Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 1 năm 2021 | 15:59

Tin NN ĐBSH: Nông dân chuẩn bị Tết như thế nào?

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nông dân các địa phương đang ngày đêm chăm sóc cây màu và các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết sắp tới.

dbsh.jpg
Anh Nguyễn Trọng Diện chăm sóc đàn gà xuất bán vào dịp Tết Tân Sửu.

 

Hải Dương: Nông dân Tân Việt chuẩn bị gà bán dịp Tết

Xã Tân Việt có số lượng gia cầm nhiều nhất huyện Thanh Hà. Nhiều hộ chăn nuôi ở đây đã và đang tái đàn gia cầm để chuẩn bị bán vào dịp Tết Tân Sửu.

Gia đình anh Nguyễn Trọng Diện ở thôn Ngọc Lộ hiện có 13.000 con gà. Những ngày này, anh tập trung phun tiêu độc, khử trùng vệ sinh khu chuồng trại nuôi hơn 4.000 con gà J-Dabaco sẵn sàng bán ra dịp Tết.

Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh Diện cho biết: "Thời kỳ này, thời tiết thay đổi thất thường nên các loại dịch bệnh có điều kiện phát sinh trên đàn vật nuôi. Do đó, gia đình tôi thường thả gà ra nắng để tăng sức đề kháng cho chúng. Khi trời rét, chúng tôi sẽ gia cố lại chuồng trại, che bạt xung quanh, chuyển sang nuôi nhốt để bảo vệ đàn gà. Gà giống trước khi thả nuôi được kiểm tra sức khỏe, tiêm vaccine để phòng tránh dịch bệnh". Gia đình anh Diện cũng đã đào hố sát trùng tại khu nuôi, rắc vôi bột để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Gia đình bà Nguyễn Thị Miền ở thôn Ngọc Lộ dự kiến xuất bán 2.500 con gà vào dịp Tết. Ngoài thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, giai đoạn này, bà Miền giảm lượng thức ăn công nghiệp, cho đàn gà ăn thêm các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để bảo đảm chất lượng gà thịt.

Xã Tân Việt hiện có hơn 185.000 con gia cầm, chủ yếu là gà. Cả xã có trên 60 hộ nuôi hơn 1.000 con gia cầm, tập trung tại thôn Ngọc Lộ. UBND xã đã tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh để người chăn nuôi chú ý chăm sóc tốt, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo đảm chất lượng đàn gà thịt khi xuất bán.

Ông Ngô Bá Trọng, Phó Trưởng Ban Thú y xã Tân Việt cho biết những tháng cuối năm hầu hết các hộ chăn nuôi đều tăng đàn, tái đàn gia cầm. Ban Thú y xã đã hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng cho gia cầm theo định kỳ; khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm ra vào xã. Ông Trọng lưu ý các hộ dân khi tái đàn cần theo khuyến cáo và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Ninh Bình: Dồi dào nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán

Để phục vụ nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nông dân, các HTX, trang trại, gia trại… trên địa bàn tỉnh đã chủ động tăng cường sản xuất, chủ động nguồn hàng, đa dạng về chủng loại và đảm bảo về chất lượng, sẵn sàng cung ứng ra thị trường.

Những ngày này, không khí lao động, sản xuất trên những cánh đồng rau an toàn ở HTX nông nghiệp Phúc Long (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) tấp nập hơn bao giờ hết bởi đây là thời điểm người dân tập trung chuẩn bị nguồn rau phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021.

 

doi-dao-nguon-cung-thuc-pham-phuc-vu-tet-nguyen-dan-0e1af.jpg
Người chăn nuôi ở xã Yên Đồng (Yên Mô) chăm sóc đàn gà chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

 

Gia đình ông Phạm Văn Lanh được biết đến là một trong số các hộ dân chuyên canh rau lớn nhất nhì ở thôn Phúc Lại. Anh Lanh cho hay: Mặc dù rau củ, quả ở đây được trồng quanh năm, nhưng gia đình đặc biệt chú trọng vào thị trường trước, trong và sau Tết.

Ngoài các loại rau đang cho thu hoạch như: bắp cải, su hào, cà chua, gia đình anh mới xuống giống một số loại như dưa chuột, cải sen, hành, mùi thơm, su hào, cần tây… để kịp thu hoạch vào dịp Tết. Toàn bộ rau xanh của anh Lanh đều cung cấp cho các cửa hàng nông sản an toàn ở thành phố Ninh Bình và Hà Nội. Nếu may mắn thì giá rau dịp Tết sẽ cao hơn so với ngày thường, giúp gia đình tăng thêm thu nhập.

Ông Trần Xuân Nhắc, Giám đốc HTX nông nghiệp Phúc Long cho biết: Để phục vụ nhu cầu rau xanh tăng cao của người dân trong dịp Tết, các loại củ quả như: su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua... đã được người dân chủ động gieo trồng từ 1 tháng nay.

Ngoài ra, HTX cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trồng các loại rau ngắn ngày khác như cải các loại, rau gia vị; tăng cường hướng dẫn bà con các kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cũng theo ông Nhắc, mặc dù thời gian này, nhiệt độ giảm sâu, trên dưới 10 độ nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến các loại rau ưa lạnh, do vậy lượng rau cung ứng ra thị trường sẽ khá đa dạng và dồi dào.

Tại xã Yên Đồng, vùng chăn nuôi gia cầm tập trung lớn của huyện Yên Mô, các hộ nông dân cũng đang tất bật chăm sóc cho đàn gà chuẩn bị xuất chuồng phục vụ Tết Nguyên đán.

Anh Vũ Văn Chiến, xóm Khê Trung cho biết: Chuẩn bị cho dịp Tết tới đây, gia đình đã vào lứa gà 3.000 con từ hơn 2 tháng trước. Đây là giống gà Mao cờ mã đẹp, thịt ăn rất thơm ngon, phù hợp với mục đích cúng, lễ.

Cũng theo ông Chiến, giá gia cầm năm nay rất thấp, phổ biến từ 48-50 nghìn đồng/kg, còn các giống cao cấp, lông màu, thả vườn cũng chỉ được 68-70 nghìn đồng/kg. Với mức giá này người nuôi hầu như không có lãi, gia đình đang rất kỳ vọng gần Tết nhu cầu tiêu dùng tăng lên, giá sẽ được cải thiện, có lãi để tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, năm 2020, tuy dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng giá cả thịt lợn hơi liên tục duy trì ở mức cao kỷ lục, cộng với chính sách kịp thời của UBND tỉnh nên đã kích thích được người chăn nuôi đầu tư tái đàn sản xuất, nhất là tại các trang trại, doanh nghiệp quy mô lớn, an toàn dịch bệnh.

Hiện tổng đàn ước đạt 287 nghìn con, tăng 14,8% so với năm 2019; sản lượng thịt hơi ước đạt 39 nghìn tấn, tăng 2,36% so với năm 2019. Bên cạnh đó, đàn gia cầm cũng tăng nhanh, ước tổng đàn đạt 6,323 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 11 nghìn tấn, tăng 7,08% so với năm 2019.

Với đàn trâu, bò mặc dù có giảm về số con nhưng do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là thụ tinh nhân tạo các giống bò ngoại cao sản như 3B, Bradman... nên tầm vóc, khối lượng bò thịt tăng lên, sản lượng thịt trâu bò vẫn tương đương như mọi năm, đạt khoảng 3,75 nghìn tấn; không thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán.

Về mặt hàng lúa gạo, theo Sở Nông nghiệp &PTNT, năm nay cả 2 vụ lúa Đông Xuân và lúa Mùa đều được mùa, năng suất trung bình ước đạt 61,2 tạ/ha, sản lượng trên 440 nghìn tấn. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp chiếm gần 65%. Do vậy nguồn cung rất dồi dào.

Được biết, cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, ngành Nông nghiệp đang phối hợp các ngành, đơn vị theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh để có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Hà Nam: Nguy cơ thiếu nguồn cung chuối ngự Đại Hoàng dịp Tết

Bác Trần Xuân Lưu, xã Hòa Hậu (Lý Nhân) trồng hơn 2 sào chuối ngự Đại Hoàng với 100 gốc. Thời điểm này, trong vườn của bác chỉ có 3 buồng chuối ngự đạt tiêu chuẩn và cho thu đúng vào Tết cũng chỉ được một buồng, hai buồng còn lại chín sớm và sau Tết.

Được biết, vườn chuối ngự Đại Hoàng của bác Lưu những năm trước thường cho thu bình quân 10 buồng vào đúng Tết. Với giá bán 80 – 100 nghìn đồng/nải, mỗi buồng được từ 400 – 500 nghìn đồng. Ngoài ra, giai đoạn trước Tết 1 – 2 tháng, bác thu thêm khoảng 10 buồng, giá bán từ 200 – 300 nghìn đồng/buồng. Bác Lưu cho biết: Vườn chuối ngự năm nay của gia đình mất mùa. Sản lượng chuối giảm nhiều, chỉ bằng 20% so với những năm trước, tiền thu được chỉ đủ đầu tư phân bón, chưa tính công chăm sóc…

 

thieu-nguon-cung-chuoi-ngu-dai-hoang-dip-tet-nguye-56-0.jpg
Thiếu nguồn cung chuối ngự Đại Hoàng dịp Tết Nguyên đán.

Cũng như bác Lưu, đa phần diện tích chuối ngự Đại Hoàng của xã Hòa Hậu đều cho lượng buồng thấp trong vụ cuối năm này. Khu vườn chuối ngự Đại Hoàng của bác Trần Khắc Năm rộng 5 sào, trồng 200 gốc. Đây là vườn chuối ngự được đánh giá là đạt tiêu chuẩn khi được chăm sóc bài bản, kỹ thuật. Những năm trước, vào dịp Tết Nguyên đán, bác Năm thường thu hoạch khoảng 20 buồng đạt tiêu chuẩn loại 1 (các nải đều, mẫu mã đẹp) bán ra thị trường. Tuy nhiên, năm nay số lượng buồng giảm đến trên 40%, mẫu mã cũng không đẹp như mọi năm. Bác Năm chia sẻ: Năm nay, cây chuối ngự trồng trong vườn vẫn được chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, tuy nhiên, số lượng buồng thấp hơn, quả không được đều, số quả lép ở nhiều nải cũng chiếm tỷ lệ cao.

Anh Trần Huy Kỳ, một trong những đại lý lớn thu mua chuối ngự Đại Hoàng trên địa bàn xã Hòa Hậu (với số lượng bán ra mỗi dịp Tết khoảng 400 buồng) cho biết: Đa phần các buồng chuối ngự được người mua lựa chọn làm quà biếu. Tuy nhiên, đến thời điểm này tôi mới đặt mua của các vườn trong xã chưa được 200 buồng. Do lượng chuối ngự ít nên tôi không dám nhận một số đơn hàng phục vụ làm món tráng miệng các lễ cưới, đám hỏi. Mặc dù các vườn quen tôi đều đặt mua từ khi chuối mới ra buồng nhưng cũng không được nhiều. Để có đủ lượng hàng bán Tết tôi phải lấy lại của những đại lý thu mua khác, tuy lợi nhuận thấp nhưng để giữ mối hàng.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chuối ngự Đại Hoàng năm nay cho lượng buồng thấp là do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận. Thực tế, năm nay tuy không có bão nhưng nắng nóng kỷ lục kéo dài, cộng thêm các trận mưa lớn đã tác động không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây chuối ngự Đại Hoàng. Điều dễ nhận thấy nhất, rất nhiều cây khi trỗ hoa xong, quả không phát triển được, hoặc trong cùng một buồng hay một nải quả phát triển không đều. Bà Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng đánh giá: Mặc dù là cây trồng bản địa, nhưng chuối ngự Đại hoàng khá “khó tính” và dễ bị tác động bởi thời tiết. Năm 2020, gặp thời tiết bất thuận cây chuối cho buồng kém. Nhiều nhà vườn thất thu vụ chuối ngự dịp cuối năm này.

Từ nhiều năm nay, sản phẩm đặc sản chuối ngự Đại Hoàng được nhiều người lựa chọn mua làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán. Các nhà vườn ở khu vực xã Hòa Hậu và một phần của xã Tiến Thắng (những nơi nằm trong chỉ dẫn địa lý đặc sản chuối ngự Đại Hoàng) đã cố gắng trồng và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ Tết Nguyên đán. Sản phẩm chuối ngự được trồng tại đây có chất lượng thơm, ngon đặc trưng mà các vùng khác đưa giống về trồng không có được. Dịp Tết năm nay, lượng chuối ngự hạn chế, do vậy người tiêu dùng cần cân nhắc mua tại những địa chỉ có uy tín bảo đảm đúng chất lượng, thương hiệu chuối ngự Đại Hoàng.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Techcombank được vinh danh về đổi mới sáng tạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2024

    Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) là đại diện ngân hàng duy nhất tại Việt Nam được tôn vinh 2 giải thưởng lớn tại hạng mục đổi mới sáng tạo lĩnh vực thương hiệu và tiếp thị của Stevie Awards châu Á-Thái Bình Dương.

  • Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Bảo chứng vàng cho tiềm năng tăng trưởng đột phá của Vincom Shophouse Diamond Legacy

    Các shophouse ở vị trí trung tâm, tọa lạc tại những nơi có hạ tầng hoàn chỉnh, kết hợp với mô hình tổ hợp thương mại – giải trí hiện đại… là yếu tố tạo nên sức hút bền bỉ theo thời gian cho loại hình kinh doanh shophouse, đồng thời là bệ phóng gia tăng giá trị BĐS mà các nhà đầu tư sành sỏi luôn nhắm đến.

  • Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những "mảnh ghép" xứng tầm

    Bất động sản ven sông Đà Nẵng: Đã có những

    Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ đông chính thức được phê duyệt mở ra kỳ vọng về diện mạo mới của khu vực trung tâm Đà Nẵng. Với giới thành đạt, đó còn là khát khao về không gian sống tiện nghi, đẳng cấp ven sông Hàn, trong những công trình biểu tượng chứng kiến trọn vẹn vẻ phồn hoa của đô thị biển tầm cỡ quốc tế tương lai.

Top