Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 2 năm 2020 | 21:14

Tin NN miền Trung: Quảng Ngãi: Chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ đến sớm, xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn mọi năm.

 
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, để chủ động ứng phó.
 
quảng-ngãi.jpg
Nông dân Quảng Ngãi xử dụng máy bơm nước ngọt vào đồng ruộng
(Ảnh báo Quảng Ngãi)

 

Mặc dù dung tích nước hữu ích tại 19/21 hồ chứa nước (HCN) và công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý, khai thác hiện đạt từ 68-100%. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài, mực nước trên một số lưu vực sông ở khu vực Trung Bộ giảm nhanh, kéo theo dung tích nước hữu ích ở các hồ chứa, công trình thủy lợi cũng bắt đầu suy giảm.
 
Tại huyện Bình Sơn, địa phương có số lượng HCN nhiều nhất tỉnh (58 HCN), nhưng hiện giờ, dung tích nước hữu ích của các hồ chỉ đạt từ 40-60%, nhiều hồ dưới mức 30%. “Hiện mực nước ở các HCN bắt đầu giảm, một phần do nắng nóng, phần do các HCN đều hư hỏng, năng lực tích và giữ nước không hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung lý giải.
 
Để ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động huy động mọi nguồn lực, triển khai các giải pháp bảo vệ sản xuất; khuyến cáo người dân tích trữ nước trong hệ thống kênh mương, ao hồ... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động vận hành có hiệu quả những công trình thủy lợi, điều hành nguồn nước phù hợp, góp phần giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.
 
“Các địa phương cần thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và thông báo rộng rãi để người dân biết những thông tin này. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền và người dân sẽ có các giải pháp để chủ động ứng phó ngay trong đầu mùa khô năm 2020”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn cho biết.
 
Minh Hóa: Bà con bản Ka Ai tích cực chăm sóc lúa đông xuân
 
Những ngày sau Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết nắng ấm, người dân bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) đang cùng các chiến sĩ tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo xuống đồng chăm sóc lúa đông xuân 2020.
 
quảng-bình.JPG
Bộ đội Biên phòng giúp dân chăm sóc lúa (ảnh báo Quảng Bình)

 

Vụ đông xuân năm nay, các chiến sỹ bộ đội biên phòng hướng dẫn bà con dân bản Ka Ai gieo sạ 5 ha lúa nước bằng giống lúa PC6 . Hiện cây lúa trên cánh đồng Ka Ai phát triển tốt, tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đang hướng dẫn bà con lấy nước, làm cỏ, tỉa dặm, bảo mật độ và bón thúc để lúa tiếp tục sinh trưởng.
 
Trung tá Đinh Minh Thanh, phụ trách tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết: Đây là vụ lúa thứ 11 của đồng bào người Mày ở bản Ka Ai trên cánh đồng lúa nước. Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ, chiến sỹ biên phòng, hiện người dân bản Ka Ai đã cơ bản nắm được kỹ thuật trồng lúa nước, từ khâu làm đất đến khi thu hoạch, đồng thời có ý thức chăm sóc, bảo vệ mùa màng nên diện tích gieo cấy và năng suất cây lúa nước đạt kế hoạch đề ra.
 
Được biết, cánh đồng lúa nước Ka Ai với năng suất trung bình đạt 45 tạ/ha, phục vụ lương thực cho gần 90 hộ người Mày nơi đây với bình quân mỗi hộ 1 tạ thóc/vụ, những năm qua đã góp phần ổn định nguồn lương thực cho bà con.
 
Hà Tĩnh: Sâu bệnh bắt đầu tấn công lúa xuân, nông dân gấp rút phòng trừ
 
Những ngày qua, nông dân Hà Tĩnh phải trải qua “mùa cấy thứ hai” lúa xuân 2020 vì đợt mưa từ ngày 7-10/2 khiến hàng trăm hecta mới gieo vào giai đoạn mũi chông bị hư hỏng. Chưa hết, sâu bệnh đang diễn biến phức tạp, “chực chờ” tổng tấn công lúa xuân.
 
đạo-ôn-tái-xuất-trên-đồng-ruộng-nghi-xuân.jpg
Bệnh đạo ôn tái xuất trên đồng ruộng huyện Nghi Xuân (ảnh báo Hà Tĩnh)

 

Theo thống kê từ các địa phương, đợt mưa trên địa bàn Hà Tĩnh từ ngày 7- 10/2 đã khiến ít nhất trên 678 ha lúa xuân bị ngập. Lớn nhất là ở Thạch Hà (600 ha), Can Lộc (56,2 ha), Nghi Xuân (12 ha) và Lộc Hà (10 ha).
 
Mặc dù phần lớn diện tích đã kịp thời tiêu thoát để “cứu” lúa phục hồi, nhưng đổi lại, công tỉa dặm, chăm sóc của bà con nông dân lại vất vả bội phần.
 
Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh, thời điểm này một số diện tích gieo cấy sớm đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh về thân lá, cộng với việc bón đạm thúc đẻ nhánh đã trở thành điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển. Đặc biệt, là bệnh đạo ôn lá - loại dịch hại nguy hiểm và có “thâm niên” lâu năm nhất trên vùng đất Hà Tĩnh.
 
Ông Nguyễn Đức Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT& Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Nghi Xuân cho biết: “Hiện nay, toàn bộ diện tích nhiễm đã được phun phòng trừ đợt 1, đồng thời trung tâm đã có hướng dẫn bà con nông dân cách nhận biết, xử lý sớm diện tích phát sinh bệnh để tránh lây lan. Tuy nhiên, với địa phương có 50% diện tích là xuân trung (nhiều giống nhiễm như: Xi23, NX30 - PV) thì nguy cơ bùng phát khi thời tiết bất thuận là rất cao”.
 
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho biết: “Trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh phát triển như hiện nay, huyện đã khuyến cáo bà con chăm sóc lúa theo đúng quy trình, bón phân cân đối để tăng sức đề kháng cho cây. Đặc biệt, tránh bón thừa đạm để hạn chế thấp nhất gây hại và lây lan của bệnh đạo ôn, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh xuất hiện”.
 
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top