Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2019 | 10:17

NN ĐBSH: Đâu là giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là do người nuôi chưa thực hiện đầy đủ quy trình chăn nuôi và các biện pháp phòng bệnh. Vì vậy, chăn nuôi an toàn sinh học hiện là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh.

Hà Nội: Chăn nuôi an toàn sinh học - Giải pháp phòng, chống dịch bệnh

 

2.jpg
Ảnh minh họa. 

Những ngày này, mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận, nhưng trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Quang Long, xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) vẫn phát triển tốt. Ông Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình tôi đã xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi khép kín; đàn lợn 100 con được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định nên không bị dịch bệnh, giá bán luôn ổn định từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg”.

Tương tự, trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng tới chăn nuôi lợn của các hộ dân xung quanh, song giữa “bão dịch”, 350 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm của hợp tác xã vẫn phát triển ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh cho biết, hợp tác xã đã tuân thủ triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Giữ đàn lợn trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt; chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt, tạo sức khỏe và sức đề kháng cho đàn lợn; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu như: Diệt côn trùng, chuột, bọ, sát trùng khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/ngày.

Đối với gia cầm, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình bà Đỗ Thị Thứ ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) là một điển hình. Bà Thứ kể, sau khi gặp rủi ro vì dịch bệnh, bà đã sang Nhật Bản để học tập và tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học. Trở về, bà bắt tay vào kinh doanh mô hình nuôi gà đẻ trứng với quy mô 34.000 con gà theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, mỗi năm trang trại cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người chăn nuôi chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh, hạn chế rủi ro. “Thực tế, hơn 4 tháng qua, kể từ khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, hầu hết cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.

Vĩnh Phúc: Tam Đảo chủ động chống lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Tam Đảo nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh ngày càng lây lan nhanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương huyện Tam Đảo đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế thấp nhất những tác động do dịch bệnh gây ra.

3.jpg
Ngay sau khi phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, xã Minh Quang (Tam Đảo) chủ động bố trí địa điểm chôn lấp lợn đúng quy định, cách xa khu dân cư nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh và không ảnh hưởng đến môi trường. (Ảnh: Việt Sơn).

 

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Tam Đảo, tính đến thời điểm đầu tháng 6/2019, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 17 thôn thuộc 7 xã (Tam Quan, Hồ Sơn, Yên Dương, Đạo Trù, Đại Đình, Bồ Lý, Minh Quang). Tổng số lợn phải tiêu hủy gần 600 con, tương đương khoảng 38 tấn thịt lợn. Kịp thời ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, trên địa bàn huyện đã thành lập 10 chốt kiểm dịch tạm thời tại các trục giao thông liên thôn, trực 24/24 giờ; cấp 2.900 lít thuốc khử trùng tiêu độc thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Biên, thành viên Tổ tiêu hủy lợn bị dịch bệnh của xã Minh Quang chia sẻ, những ngày qua, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, song các thành viên trong Tổ tuần tra và Tổ tiêu hủy lợn bị dịch bệnh ở địa phương luôn nỗ lực, động viên lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với quyết tâm khẩn trương phòng, chống dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng. Đến nay, toàn xã đã thực hiện tiêu hủy hơn 80 con lợn tại khu vực cách xa khu dân cư sinh sống, thuộc địa phận thôn Minh Tân.

Để khống chế dịch bệnh, thời gian tới, UBND huyện Tam Đảo chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; tiếp tục tiến hành khoanh vùng ổ dịch, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung lực lượng hỗ trợ người dân phun thuốc khử trùng tiêu độc; hạn chế người ra vào những vùng có dịch để giảm thiểu tình trạng lây lan sang các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông báo tình hình dịch bệnh đến các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi lợn để người dân nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Hà Nam: Đôn đốc thực hiện tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến 31/5/2019, toàn tỉnh có 81/98 xã tổ chức tích tụ, tập trung ruộng đất, với tổng diện tích trên 1.657 ha, vượt 10,5% KH, với hơn 5.270 hộ tham gia, xây dựng 151 mô hình sản xuất rau, củ, quả, lúa và hoa. Trong đó, có 33 mô hình diện tích từ 3 ha trở lên, 30 mô hình có quy mô dưới 3 ha, còn lại là các mô hình có diện tích nhỏ hơn. Riêng với lúa, có 88 mô hình sản xuất lúa hàng hóa, quy mô trên dưới 20 ha.

Về liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể ở trong và ngoài tỉnh. Riêng  huyện Bình Lục có một số mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao liên kết với Công ty Vinaseed.  Thực hiện Kế hoạch 1381, các huyện, thành phố đã thành lập được 24 cửa hàng giới thiệu, bán nông sản an toàn.

Qua đánh giá, các mô hình tích tụ ruộng đất đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, nhận thức của người dân về sản xuất nông sản sạch được nâng cao, giá trị sản xuất các mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch cao hơn trên 20% so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, khắc phục tình trạng bỏ ruộng đất của các hộ dân.

Đồng chí Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch, liên kết chuỗi là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp hiện nay. Sau 2 năm thực hiện, số lượng mô hình vượt diện tích so với kế hoạch, mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao hơn, hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới. Cơ chế chính sách ban hành đầy đủ, kịp thời.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa báo cáo, trong đó cần lưu ý việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương và đề xuất việc cụ thể của các ngành. Tinh thần chung gắn thực hiện nhiệm vụ này để bù đắp một phần thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, hỗ trợ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp. Sở NN&PTNT cần rà soát cơ chế, chính sách cho tích tụ ruộng đất, thủ tục thanh toán hỗ trợ cho nông dân.

Bắc Ninh: Chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa mùa 2019

 

4.jpg
Hạt lúa bị đen, lép do bị bệnh lùn sọc đen gây hại. (Ảnh: IT)

 

Để chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra trên lúa mùa 2019, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, phường, thị trấn phun thuốc trừ rầy lưng trắng cho toàn bộ diện tích mạ trước khi nhổ cấy từ 2-3 ngày và lúa gieo thẳng khi lúa có từ 3 đến 4 lá thật bằng một trong các loại thuốc: Chess 50WG, Penalty 40WP, Lobby 25WP, Regunta 200 WP,..(theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV).

Tăng cường kiểm tra thăm đồng, điều tra lấy mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa nghi nhiễm bệnh lùn sọc đen để giám định vius. Khi phát hiện lúa bị bệnh lùn sọc đen, rầy lưng trắng nhiễm virus lùn sọc đen cần tổ chức khoanh vùng và áp dụng biện pháp phòng trừ rầy, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời theo quy định.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa; điều tra, lấy mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa nghi nhiễm bệnh gửi đi giám định virus; phát hiện sớm các diện tích xuất hiện bệnh lùn sọc đen để có biện pháp phòng, chống kịp thời.

Được biết, vụ mùa năm 2018 bệnh lùn sọc đen phương Nam xuất hiện rải rác trên đồng ruộng, qua giám định 824 mẫu lúa và rầy lưng trắng cho kết quả 7,16% số mẫu nhiễm virus gây bệnh lùn sọc đen.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top