Với màu đỏ đặc trưng, đẹp mắt, bưởi đỏ được xem như một biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Vì thế, loại quả này đang được rất nhiều người tìm mua để bày mâm ngũ quả, đi lễ chùa hay biếu người thân, bạn bè dịp Tết đến xuân về.
Hưng Yên: Những vườn bưởi đỏ của nông dân đắt hàng dịp Tết
Là người năng động trong phát triển kinh tế nên ông Trần Xuân Vũ ở thôn 3, xã Hạ Lễ (Ân Thi) luôn tìm tòi các giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006, trong một lần xem truyền hình biết được có giống bưởi khi quả chín có màu đỏ rất đẹp mắt, có nguồn gốc ở Thanh Hóa, lại thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên ông Vũ đi nhiều nơi tìm mua giống về trồng. Sau 3 năm, vườn bưởi với tổng số 25 cây đã cho thu hoạch. Năm nay, gia đình ông thu 1.000 quả, được thương lái đến tận vườn đặt mua với giá bán từ 25.000 – 70.000 đồng/quả. Với giá bán này, ông Vũ có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm.
Cẩn thận cắt từng quả bưởi chín đỏ như màu gấc, ông Vũ cho biết: “Trồng giống bưởi này được giá mà không lo đầu ra. Từ tháng 9 âm lịch thương lái đã đến vườn đặt mua toàn bộ sản lượng. Kỹ thuật trồng cũng không khác nhiều so với các giống bưởi khác".
Một đặc điểm khác hẳn so với các loại bưởi khác đó là quả khi nhỏ có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc. Vỏ, cùi, múi có màu đỏ rất đẹp mắt, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng. Cũng chính vì giá trị kinh tế cao do sở hữu màu sắc độc đáo, đẹp mắt, vị ngọt đậm đà, thơm ngon nên hiện nay giống bưởi này đã được một số nông dân Hưng Yên mua giống về trồng.
Được trồng từ năm 2015, đến nay vườn bưởi đỏ của gia đình ông Phạm Văn Sáng ở thôn Điềm Tây, xã Minh Phượng (Tiên Lữ) đã cho thu hoạch. Dù mới cho quả được hai năm nhưng ông Sáng cho biết: “Loại bưởi này có màu đỏ đẹp mắt, quả tròn, rất phù hợp để bày biện bàn thờ, mâm ngũ quả ngày Tết. Năm nay, gia đình tôi đã chọn được khoảng 50 quả có hình thức đẹp nhất để dành phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Bưởi này không cần mang ra ngoài chợ bán lẻ vì đã có khách đến tận vườn đặt mua”.
Theo chia sẻ của các hộ trồng bưởi đỏ ở Hưng Yên, loại bưởi này có nguồn gốc ở tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng là sản vật “tiến vua”. Bưởi cho thu hoạch từ tháng 10 – 11 hàng năm và có thể để đến dịp Tết Nguyên đán. Bưởi tươi rất lâu, có thể bảo quản từ 1 – 2 tháng sau khi thu hái.
Quả bưởi đỏ đang được bán lẻ trên thị trường với giá khá cao, dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/quả, nặng từ 1,1 – 1,5kg; loại nặng 6 – 8 lạng có có giá từ 50.000 – 60.000 đồng/quả… Các nhà vườn trong tỉnh trồng loại bưởi này còn ít, sản lượng thu hoạch không lớn nên khách buôn đã đặt từ sớm.
Thanh Hóa: “Vượt bão” thành công nhờ chăn nuôi bền vững
Năm 2019, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là chăn nuôi lợn gặp không ít khó khăn. Song, khi phần lớn người chăn nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ phải gồng mình chống đỡ với dịch bệnh, thì nhiều cơ sở, doanh nghiệp và trang trại nhờ áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học đã vững tin “vượt bão” bệnh dịch thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, truyền cảm hứng nhân rộng cho người chăn nuôi về mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát trên địa bàn huyện Như Xuân, gia đình anh Đồng Văn Thanh vô cùng lo lắng. Bởi, thời gian ấy, trang trại của gia đình anh tại thôn Ná Cọ, xã Thanh Sơn đang nuôi 2.400 con lợn; trong đó, có 2.000 con lợn thịt 1 tháng tuổi và 400 lợn nái. Trước tình hình đó, gia đình anh đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào trang trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột, trang trại còn mua lưới dày che kín xung quanh chuồng trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, tăng cường khâu chăm sóc nuôi dưỡng, mua thêm men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn...
Anh Thanh cho biết: Ngay khi bệnh dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, trang trại đã thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh và phòng chống bệnh dịch được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Đối với phương tiện ra, vào trang trại phải thực hiện phun thuốc, qua bể sát trùng, cách ly 30 - 60 phút trước khi tiếp xúc với khu chăn nuôi. Đối với con người, phải sử dụng dụng cụ, đồ dùng trong trang trại, các trang thiết bị cá nhân phải đưa vào máy UV để sát trùng... Tổng kinh phí đầu tư tăng cường cho chống bệnh dịch khoảng 70 triệu đồng.
Ngoài ra, tất cả 10 nhân công của trang trại đều phải thực hiện nghiêm các quy định, như: Chỉ được nghỉ 1 lần/tháng trong 2 ngày, sau khi trở lại phải 2-3 ngày thực hiện những công việc không liên quan đến chăm sóc đàn lợn; thực hiện tiêu độc, khử trùng bảo đảm đúng quy định trước khi vào chuồng trại... Nhờ đó, mặc dù bệnh DTLCP đã xảy ra trên địa bàn huyện Như xuân từ tháng 5-2019, song trang trại nuôi lợn tập trung của gia đình anh Đồng Văn Thanh đã “vượt bão” thành công. Từ tháng 5 đến tháng 11-2019, trang trại đã xuất 2.000 lợn thịt, tổng trọng lượng đạt hơn 250 tấn, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng/lứa, cao hơn 1,5-2 lần so với thời điểm bình thường. Hiện tại, trang trại của gia đình anh Đồng Văn Thanh được cơ quan thú y và các đơn vị chuyên môn chứng nhận đủ điều kiện tái đàn và đang thực hiện nuôi 2.100 lợn thịt gần 2 tháng tuổi. Dự kiến xuất chuồng vào tháng 3-2020.
Tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên An Minh, xã Hà Lan (thị xã Bỉm Sơn), khi người chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại chăn nuôi lợn khác trong vùng đang loay hoay với công tác chống bệnh dịch và bị ảnh hưởng nặng nề do “bão dịch” thì việc chăn nuôi lợn của công ty không vì thế mà gián đoạn.
Với quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn đạt 2.920m2; trong đó, diện tích công trình phục vụ chăn nuôi 363,2m2; được thiết kế, vận hành theo quy trình tự động, khép kín với quy mô tổng đàn trên 6.000 con lợn/lứa, gồm cả lợn nái sinh sản, lợn con, lợn thương phẩm. Khi bệnh DTLCP bùng phát, để ngăn chặn dịch lây lan vào trang trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột khu vực ngoài cổng, trước cửa chuồng nuôi và khu liên kết giữa các lối đi chính trong trang trại, công ty đã mua lưới dày che kín xung quanh chuồng nuôi để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh.
Đồng thời, tăng cường khâu chăm sóc nuôi dưỡng, hạn chế tối đa người ra, vào trang trại để tránh bệnh dịch từ nơi khác mang đến...
Bà Vũ Thị Kim Lan, giám đốc công ty, khẳng định: Nhờ thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nên đến nay trang trại của công ty vẫn bảo đảm không bệnh dịch, được ngành thú y và các cơ quan chức năng chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất chuồng và tái đàn.
Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý và phòng chống bệnh dịch, đến ngày 10-1, trên địa bàn tỉnh chỉ tiêu hủy hơn 213.900 con lợn, trọng lượng hơn 14.600 tấn (ở mức trung bình thấp trên cả nước). Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống DTLCP nên nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi giữa “bão” dịch vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, như: Hơn 20 trang trại nuôi lợn gia công của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP nông sản Phú Gia và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn ở các huyện Nga Sơn, Như Xuân, Yên Định... Thực tế cho thấy, ảnh hưởng và thiệt hại của bệnh DTLCP rất lớn, song chủ yếu tác động tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi bền vững.
Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khẳng định: Để phòng chống bệnh dịch trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và trên đàn lợn nói riêng, các cơ sở chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo Chỉ thị số 16/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tái đàn lợn để phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh; Công văn số 5850/UBND-NN của UBND tỉnh về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn sinh học... và thực hiện nghiêm các công văn hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cơ quan thú y về chăn nuôi bền vững.
Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng tới chăn nuôi tập trung quy mô lớn nhằm phòng tránh bệnh dịch và nâng cao giá trị kinh tế, phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Hà Nội: Vận hành 214 trạm bơm lấy nước sản xuất vụ xuân
Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, tính đến 11 giờ ngày 20-1-2020, mực nước cao nhất trên sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,27m. Với mực nước này, các trạm bơm chính Sơn Đà, Trung Hà (trên sông Đà); Phù Sa, cống Cẩm Đình (sông Hồng) vẫn chưa thể vận hành.
Tuy nhiên, mực nước này đáp ứng yêu cầu vận hành đối với các trạm bơm dã chiến: Sơn Đà, Phù Sa, Thanh Điềm, Ấp Bắc và một số trạm bơm mà thành phố Hà Nội mới đầu tư, như: Hồng Vân, Thụy Phú 2, Đan Hoài…
Đến 11 giờ ngày 20-1, 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã vận hành 214 trạm bơm bố trí dọc các bờ sông: Đà, Hồng, Đáy, Nhuệ, Đuống, Tích, với tổng số 402 máy bơm các loại, tổng lưu lượng 548.500m3/giờ. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành 110 trạm bơm, với tổng số 179 máy bơm; Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích vận hành 57 trạm bơm, với 66 máy bơm; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành 38 trạm, với 106 máy bơm.../.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.