Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 2020 | 17:32

Tin NN: Thịt lợn Thái Lan "vắng bóng" trên thị trường dù NK hàng nghìn con

Dù đã nhập khẩu hàng nghìn con lợn sống từ Thái Lan, song tới thời điểm này, người tiêu dùng Hà Nội vẫn chưa biết mua thịt Thái Lan ở đâu, khi siêu thị, chợ hoàn toàn “vắng bóng” loại thịt này.

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến 5/7, đã có 7 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gần 9.000 con lợn sống từ Thái Lan. Tuy nhiên, tới thời điểm này, người tiêu dùng Hà Nội vẫn chưa biết mua thịt Thái Lan ở đâu, khi siêu thị, chợ hoàn toàn “vắng bóng” loại thịt này.

Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, đến nay, có khoảng 7.000 con lợn sống đã được nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, giá lợn hơi trong nước vẫn chưa giảm như kỳ vọng, kéo theo đó, giá lợn thành phẩm vẫn đứng im ở mức cao.

lon.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn mua thịt lợn. (Ảnh: IT)

 

Khảo sát nhiều siêu thị tại Hà Nội, giá thịt lợn không biến động nhiều, vẫn ở mức cao, giá cao nhất lên tới 250.000 đồng/kg. Cụ thể, tại siêu thị VinMart, nạc dăm 209.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 229.000 đồng/kg, sườn sụn non 249.000 đồng/kg

Ngoài các khay thịt đóng sẵn, phần thịt lợn tự chọn tại VinMart cũng là thịt đặc sản trong nước, hoàn toàn không có thịt Thái Lan hay thịt đông lạnh nhập khẩu. Tương tự, hệ thống siêu thị Hapro cũng không bán loại thịt này

Tại BigC, thịt đông lạnh như ba chỉ 159.000 đồng/kg, nạc vai, sườn 169.000 đồng/kg, thấp hơn không nhiều so với thịt trong nước nên không được các bà nội trợ quan tâm. Chị Hà Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, gia đình từ lâu vẫn quen ăn tươi nên không quan tâm đến hàng đông lạnh. “Nếu có thịt lợn tươi từ Thái Lan mà giá rẻ hơn bây giờ thì mình sẽ ăn thử, đã nghe nói nhiều nhưng vẫn chưa biết mua ở đâu, cũng không thấy ai giới thiệu”, chị Hà Anh cho hay.

Tượng tự, tìm đỏ mắt khắp các chợ truyền thống Hà Nội cũng không có thịt nhập khẩu, các tiểu thương đều lắc đầu và tỏ ý gàn lại khi khách hàng hỏi về loại thịt này. Kháo sát tại chợ Kim Liên, Thái Hà, Nam Trung Yên, Láng Hạ, … giá thịt lợn quanh mức 140.000 – 170.000 đồng/kg. Đắt nhất là các phần ba chỉ, sườn non, vai giòn.

Một tiểu thương chợ Kim Liên cho hay: “Giá thịt Thái Lan thấp hơn không quá nhiều, thịt lại quá nạc, màu sắc không được như thịt ở đây, chợ này không bán được loại ấy, chắc chủ yếu bán vào nhà hàng”.

Một số người tiêu dùng thắc mắc: “Nghe thời sự, đọc báo cũng biết là có thịt nhập khẩu giá rẻ, nhưng không biết mua ở đâu. Thịt đông lạnh thì còn thấy, chứ thịt Thái Lan chưa gặp ở đâu cả”. Thịt nhập về được tiêu thụ đâu vẫn là một dấu chấm hỏi với người tiêu dùng hiện nay.

 

Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu kêu cứu

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ Nepal cấm nhập khẩu 5 mặt hàng, trong đó có hồ tiêu từ ngày 6-4 (không áp dụng cho các lô hàng có tín dụng thư bảo đảm thanh toán mở trước ngày 29-3). Theo VPA, có đến 58 container (tương đương 1.300 tấn) của 13 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang bị mắc kẹt ở cảng Birgunj (Nepal) và cảng Kolkata (Ấn Độ) từ 2-3 tháng mà không thể thông quan, cũng không thể tái xuất về Việt Nam.

Bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trân Châu (TP HCM), cho biết DN của bà đã làm ăn với đối tác Nepal nhiều năm qua và họ rất uy tín. Từ tháng 2 đến ngày 25-3 (trước thời điểm Nepal có văn bản cấm), DN đã xuất khẩu 22 container hồ tiêu, trị giá hơn 1 triệu USD sang Nepal nhưng không được nhà nhập khẩu thanh toán với lý do họ không có giấy phép nhập khẩu. Chúng tôi muốn đưa hàng về để giảm thiểu thiệt hại nhưng không được. Rõ ràng trong vụ này DN không có lỗi nhưng lại gánh chịu hậu quả" - bà Hậu lo lắng.

Theo bà Phùng Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Nam International - một DN khác cũng ở TP HCM có hàng bị kẹt tại Nepal, bà đã mất ăn mất ngủ nhiều tháng nay. "Chúng tôi đang rất cần sự can thiệp của các cấp nhà nước nhằm giải cứu hàng hóa bị kẹt vì DN xuất khẩu đang gánh nặng hàng loạt chi phí lưu kho, lưu bãi. Bây giờ, nếu đưa được hàng về, DN cũng bị thiệt hại đến 50%" - bà Huyền bày tỏ.

tiu.jpg
Thu hoạch hạt tiêu tại Tây Nguyên. (Ảnh minh họa)

 

Đại diện một DN lý giải khi container đến cảng, hãng tàu sẽ cho nằm miễn phí từ 7-10 ngày, sau đó sẽ áp dụng theo bảng giá ngày càng tăng. Tuần đầu là 70 USD/ ngày/container, tuần thứ hai lên 100 USD và từ tuần thứ ba trở đi là 170 USD. Như cách tính trên, nếu hàng lưu bãi từ trên 3 tháng thì số tiền phải trả cho 1 container lên tới 16.000-17.000 USD. "Đây là số tiền quá lớn với DN giữa lúc kinh doanh khó khăn, thậm chí 2 tháng qua chúng tôi phải nợ lương công nhân vì vốn đã kẹt trong tiền hàng" - đại diện một DN bức xúc.

Các DN cho biết khi vụ việc xảy ra họ đã liên hệ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) và VPA để nhờ hỗ trợ. Bộ Công Thương ngay sau đó đã gửi công hàm đề xuất phía Nepal cho thông quan các lô hàng hoặc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan cho DN tái xuất hàng về Việt Nam vì lệnh cấm không nhất quán với tinh thần tự do thương mại và cũng không được báo trước cho các bên có liên quan. Trong khi đó, IPC đã phối hợp với Đại sứ quán, VPA và những DN xuất khẩu gửi thư đề nghị chính phủ Ấn Độ và Nepal hỗ trợ giải quyết cho các lô hàng được tái xuất về Việt Nam. Đồng thời, IPC cũng hỗ trợ yêu cầu các hãng tàu xem xét cắt giảm chi phí lưu kho. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua nhưng vụ việc dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Trước vụ việc trên, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp để chính phủ Nepal cho tái xuất 58 container trên. "Hiện các chi phí lưu kho, lưu bãi đã lên đến 35%-40% giá trị lô hàng. Nếu lô hàng còn tiếp tục mắc kẹt, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa. Trong trường hợp lô hàng được tái xuất, VPA mong muốn các hãng tàu liên quan đến 58 container chia sẻ rủi ro với DN xuất khẩu bằng cách giảm 70% chi phí lưu kho bãi và đưa hàng về" - ông Hải đề xuất.

Theo ông Hải, 13 DN có lô hàng bị mắc kẹt ở Nepal đều là DN nhỏ và vừa, 3 triệu USD là số tiền rất lớn đối với họ, nhất là trong bối cảnh khó khăn do Covid-19. "Từ vụ việc trên, để tránh rủi ro, DN xuất khẩu phải tìm hiểu quy định của nước nhập khẩu ở từng thời điểm, không chỉ nghe theo thông báo của nhà nhập khẩu để tránh thiệt hại" - ông Hải cảnh báo.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 6 ước đạt 22.000 tấn, trị giá 48 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm đạt 168.000 tấn và 358 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ cán đích ít nhất 12 tỷ USD

Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2020 dự kiến cán đích 12 tỷ USD. Đây là lĩnh vực đóng góp lớn nhất về giá trị xuất khẩu trong “rổ” hàng hóa nông - lâm - thủy sản năm nay của ngành nông nghiệp.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ước đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tháo gỡ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng cục đã phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trực tiếp đến doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, báo cáo Thủ tướng đưa doanh nghiệp chế biến gỗ vào nhóm đối tượng được hỗ trợ do tác động bởi dịchCovid-19.

“Hiện cơ bản các doanh nghiệp lớn đã ổn định sản xuất trở lại, chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Trên cơ sở tính toán, năm 2020 giá trị xuất khẩu sẽ đạt 11,75-12 tỷ USD”, ông Điển nói.

go.jpg
Chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu.

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, lĩnh vực lâm nghiệp đã có đóng góp tăng trưởng và xuất khẩu cao nhất trong ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020.

Theo ông Tuấn, nửa đầu năm nay, thị trường thế giới rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu lâm sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019.

"Không có lý do gì không thể bứt phá để đạt mục tiêu xuất khẩu 11,75 - 12 tỷ USD", ông Tuấn nói và nhấn mạnh "phải đạt 12 tỷ USD trở lên, để bù đắp vào giảm tăng trưởng của các ngành khác".

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, trong nửa năm còn lại và một thời gian nữa, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cùng đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước gây nguy cơ cháy rừng rất cao.

Ông Tuấn cũng lưu ý, với thị trường, ngoài tác động do dịch COVID-19, một số sản phẩm gỗ đang chịu những rào cản thương mại như các vụ kiện chống bán phá giá, gian lận xuất xứ…như với Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ.

“Đó là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu không lớn so với tổng giá trị xuất khẩu của ngành nhưng sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, uy tín ngành hàng, do đó phải tập trung xử lý", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp triển khai tích cực Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nắm bắt đón cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top