Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 11 năm 2017 | 5:38

Tin tức Tây Nguyên: Nông dân lùng sục mua cây giống sầu riêng; giá cà phê lao dốc

Cơn sốt giống sầu riêng đang khiến thị trường sản xuất loại cây này tại khu vực Tây Nguyên trở nên phức tạp hơn bao giờ hết... Trong khi đó, giá cà phê giảm, người trồng cà phê tại tỉnh Gia Lai đang trữ hàng, chờ giá lên, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu mua.

Đắk Lắk: Sầu riêng lên ngôi, nông dân lùng sục mua cây giống

Vụ sầu riêng vừa qua, tại Đắk Lắk nhiều nông dân đã bỏ túi hàng tỷ đồng nhờ giá sầu riêng tăng cao. Ở thời điểm cuối vụ, khi lượng hàng bắt đầu khan hiếm, mỗi kg sầu riêng có giá lên đến 80.000 đồng. Với mức giá này, 1ha sầu riêng, nông dân có thể thu đến hơn 1,5 tỷ đồng.

Giá sầu riêng tăng cao hầu hết nông dân ở Đắk Lắk đều đang tranh thủ tận dụng tất cả những khoảng đất trống để trồng giống

Chính sự “lên ngôi” của quả sầu riêng mà giá bán giống loại cây này cũng đang trở nên hết sức đắt đỏ. Ở thời điểm hiện tại, giống sầu riêng cơm vàng hạt lép đang ở mức 110.000 – 120.000 đồng/cây, gấp đôi so với năm trước. Giống sầu riêng thường cũng tăng từ 30.000 – 35.000 đồng/cây lên 45.000 – 50.000 đồng/cây. Ngay cả cây sầu riêng thực sinh 1 năm tuổi cũng có giá đến 20.000 đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Hầu hết nông dân ở Đắk Lắk đều đang tranh thủ tận dụng tất cả những khoảng đất trống để trồng sầu riêng. Tại những vườn cà phê tái canh, những vườn tiêu hay xung trong vườn nhà…, nông dân đều tận dụng chỗ trống để trồng sầu riêng. Đây chính là lý do khiến thị trường giống sầu riêng trở nên sôi động.

Gia Lai: Giá cà phê lao dốc, nông dân găm hàng, doanh nghiệp khó thu mua

Sau khi đạt mức giá 45 triệu đồng/tấn ở đầu vụ, hiện nay giá cà phê chỉ còn 38 triệu đồng/1 tấn và tiếp tục có xu hướng lao dốc. Trước tình hình đó, người trồng cà phê tại tỉnh Gia Lai đang trữ hàng, chờ giá lên, nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu mua.

Hiện nay, giá cà phê nhân đang ở mức 38 triệu đồng/1 tấn, giảm 6 triệu đồng/1 tấn so với đầu vụ.

Giá cà phê xuống thấp khiến nông dân trữ hàng

Bà Huỳnh Thị Lệ Huyền, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai, cho biết, năm nay, công ty dự kiến mua khoảng 30.000 tấn cà phê nhân, nhưng từ đầu vụ tới nay, chỉ mới thu mua được 2.000 tấn. Nguồn cung khan hiếm, các nhà rang xay và doanh nghiệp xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh cũng đang nhập hàng cầm chừng. Vì vậy, doanh nghiệp thu mua cà phê nhân sô cũng lựa chọn phương án mua bán trao tay kiếm lợi nhuận chênh lệch, thay vì tích trữ chờ giá lên như các năm.

Ông Phạm Tấn Lực, Trưởng phòng Quản lý Xuất – Nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết: “Hiện tại, giá cà phê nội địa và xuất khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ các năm. Đây là hiện tượng khác với quy luật nhiều năm, khó dự đoán. Vì vậy, cả doanh nghiệp thu mua lẫn người trồng cà phê cần thận trọng để tránh rủi ro”.

Đắk Nông: Nông dân Cư Jút được mùa đậu phộng

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang tập trung thu hoạch đậu phộng vụ thu đông. Vụ đậu phộng năm nay, nhờ có nguồn giống tốt, áp dụng chặt chẽ các quy trình gieo trồng, chăm sóc nên năng suất đạt khá cao, giá bán ổn định nên bà con ai nấy đều rất phấn khởi.

Theo tính toán của bà con nông dân, mỗi ha trồng đậu phộng 1 vụ khoảng 3 tháng có thu nhập ít nhất được 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 50 – 55 triệu đồng. Nếu so với các loại cây trồng khác như mì, bắp, đậu đỗ các loại… thì lợi nhuận cây đậu phộng cao gấp 2 lần.

Theo tính toán của bà con nông dân, 1ha trồng đậu phộng 1 vụ khoảng 3 tháng có thu nhập ít nhất được 80 triệu đồng

Theo Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Cư Jút, vụ thu đông năm nay, toàn huyện gieo trồng được hơn 900 ha đậu phộng, tập trung ở các xã Đắk D’rông, Nam Dong, Đắk Wil và Ea Pô. Các giống đậu phộng chủ yếu được bà con gieo trồng như L14, TK10, giống đậu vồi địa phương, được trồng chuyên canh hoặc xen canh trong vườn cà phê, cao su. Nhờ thời tiết thuận lợi, phương pháp chăm sóc tốt nên năng suất đạt trung bình 7,5 tấn/ha, cao hơn 0,5 – 1 tấn so với vụ thu đông năm ngoái. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc cung cấp nguồn giống tốt, phòng còn đồng loạt triển khai nhiều buổi hội thảo đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, phòng cũng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi để thu mua, bình ổn giá, giúp người nông dân có vụ thu hoạch đậu phộng bội thu, trọn vẹn.

Kon Tum: Cho 3 cây ở chung 1 “nhà”, tưởng là dở mà có tiền nhiều hơn

Cho 3 cây ở chung 1 “nhà”- đó là mô hình trồng xen canh sầu riêng, cà phê và bơ sáp của gia đình ông Phạm Đình Dũng, thôn Đăk Kđem, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà (Kon Tum).

Sau hơn 10 năm thử sức với mô hình xen canh sầu riêng, bơ sáp trong vườn cà phê, ông Phạm Đình Dũng đã và đang được hưởng khi thu về hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng xen canh sầu riêng, cà phê và bơ sáp của gia đình ông Phạm Đình Dũng

Ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen sầu riêng, bơ với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê; tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô. Song điều quan trọng nhất trong việc trồng xen này là giúp cho mình tránh được thua lỗ khi độc canh một loại cây trồng, phòng trường hợp giá cà phê xuống thấp mình vẫn có nguồn thu từ các loại cây trồng khác.

Có thể nói, trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê là một phương thức đa dạng hoá cây trồng hay, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Lâm Đồng: Vẫn ‘nóng’ tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép. Tuy nhiên, trên địa bàn nhiều xã của huyện Đức Trọng, việc khai thác vật liệu xây dựng vẫn ngang nhiên diễn ra hằng ngày.

Hiện nay tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồngnạn khai thác vật liệu xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh này phải siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc những trường hợp khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng trái phép, nhưng thực tế tại các địa phương, nạn khai thác vật liệu xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, tác động xấu tới môi trường và gây ra nhiều hệ lụy./.

Quốc Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top