Những ngày cuối năm, các hộ dân tại làng nghề chế biến hoa quả trên các địa phương lại tất bật, bộn bề với công việc sản xuất, chuẩn bị hàng phục vụ Tết.
Hưng Yên: Làng nghề rộn ràng vào vụ Tết
Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 55 làng nghề đang hoạt động với 6 nhóm ngành nghề chính như: Nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan; nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; nhóm làng nghề cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh... Thời điểm này, hầu hết cơ sở sản xuất tại các làng nghề đang “chạy đua” với thời gian để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.
Càng gần Tết Nguyên đán, người dân làng nghề trồng hoa, cây cảnh ở các xã Xuân Quan, Phụng Công, Thắng Lợi (Văn Giang) lại càng tất bật, nhộn nhịp hơn với công việc chăm sóc, cắt tỉa, uốn cành để có những chậu hoa, cây cảnh đẹp mắt phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm. Tết Nguyên đán là thời điểm cung cấp số lượng hoa, cây cảnh lớn nhất ra thị trường, mang lại khoản thu nhập cao nhất trong năm cho người trồng hoa. Để có hoa, cây cảnh bán trong dịp tết, người trồng phải có thâm niên kinh nghiệm trong nghề; lựa chọn từ khâu ươm giống, chăm sóc để hoa, quả ra đúng thời điểm.
Thời điểm này, nhiều gia đình trồng đào tại thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang (Văn Lâm) cũng tập trung chăm sóc, chuẩn bị công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ, nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, thôn Ngọc Đà có hơn 100 hộ trồng đào với diện tích gần 12ha. Ngoài giống đào của địa phương, vài năm trở lại đây, người trồng đào ở Ngọc Đà còn mua những gốc đào rừng về tiến hành ghép mắt đào phai, đào bích cung cấp cho thị trường. Hiện nay, tại một số nhà vườn có những cây đào cổ thụ được trồng cả chục năm, chăm sóc, cắt tỉa có thế đẹp, hoa nhiều được bán với giá hơn chục triệu đồng/cây, cho khách thuê để chơi tết với giá dao động từ 4 - 8 triệu đồng/cây... Trung bình, mỗi hộ dân trồng đào có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Lê Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong năm, các làng nghề của tỉnh tiếp tục phát triển, sản xuất, kinh doanh thuận lợi do các chính sách hỗ trợ làng nghề của tỉnh phát huy hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương chú trọng khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng những làng nghề có điều kiện lợi thế về vị trí địa lý, có các sản phẩm đặc trưng bố trí gắn với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển làng nghề, đào tạo lao động…
Bên cạnh đó, để tăng giá trị sản phẩm, nhiều làng nghề cũng đã đầu tư máy móc, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó sản phẩm làm ra đã cơ bản bảo đảm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Dịp tết này, sản phẩm của nhiều làng nghề đã có thương hiệu được tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng hơn.
Thanh Hóa: Nông dân tất bật chăm sóc rau màu phục vụ Tết
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ rau màu ngày càng tăng cao. Thời điểm này, các HTX nông nghiệp và nhiều hộ dân trong tỉnh đang tất bật chăm sóc rau màu để kịp cung ứng nguồn hàng phục vụ thị trường.
Là địa phương thuần nông chuyên sản xuất rau màu, xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) những ngày này đang tất bật với công việc gieo trồng, chăm sóc cây rau để kịp thu hoạch đợt cuối năm. Ông Đỗ Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp cho biết: Toàn xã có 87 ha diện tích rau màu các loại. Để có rau kịp bán trong dịp Tết, từ 1 tháng nay người dân trong xã đã bắt đầu chuẩn bị mọi điều kiện để gieo cấy và chăm sóc với hi vọng về 1 vụ mùa bội thu.
Trên diện tích trồng rau màu hơn 24 ha theo tiêu chuẩn VietGap, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và điện năng Hoằng Hợp cho biết: “Mặc dù rau củ ở đây được trồng quanh năm, nhưng chúng tôi đặc biệt chú trọng vào thị trường Tết. Hiện chúng tôi đã có các loại rau đang bán ra thị trường như: Cà chua, su su, mướp, bầu canh và các loại rau ăn lá. Ngoài ra, HTX còn mới gieo cấy nhiều loại rau màu khác như bắp cải, rau cải, tầm tơi, hành lá... kịp thu hoạch trong dịp Tết này. Thời tiết năm nay khá thuận lợi nên rau màu phát triển tốt, sản phẩm tiêu thụ nhanh và được giá nên người dân rất phấn khởi. Cụ thể, bắp cải đang được bán với giá 13.000 đồng/kg; cà chua giá 12.000 đồng/kg, đậu cô ve có giá 15.000 đồng/kg; hành lá có giá 20.000 đồng/kg. Dự kiến giá càng gần Tết, giá rau sẽ càng tăng cao.
Hầu hết những người sản xuất rau màu phục vụ Tết năm nay đều nhận định: Vụ tết năm nay, ngoài trồng củ cải, su su, su hào... các loại cây ngắn ngày (hơn 1 tháng là cho thu hoạch) được người dân tập trung lựa chọn gieo trồng. Nhìn chung rau xanh cung ứng cho thị trường tết năm nay rất đa dạng, dự kiến sẽ cho năng suất vượt trội vì thời tiết thuận lợi, người dân lại có sự chuẩn bị chu đáo từ trước về kỹ thuật làm đất cũng như cây giống, cách chăm sóc cây trồng. Hiện nay, có nhiều thương lái đến tận vườn nhập hàng nên ai cũng hăng hái sản xuất.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hợp, xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) cũng đang dốc sức cho vụ mùa cuối năm. Những ngày này, HTX đang tập trung vừa thu hoạch củ cải, cà tím theo các đơn đặt hàng từ trước vừa chuẩn bị tung ra thị trường nhiều loại rau ăn lá và chuẩn bị xuống giống nhiều loại cây mới cho vụ mùa sau Tết. Không chỉ các HTX chuyên canh trồng rau tất bật chuẩn bị vụ tết, mà tại nhiều địa phương, nhất là những vùng lân cận TP Thanh Hóa, nhiều hộ dân cũng đang tích cực chăm sóc các loại rau ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập.
Nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu tại nhiều địa phương đang diễn ra rất thuận lợi, hứa hẹn một mùa rau Tết bội thu, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân.
Hà Nội: 1,02% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép
Trong năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã triển khai lấy 785 mẫu (695 mẫu rau, 90 mẫu quả tại các vùng sản xuất) để kiểm tra các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, 8/785 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng tối đa cho phép (chiếm tỷ lệ 1,02%).
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cũng lấy 125 mẫu rau sơ chế tại các cơ sở sản xuất có hoạt động sơ chế, trong đó, 2/125 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép (chiếm 1,6%).
Bên cạnh đó, trong 90 mẫu thuốc gửi Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc để kiểm tra chất lượng, 100% số mẫu đạt yêu cầu; trong 45 mẫu giống (lúa, ngô) gửi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia để kiểm nghiệm chất lượng giống, có 5 mẫu không đạt yêu cầu...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…