Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 2 năm 2021 | 6:8

Tin NN ĐBSH: Thị trường Tết ông Công, ông Táo - cá chép đỏ, rau quả “đắt khách”

Sát lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thị trường cá chép tại các chợ truyền thống bắt đầu nhộn nhịp. Các gian hàng thực phẩm và hàng bán đồ lễ cũng trở nên sôi động hơn ngày thường.

tet5.jpg
Cá chép đỏ đã được bày bán tại các chợ trước nhu cầu cúng ông Công, ông Táo sớm của người dân. 

 

Hà Nội: Thị trường Tết ông Công, ông Táo - cá chép đỏ, rau xanh “đắt khách”

Sát lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), thị trường cá chép tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như: chợ Quang (Thanh Trì), Chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Châu Long (quận Ba Đình)… trở nên nhộn nhịp hơn. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đa số người dân đến chợ đều bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế và thành phố Hà Nội.

Theo phong tục cổ truyền của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người dân đều chuẩn bị các vật phẩm, gồm cá chép sống, mũ hài, hoa tươi... cùng mâm cơm cúng để đưa tiễn ông Táo về chầu trời.

Theo ghi nhận của phóng viên tại phố Hàng Mã, Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm), bên cạnh các mặt hàng trang trí Tết, các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khá đa dạng, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống quen thuộc như: Bộ mũ hài, cá chép, hương, nến… Theo chủ quầy kinh doanh tại số 9 Hàng Lược, năm nay, giá cả không biến động, thấp nhất từ 35.000 đồng, loại đẹp có thể lên tới 200.000 đồng/bộ.

Còn tại chợ Hôm - Đức Viên, chợ Gia Lâm…, giá cá chép vàng phóng sinh ở mức 30.000-70.000 đồng/bộ 3 con tùy loại to, nhỏ.

Theo chị Đặng Thu Hường, chuyên kinh doanh thủy sản tại Gia Lâm, lễ cúng ông Công, ông Táo năm nay rơi vào thứ năm (ngày 4/2), nhiều người bận đi làm nên chuẩn bị đồ lễ cúng từ hôm nay. Do đó, chị Hường bắt đầu kinh doanh thêm mặt hàng cá chép đỏ.

Cùng với đó, các loại thực phẩm, trái cây, hoa tươi, trầu cau cũng được nhiều người dân chọn mua. Chị Thu Phương, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (phố Quán Thánh, quận Ba Đình) cho biết, giá các mặt hàng không tăng, trong đó giá một số loại trái cây còn đang giảm. Cụ thể, các loại trái cây an toàn trồng theo phương pháp VietGap như xoài Cát Chu có giá 85.000 đồng/kg, nho Sơn La 389.000 đồng/kg, chuối ngự Đại Hoàng 49.000 đồng/nải…

Trong khi đó, tại các chợ, giá các mặt hàng trái cây tăng khoảng 5-10%, như cam Canh có giá 50.000-70.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 60.000-70.000 đồng/kg, bưởi phật thủ từ 35.000 đồng đến trên 100.000 đồng mỗi quả tùy loại…

Giá các loại rau củ, thịt gà, bò hầu như không tăng. Cụ thể, giá súp lơ xanh và trắng khoảng 10.000-12.000/cái, nấm kim châm 10.000-12.000 đồng/gói 200gr, su hào 3.000-7.000 đồng/củ… Giá gà nguyên lông 120.000-140.000 đồng/kg, tôm sú 300.000-450.000 đồng/kg…

tet3.jpg
Cửa hàng gà luộc sẵn trên phố Hàng Bè rất hút khách.(Ảnh: Đoàn Nam)

 

Thời điểm này, các cửa hàng chế biến đồ ăn sẵn cũng bắt đầu “bung hàng” phục vụ những bà nội trợ bận rộn. Tại một cửa hàng đồ ăn chế biến trên phố Hàng Bè, giá canh mọc, canh măng là 120.000 đồng/bát, chim hầm 160.000 đồng/bát, nem thịt 100.000 đồng/10 cái, nộm đu đủ 60.000 đồng/đĩa, xôi gấc 35.000-50.000 đồng/đĩa, bánh chưng 50.000-70.000 đồng/cái…

Tại các cửa hàng chuyên kinh doanh gà luộc sẵn trên phố Gia Ngư, những chú gà trống vàng ươm miệng ngậm hoa hồng được bày bán nhiều, thu hút khá đông người mua. Theo chủ cửa hàng ở đây, giá gà luộc sẵn không tăng so với các năm, với 450.000-500.000 đồng/con.

Ghi nhận tại các chợ, giá hoa cúc 35.000-70.000 đồng/10 bông, hoa hồng 40.000-60.000 đồng/10 bông, hoa lay ơn 60.000-80.000 đồng/10 bông. Thời điểm này hoa đào cũng được bán tại nhiều chợ, trong đó cành đào nhỏ có giá 70.000-100.000 đồng/cành, mỗi cành đào to có giá từ 150.000 đến vài trăm nghìn đồng.

Tuy lượng người tới chợ mua sắm tăng lên, song ghi nhận trong sáng nay, hầu hết người kinh doanh và người dân đến mua sắm đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang để phòng dịch.

 

Vĩnh Phúc: Triển vọng nuôi con “đặc sản” phục vụ thị trường Tết

Càng đến gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các hộ chăn nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: Ba ba, gà Tiên Yên, lợn mán, hươu, dê… lại càng chú ý quan tâm, chăm sóc cho đàn vật nuôi, bởi những con nuôi này hầu hết có đầu mối tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao.

1_6.jpg
Gia đình anh Dư Văn Hai ở thôn Bản Long, xã Minh Quang (Tam Đảo) hiện đang nuôi hơn 3.000 con gà Tiên Yên phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021.

 

Nắm bắt được thói quen tiêu dùng cũng như thờ cúng của người dân là cúng gà vào mỗi dịp lễ, Tết, tận dụng tiềm năng và lợi thế về đất đai, địa hình đồi núi, anh Dư Văn Hai ở thôn Bản Long, xã Minh Quang (Tam Đảo) đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại nuôi con đặc sản. Trong đó, chủ yếu là các giống gà ta, gà Đông Tảo và đặc biệt là gà Tiên Yên.

Với diện tích chăn nuôi lên tới hơn 3ha, anh Hai thả nuôi bán tự nhiên để gà có thể tự do vận động.

Ngoài ra, gà được phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng bằng vitamin và thuốc bổ, do vậy những lứa gà của gia đình anh luôn được thị trường đón nhận.

Hiện, trong khu vực trang trại của gia đình, anh Hai thả nuôi 500 con gà Đông Tảo, gần 2.000 con gà ta và hơn 3.000 con gà Tiên Yên.

Theo tính toán, với giá bán từ 80.000/kg gà Tiên Yên và từ 60 – 65.000/kg gà ta, dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình anh Hai sẽ thu lãi gần 100 triệu đồng từ cung cấp gà thịt cho thị trường.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hai cho biết: “Giống gà Tiên Yên vốn có ngoại hình đẹp, cân nặng vừa phải nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng để làm gà cúng cũng như quà biếu trong các dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, với giá tiền không quá cao, cùng một thời gian nuôi, nhưng do được thường xuyên vận động nên gà khi ăn có vị thơm, chắc thịt.”

Nhận thấy đây là những con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, anh Hai luôn tính toán để có sản phẩm bán quanh năm, không chỉ phục vụ người tiêu dùng dịp Tết cổ truyền của dân tộc mà còn xuất bán cho các nhà hàng trên địa bàn huyện.

Đời sống người dân khấm khá dần lên cũng là lúc họ tìm về những sản phẩm sạch ở nông thôn, miền núi.

Nắm bắt được nhu cầu này, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở Tổ dân phố Trại Ngoài, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) đã đầu tư nuôi dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với diện tích chuồng trại chăn nuôi lên tới 500m2, gia đình chị Tuyết hiện đang nuôi gần 500 con dê.

Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: “Ngoài những thực phẩm thông thường như thịt gà, cá, thịt lợn… thịt dê cũng là thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, phần vì dễ chế biến, lại giàu dinh dưỡng nên bán rất chạy vào dịp lễ, Tết.

Để có chất lượng thịt thơm ngon, ngoài các thức ăn chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp như: Các loại lá rừng, lá mít, thân cây đu đủ,… gia đình tôi còn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, chú trọng đảm bảo VSATTP, đáp ứng yêu cầu khách hàng trong dịp Tết.”

Nhờ đó, mô hình nuôi dê của gia đình chị Tuyết được nhiều thương lái, người tiêu dùng, các nhà hàng trên địa bàn tỉnh về tìm và đặt hàng trước. Với giá bán 130 nghìn đồng/kg hơi, theo tính toán, riêng tháng Tết, gia đình chị Tuyết sẽ xuất bán gần 300 con dê với trọng lượng trung bình 20kg/con, thu về gần 80 triệu đồng.

Năm 2016, anh Nguyễn Văn Tân ở thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, thịt thương phẩm và cung cấp con giống sau nhiều lần thất bại với các mô hình chăn nuôi thông thường.

Được biết, khởi nghiệp với 9 con hươu, nuôi hươu lấy thịt công sức bỏ ra cũng nhiều hơn các con nuôi khác, song giá trị kinh tế nhờ vậy mà cao hơn hẳn.

Nhận thấy giá trị kinh tế từ hươu sao mang lại, anh Tân tập trung gây giống và chăn nuôi khoảng 30 con.

Ngoài bán thịt hươu thương phẩm, nhung hươu, anh Tân còn bán cả hươu giống với giá 15 triệu đồng/cặp, nhung hươu từ 20 - 25 triệu đồng/kg và thịt hươu thương phẩm khoảng 250 nghìn đồng/kg.

Anh Tân cho biết: "Dự tính, Tết Tân Sửu 2021, gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nhung hươu và thịt hươu thương phẩm.”

Những năm gần đây, trong khi ngành chăn nuôi truyền thống đang gặp khó khăn, việc nuôi con đặc sản là một hướng đi có triển vọng, được nhiều nông dân quan tâm, phát triển. Nhờ thế, người nuôi có thêm thu nhập, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

 

Bắc Ninh: Bảo đảm cung - cầu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết

Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thường có xu hướng tăng cao, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Sở Công Thương triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung - cầu, bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

 Năm 2020, dịch Covid-19 làm thay đổi một phần thói quen, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý bán hàng đều thận trọng trong việc lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Qua theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao, Sở Công Thương chủ động phương án ứng phó, kịp thời.

2.jpg
Tại Trung tâm thương mại Dabaco Từ Sơn, hàng Tết phong phú sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

 

Sở Công Thương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh… Xác định các siêu thị, trung tâm thương mại và các đơn vị kinh doanh thương mại sẽ đón lượng khách lớn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở yêu cầu các doanh nghiệp phân tích đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và năng lực sản xuất kinh doanh của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nhu cầu thị trường; phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm  tươi sống, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp; triển khai các điểm bán hàng bình ổn...

Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Giám đốc Hệ thống Siêu thị Dabaco (thành phố Bắc Ninh), cho biết: “Hệ thống siêu thị dự trữ hàng Tết trị giá hơn 100 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so năm trước, trong đó ưu tiên cho trữ lượng nhóm thực phẩm, bánh kẹo các loại. Siêu thị còn đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn, sẽ bán ở tất cả các siêu thị Dabaco và Trung tâm thương mại Dabaco trong tỉnh…

Theo ông Trần Ngọc Thực, Giám đốc Sở Công Thương, các đơn vị, doanh nghiệp bán lẻ đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu và cam kết giữ ổn định giá dịp Tết Tân Sửu. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 76/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình bình ổn giá 5 mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán 2021, bao gồm: Trứng gia cầm, thịt lợn, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến và bánh mứt kẹo các loại có tổng giá trị hơn 600 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh tạm ứng 60 tỷ đồng, lãi suất 0% hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá. Thời gian tạm ứng 6 tháng, từ ngày 20-1 đến ngày 30-6. Những doanh nghiệp tham gia Chương trình phải có uy tín, năng lực, kinh nghiệm kinh doanh; có phương án chuẩn bị nguồn hàng, điểm bán hàng cố định và nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình. Giá bán các mặt hàng bảo đảm luôn thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm trên thị trường ít nhất 5%. Tại các điểm bán hàng phải treo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung “Điểm bán hàng bình ổn giá”, bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người dân dễ nhận biết và mua sắm… Đây là cơ sở để khẳng định dịp Tết Tân Sửu, hàng hóa dồi dào, không có tăng giá đột biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top