Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2020 | 14:16

Đặc sản vùng, miền Hà Tĩnh sẵn sàng phục vụ thị trường Tết

Những đặc sản nổi tiếng mang đặc trưng của vùng miền Hà Tĩnh như nước mắm, mực khô, cá mờm khô, cam, bánh đa nem, trầm hương Phúc Trạch, nem chua, giò me… đã được nhiều cơ sở sản xuất chuẩn bị sẵn và “tung” ra phục vụ thị trường Tết.

tr7.JPG
Các đặc sản của vùng miền Hà Tĩnh với hương vị thơm ngon, chất lượng đảm bảo… đang ngày càng đến gần hơn với khách hàng.

Tết Nguyên đán đang đến gần. Để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, những đặc sản nổi tiếng mang đặc trưng của vùng miền Hà Tĩnh như nước mắm, mực khô, cá mờm khô, cam, bánh đa nem, trầm hương Phúc Trạch, nem chua, giò me… đã được nhiều cơ sở sản xuất chuẩn bị sẵn và “tung” ra phục vụ thị trường Tết.

Thị trường đón nhận

Bà Nguyễn Thị Miện, Giám đốc HTX thu mua và chế biến thủy sản Kỳ Phú (Kỳ Anh) chia sẻ: “Trong dịp Tết năm nay, HTX dự trữ khoảng 30.000 lít nước mắm ngon, trên 1 tấn mực khô, cá khô các loại, khoảng 2 tấn ruốc chua, ruốc mặn, rong biển... Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia Lễ hội Cam và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 3. Tại  đây, nhiều sản phẩm bán khá chạy và nhận được sự quan tâm của khách hàng. Với sự đón nhận của thị trường, chúng tôi tự tin vụ kinh doanh cuối năm sẽ thắng lợi, mang đến cái Tết vui cho người làm nghề trong HTX”.

Không riêng HTX thu mua và chế biến thủy sản Kỳ Phú, nhiều HTX, cơ sở sản xuất khác trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang tất bật lên đơn cho khách hàng khi Tết đang đến gần.

Thời điểm Tết Nguyên đán 2020 cận kề cũng là lúc những vườn cam Chanh tại thủ phủ cam Thượng Lộc (Can Lộc) đang vào độ ngọt đậm. Mặc dù đơn hàng nhiều, thương lái đến tấp nập nhưng các chủ vườn tại đây vẫn tập trung chăm sóc để bán vào đúng dịp Tết phục vụ nhu cầu cao của người dân.

 

tr7a.JPG
Các chủ vườn tại Thượng Lộc, Can Lộc thong thả “ém hàng” để bán vào đúng dịp Tết.

 

Cam Chanh Thượng Lộc được thu hoạch từ tháng 10 đến hết tháng 12 (âm lịch).  Trong khi cam Chanh tại nhiều vùng khác cuối vụ thường bị xốp đầu cuống thì cam Thượng Lộc vẫn giữ được vị chín mọng, ngọt đậm. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây, cam Thượng Lộc vào dịp Tết càng có giá do thị trường tiêu thụ lớn.

“Hiện đã có nhiều thương lái đến tận vườn mua với giá 35 - 40 nghìn đồng/kg cam Chanh. Riêng cam Tết loại đẹp, khách hàng mang đi biếu được đặt cọc hết với giá 50 - 60 nghìn đồng/kg…”, chị Phan Thị Hiền (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) phấn khởi cho biết.

Những năm gần đây, Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh, phiên chợ nông sản được tổ chức tại chợ Bình Hương (Thạch Trung,TP. Hà Tĩnh) đã tạo nên một kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng hiệu quả.

Hiệu quả từ sự chú trọng đầu tư “dài hơi”

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư hạ tầng, công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn, các HTX, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh đã quan tâm hơn đến việc đầu tư mẫu mã, xây dựng thương hiệu, tăng độ nhận diện qua các kênh xúc tiến thương mại… Nhờ đầu tư “dài hơi”, liên kết sản xuất, có điểm phân phối quy mô trên địa bàn, các đặc sản của vùng miền Hà Tĩnh với hương vị thơm ngon, chất lượng đảm bảo… đang ngày càng đến gần hơn với khách hàng.

 

tr7b.JPG
Các vựa rau lớn ở Hà Tĩnh cũng tất bật chuẩn bị phục vụ nhu cầu Tết. 

 

Cùng với đó, giờ đây, người tiêu dùng ở Hà Tĩnh cũng có thể mua sản phẩm một cách thuận lợi tại nhiều đại lý như: Cửa hàng ở Quốc lộ 1A thuộc xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh), thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn), cửa hàng thực phẩm sạch Hội Nông dân Hà Tĩnh; cửa hàng trưng bày của Liên minh HTX, cửa hàng nông sản an toàn tại số 106B, khu nhà ở xã hội phường Thạch Linh (TP. Hà Tĩnh), cửa hàng trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Công ty CP CED Central số 02, đường Vũ Quang (TP. Hà Tĩnh)...

Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Công ty CP CED Central, cho biết: CED Central đã kết nối được gần 50 nhà cung cấp với hàng trăm loại sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thêm kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất; đồng thời kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo từng lĩnh vực và thành chuỗi, tăng khả năng tiêu thụ và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Hà Tĩnh.

“Sản phẩm tiêu biểu vùng miền của Hà Tĩnh như: Cam Thượng Lộc, nước mắm, gạo, mực khô, nem chua,… đang được bán khá chạy tại cửa hàng. Các sản phẩm bày bán được dán tem nhãn đầy đủ và có chứng nhận của cơ quan chức năng nên tạo được sự yên tâm cho khách hàng”, ông Huy nói.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top