giảm 33%. Đặc biệt, đã có trên 1.000ha lúa nếp cái hoa vàng hiệu quả cao, giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/vụ. 

Hà Nội hiện có trên 150.000ha đất trồng cây nông nghiệp, tiêu thụ hàng năm 43.500 tấn phân bón (trung bình cả nước gấp 4 lần Hà Nội); 360 tấn thuốc BVTV (trung bình cả nước gấp 3 lần Hà Nội). Nông dân sau khi học đã thay đổi tập quán canh tác; giảm số lần sử dụng thuốc từ 1,1 lần xuống 0,2 lần/vụ, trong đó thuốc trừ sâu giảm 80%, từ 0,74 lần xuống 0,1 lần/vụ. Số thửa không sử dụng thuốc BVTV từ 40% tăng lên 82%, chi phí thuốc BVTV giảm từ 106.000 đồng xuống 23.000 đồng/ha; giảm mật độ cấy và số dảnh/khóm, năng suất lúa tăng 10 - 15%. Theo đánh giá tác động của lớp học đồng ruộng ở 4 xã của huyện Ứng Hòa, so sánh giữa 165 nông dân học IPM và 75 nông dân chưa học IPM,  thấy, diện tích lúa của nông dân đã học IPM tăng trung bình 19%, chi phí giảm trung bình 21%; số lần phun thuốc và chi phí BVTV giảm 76%, lợi nhuận tăng trung bình 24%.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hồng, cho biết: “Nông dân sau khi học lớp IPM đã chủ động lựa chọn những biện pháp kỹ thuật trên đồng ruộng, biết cách tổ chức  lớp IPM từ công tác chuẩn bị đến huấn luyện nông dân, tuyên truyền cho người khác cùng làm theo. Đặc biệt là đã thuyết phục được lãnh đạo địa phương để có chính sách về kinh phí và kế hoạch thực hiện. Mặt khác, hiệu quả xã hội cũng khá nổi bật, bà con có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, được giao tiếp học hỏi, khám phá rộng hơn, mạnh dạn, tự tin hơn trong công việc. Trách nhiệm được nâng lên qua việc truyền đạt kiến thức cho người khác; mối quan hệ cộng đồng gắn bó hơn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống quê hương được khơi dậy”.

Ngoài ra, ông Hồng còn cho biết, những kỹ thuật mới được chuyển giao qua lớp học đồng ruộng trước hết phải loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học. Hà Nội đang nhân rộng các giống lúa đặc sản bản địa, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng thâm canh lúa cải tiến SRI. Với cách làm này, trong tương lai không xa, sản phẩm gạo hữu cơ của Thủ đô sẽ được người tiêu dùng khắp nơi biết đến.                    

   Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top