Nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam đang được ưu tiên tập trung xúc tiến thương mại quảng bá mạnh mẽ sang các thị trường trên thế giới và sự đón nhận của các thị trường đang hết sức tích cực.
Xúc tiến thương mại gừng đông lạnh sang Australia
Sau thành công của chương trình xúc tiến thương mại cho trái sầu riêng Việt Nam tại Australia trong các năm 2019 và 2020, Thương vụ Việt Nam tại Australia đang xúc tiến kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy gia tăng kim ngạch các mặt hàng nông sản chế biến khác của Việt Nam tại thị trường Xứ Chuột túi.
Hiện, Thương vụ đã bắt đầu triển khai rộng rãi một số hoạt động tiếp thị tại những khu vực tập trung đông người dân châu Á và sẽ xem xét để mở rộng quy mô hơn nữa trong thời gian tới. Mở đầu cho kế hoạch này là chương trình tiếp thị gừng đông lạnh Việt Nam thông qua các kênh truyền thông xã hội, website, phát tờ rơi tại cửa hàng, nhà hàng và quảng cáo tại các sự kiện thể thao, vui chơi giải trí có đông người tham dự.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết việc chọn gừng làm mặt hàng đầu tiên trong chuỗi chương trình xúc tiến hàng nông sản Việt Nam lần này vì gừng tươi tại Australia đang là một trong những mặt hàng khan hiếm, có giá bán lẻ rất cao khoảng 50 AUD/kg (39 USD/kg).
Năm 2020, Australia đã phải nhập khẩu gừng từ các nước nông nghiệp khác với tổng kim ngạch xấp xỉ 4 triệu USD. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng và có nhu cầu rất lớn, phù hợp với cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.
Qua khảo sát của Thương vụ, rất nhiều người Việt tại Australia, đặc biệt là chủ các cửa hàng bán lẻ thực phẩm, nông sản, chưa biết nhiều về mặt hàng gừng đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Trên thực tế, gừng Việt Nam đã có mặt ở đây từ vài năm trước. Giá bán lẻ của gừng già đông lạnh Việt Nam trên thị trường lớn nhất châu Đại dương dao động trên dưới 10 AUD/kg (7,8 USD/kg). Mặc dù là đông lạnh, nhưng gừng Việt Nam vẫn giữ được mùi vị đậm đà vốn có và giá thành phải chăng, nên được người tiêu dùng rất ưa thích.
Ông Nguyễn Phú Hòa giải thích thêm, Australia hiện mới chỉ mở cửa thị trường cho bốn loại quả tươi của Việt Nam, bao gồm nhãn, vải, xoài và thanh long. Vì vậy, việc đa dạng sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các cơ hội mới thông qua thương mại nông sản chế biến là một trong những hướng đi nhiều ưu thế, dành cho các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam.
Bằng chứng là trong năm 2019 và 2020, các lô hàng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Australia đã được chào đón và tiêu thụ một cách nhanh chóng. Gần đây nhất, sầu riêng RI6 cũng đã được Thương vụ tập trung quảng bá, xây dựng thành công một hình ảnh sầu riêng đặc trưng của Việt Nam, tạo hiệu ứng cạnh tranh với sản phẩm từ các nước khác.
Trong khuôn khổ giải Golf do cộng đồng người Việt tại Australia tổ chức ngày 25/4 ở thành phố Sydney (bang New South Wales), Thương vụ cũng đã phối hợp với Ban tổ chức để đặt biển quảng cáo và tiếp thị gừng đông lạnh Việt Nam, gây sự chú ý của các doanh nhân.
Trưởng cơ quan Thương vụ nhấn mạnh lựa chọn quảng bá sản phẩm tại các giải thể thao của cộng đồng người Việt tại Australia, là một trong những hướng đi mới, bên cạnh các chương trình xúc tiến truyền thống. Hoạt động này tạo ra cơ hội quảng bá hiệu quả, không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, mà qua đó còn nuôi dưỡng sự kết nối và gắn bó cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản rau quả từ Việt Nam sang Australia đã có mức tăng trưởng 39,97% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch hơn 19 triệu USD.
Tuy nhiên, so với một số thị trường thế mạnh khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Australia hiện vẫn rất "khiêm tốn." Nếu tận dụng được tốt các cơ hội, quốc gia lớn nhất khu vực châu Đại Dương sẽ là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu thịt của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong tháng 2/2021, giá trị xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,34 triệu USD, tăng 197,9% so với tháng 1 và tăng 256,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Với giá trị như trên, Hàn Quốc chiếm 19,3% tổng giá trị xuất khẩu thịt trong tháng 2 của Việt Nam. Đây là mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc.
Sản phẩm xuất nhiều nhất trong tháng 2 là chân gà, chân vịt đông lạnh, chiếm 77,3% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang Hàn Quốc.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc đã tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ gia cầm để bù bắp cho nguồn cung trong nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm từ cuối năm ngoái.
Bên cạnh đó, trong tháng 2, Việt Nam cũng khẩu một số sản phẩm phẩm khác sang thị trường Hàn Quốc như ếch thịt, thịt chế biến...
Mật ong Việt Nam có thể bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 22/4 vừa qua, cơ quan này nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraina và Việt Nam.
Theo đó, nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ và Hiệp hội mật ong Sioux. Hàng hóa bị điều tra gồm có mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00. Do đó, theo khuyến cáo từ Cục Phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần kiểm tra đối chiếu với mã HS khi xuất khẩu và mô tả sản phẩm của Hoa Kỳ.
Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất: từ 01/10/2020 đến 31/3/2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại: từ 01/01/2018. Số liệu của hải quan Hoa Kỳ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 50,7 ngàn tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ.
"Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, đây có thể là vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thứ ba trên thế giới sau vụ việc Hoa Kỳ điều tra CBPG đối với mật ong Trung Quốc và Argentina năm 2001.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp bị khởi xướng điều tra", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.
Được biết, theo quy định của Hoa Kỳ, DOC sẽ xem xét tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện (21/4/2021). Theo thông lệ, DOC sẽ gửi bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Quantity and Value Questionnaire) cùng ngày với thông báo khởi xướng vụ việc.
Các doanh nghiệp sẽ có khoảng 14 ngày để hoàn thành bản câu hỏi Q&V. Việc trả lời bản câu hỏi Q&V là bắt buộc nếu doanh nghiệp không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác.
Hiện nay, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đang xem xét đơn kiện của Nguyên đơn để đánh giá mức độ thiệt hại của ngành sản xuất mật ong tại Hoa Kỳ. ITC sẽ phải đưa ra kết luận về đánh giá mức độ thiệt hại cho ngành ong tại Hoa Kỳ trong 45 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Để phục vụ cho việc đánh giá thiệt hại nói trên, ITC đã gửi bản câu hỏi nhằm tìm kiếm một số thông tin liên quan từ các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất/xuất khẩu mật ong từ 05 quốc gia bị cáo buộc. Thời hạn cung cấp thông tin cho ITC đến ngày 05/5/2021 (theo giờ Hoa Kỳ), cách thức nộp bản trả lời được ITC nêu cụ thể tại bản câu hỏi.
"Các doanh nghiệp nên trả lời bản câu hỏi của ITC để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Cục PVTM sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trả lời theo đúng quy định. Đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản trả lời câu hỏi theo đúng định dạng và thời hạn quy định. Thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế CBPG cao nhất do Nguyên đơn đề xuất", đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.