Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 2020 | 15:51

Công nghiệp chế biến: Chìa khóa mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản

Phát triển công nghiệp chế biến được xác định là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản của nước ta còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cả về số lượng, chất lượng, trình độ công nghệ cũng như khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.

 

tr9.jpg
Thủ tướng thăm Nhà máy chế biến nông sản của DOVECO tại Gia Lai.
 

Chế biến, giải pháp gia tăng giá trị nông sản

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sản phẩm rau quả chế biến là một trong những chủng loại hàng hóa không chịu tác động từ đại dịch Covid - 19, trị giá XK mặt hàng này vẫn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020, đạt 166,1 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, xoài sấy (14,4 triệu USD, tăng 149,7% so với cùng kỳ), nước chanh leo (10,6 triệu USD, tăng 3,5%), trái cây sấy (gần 9,5 triệu USD, tăng 222%), lá nho chế biến 8,8 triệu USD..

Là doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng trái cây sấy dẻo, ông Võ Phát Triển, Tổng giám đốc Công ty Việt - Đức, cho hay, sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều siêu thị ở Nga, Đức, được khách hàng rất ưa chuộng. Riêng mặt hàng xoài sấy dẻo, mỗi năm công ty nhận đặt hàng từ châu Âu 500.000 - 600.000 Euro. Tháng 3 vừa qua, dù đang ở giai đoạn diễn biến phức tạp nhất của dịch Covid - 19 nhưng Công ty Việt - Đức vẫn quyết định nâng cấp, đưa tổng công suất chế biến của nhà máy tại Đồng Tháp tăng 10 lần so với giai đoạn đầu. Đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả thứ 2 trên diện tích 13 ha tại Đồng Tháp, với tổng công suất 20 tấn thành phẩm/ngày.

 

tr10.jpg
Công nghiệp chế biến làm tăng giá trị nông sản. Ảnh: Chí Nhân

 

Gần đây nhất là câu chuyện 2 container vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất khẩu theo đường biển sang Nhật, có trọng lượng 8 tấn, do Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam làm quy trình, thủ tục xuất khẩu từ ngày 18/6, xuất phát từ cảng Hải Phòng ngày 22/6.  Theo kế hoạch, tàu sẽ cập cảng Nhật Bản trong vòng 7 ngày, tuy nhiên vì lý do khách quan nên sáng 4/7 tàu mới tới nơi.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, vì nhiều lý do 2 container vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất khẩu theo đường biển sang Nhật Bản mất tới 13 ngày đi biển và lưu kho thông quan.

Đáng chú ý, dù bị trễ mấy ngày so với dự kiến ban đầu nhưng khi mở ra, quả vải vẫn giữ được màu sắc tươi ngon, đảm bảo chất lượng nhờ công nghệ bảo quản, chế biến bài bản.

Cùng với đó, UBND huyện Lục Ngạn cho biết, tính đến ngày 2/7, trên địa huyện có các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ… và nhiều người dân trên trong huyện đã thu mua gần 3 nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn để chế biến cung cấp ra thị trường trong, ngoài nước. Trong đó, vải chế biến ép nước đóng lon, tách cùi, chè vải, kem vải… hơn 650 tấn; vải sấy khô 2.150 tấn, tăng 30% so với năm ngoái. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính đối với sản phẩm vải sấy khô, giá bán dao động từ 70 đến 90 nghìn đồng/kg

Dự kiến cả vụ này, đơn vị sẽ tiêu thụ khoảng 700 tấn, ước tổng giá trị vải chế biến của công ty khoảng 600 nghìn USD, cao hơn nhiều lần so với vải bán tươi trong nước. Việc doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã… thu mua chế biến quả vải thiều giúp tăng giá trị nông sản; kéo dài thời gian sử dụng và giảm áp lực tiêu thụ quả vải tươi là những giải pháp cần được nhân rộng hơn nữa trong những vụ tới.

Có thể nói rằng, sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nhiều ngành hàng trong lĩnh vực chế biến nông sản đã hội nhập rất tốt với kinh tế thế giới.

 

tr11.jpg
Sản phẩm vải thiều chế biến của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco.

 

Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.... Sẽ thật không “ngoa” khi nói chế biến chính là chìa khóa mở rộng cánh cửa thị trường để nông sản Việt có mặt, nâng cao vị thế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn từ năm 2013 đến 2019, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (2007 - 2012). Theo đó, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm, xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Nhờ đó, những năm vừa qua tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hằng năm từ một tỷ USD trở lên.

Công nghiệp chế biến nông sản: Còn nhiều hạn chế

Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Trong đó, với ngành hàng chế biến lúa gạo hiện cả nước có 582 doanh nghiệp, chè 455 doanh nghiệp, điều 465 doanh nghiệp, sắn 500 doanh nghiệp. Riêng thủy sản có 864 doanh nghiệp và gỗ 3.604 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ như: rau, quả, thịt. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (từ 10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Nổi bật, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15-30%.

Số cơ sở chế biến nông sản tập trung phát triển tại một số khu vực như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải ven biển; còn các tỉnh miền núi phía Bắc chưa có nhiều cơ sở chế biến.

 

tr12.jpg
Đóng gói xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Cát Tường.

 

Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1.000.000 tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh/thành phố. Những địa phương có từ 10 doanh nghiệp trở lên là: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lâm Đồng và Tp. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, Ở miền Bắc chỉ có vài vùng như dứa Đồng Giao (Ninh Bình), dứa Lào Cai với tổng diện tích cả hai vùng khoảng 5.000ha, cho sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm, trong đó có tới 50% sản lượng được tiêu thụ tươi ở trong nước và 50% là nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) có sản lượng tương đối cao, nhưng thời gian thu hoạch và chế biến chỉ trong vòng 1,5 tháng. Các vùng trồng loại quả đặc sản như cam ở Hà Giang, Hàm Yên (Tuyên Quang)... chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tươi ở trong nước.

Ngoài ra, còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình sấy khô hoa quả, sản xuất mứt hoa quả, dưa chuột muối…

Số cơ sở chế biến, nông, lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95% số cơ sở. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm, bằng 1/2 đến 1/3 các nước khác. Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, nhưng năng suất thấp. Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn rất thấp. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực ngành hàng nhưng nhìn chung giao động từ 10 - 20%.

Đặc biệt, các sản phẩm như: mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ, điều này dẫn đến tình trạng tồn ứ khiến nông sản giảm chất lượng, mất giá.

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, công nghiệp chế biến nông sản của nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng. Lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm…

Để tạo ra “vàng ròng” từ nông sản

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân kìm hãm sự phát triển ngành công nghiệp này được cho là do cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn thu hút đầu tư vào chế biến nông sản, đặc biệt là đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ,… Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp. Chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đại diện cho các doanh nghiệp chế biến cho biết, do họ chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu mà đây là điều quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà máy chế biến. Mặt khác, ngay cả khi có nguyên liệu bảo đảm về số lượng, thời điểm, chủng loại thì lại còn những vướng mắc khác chất lượng, mức độ an toàn (an toàn thực phẩm, dư lượng các chất bảo quản, tính hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu...).

Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng và tín dụng ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (các Quyết định 62/2013/QĐ-TTg; 68/2013/QĐ-TTg…) còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục và đối tượng cho vay. Mức độ giải ngân nguồn vốn cho vay còn rất thấp so với yêu cầu, vì vậy, chính sách tín dụng chưa đến được với doanh nghiệp chế biến cũng như với nông dân sản xuất nguyên liệu. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư chế biến nông nghiệp của doanh nghiệp.

 

tr13.jpg
Vườn vải U hồng của gia đình ông Lê Hồng Hải ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính trong vùng nguyên liệu vải của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

 

Bàn về giải pháp cho những hạn chế đang tồn đọng của ngành chế biến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa sản xuất nông nghiệp và nguyên liệu phục vụ chế biến. Trong khi thị trường xuất khẩu các sản phẩm chế biến ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc nước ta chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại sẽ là trở ngại lớn.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các nhóm giải pháp lớn, đó là tổ chức liên kết chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng. Trên cơ sở thị trường tiêu thụ (bao gồm: thị phần, thị hiếu, giá cả), thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, các nông sản chính, các ngành hàng chưa đủ nguyên liệu cho chế biến như: thủy sản, gỗ, chè… 

Cùng với đó, đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ và khả năng sản xuất nguyên liệu, đặc biệt về chế biến rau quả, giết mổ và chế biến thịt. Song song với đó, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, hạ giá thành và có sức cạnh tranh trên thị trường. Định hướng phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Còn đối với doanh nghiệp, cần lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Ưu đãi miễn thuế nhập khẩu máy móc, vật liệu, phương tiện vận tải chuyên dụng, vật liệu mà trong nước không sản xuất được, nguyên liệu để gia công hoặc chế biến các sản phẩm xuất khẩu.  Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền, ngành hàng. Mặt khác, xem xét bãi bỏ các rào cản, các thủ tục hành chính, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top