Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 6 năm 2018 | 8:39

Tin VSATTP: Đừng lợi mình nhưng lại hại người

Mới đầu hè nhưng những vụ ngộ độc về thực phẩm lại bắt đầu xuất hiện, điều này chứng tỏ lực lượng chức năng chưa xử lý hết các cơ sở vi phạm VSATTP, còn các cơ sở này vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người tiêu dùng.

Tuyên truyền rất nhiều
 
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 'Lễ phát động chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng'.
nong-san.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các địa biểu tham gia hội nghị ấn nút khởi động chương trình
Tham dự và phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, công tác VSATTP tuy đã đạt được nhiều tiến bộ tích cực, rõ nét trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do đó các đoàn thể cần nỗ lực hơn nữa. Không chỉ tăng cường công tác quản lý nhà nước, mà cần làm thay đổi nhận thức và thói quen từ cộng đồng đến từng người dân. Phải làm cho toàn xã hội nhận thức được thật sâu sắc, đầy đủ việc sử dụng thực phẩm không an toàn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và lâu dài hơn là ảnh hưởng tới giống nòi. Mọi người dân, người sản xuất, doanh nghiệp cần nhận thức rõ, việc không bảo đảm VSATTP là xâm phạm sức khỏe của người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp. Quan trọng nữa là trách nhiệm về đạo đức, lương tâm không thể vì lợi ích của mình mà bất chấp tất cả để sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn. Đồng thời, người tiêu dùng phải được giúp đỡ để phân biệt được thực phẩm bẩn, không an toàn, với thực phẩm sạch dựa trên các bằng chứng khoa học như qua xét nghiệm, mã truy xuất nguồn gốc… Còn người sản xuất được hướng dẫn cách nuôi, trồng, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, tạo điều kiện phát triển các mô hình sản xuất như Viet GAP, chuỗi phân phối thực phẩm sạch.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục vận động hội viên thực hiện tốt sản xuất thực phẩm sạch, nông sản sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội phải tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
 
Cũng tại buổi lễ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về VSATTP” năm 2018. Cuộc thi được phát động từ ngày 26/5 đến 26/7. Các ý tưởng được thực hiện dưới dạng video clip, băng âm thanh, thơ ca, truyền thông qua website, mạng xã hội, poster, kịch bản tiểu phẩm..., yêu cầu các ý tưởng có thể phát triển thành sản phẩm truyền thông với nội dung đề cập đến các vấn đề liên quan tới thực hiện vệ sinh an toàn từ khâu sản xuất, kinh doanh, chế biến đến tiêu dùng thực phẩm an toàn.
 
 
Xử lý cũng không ít
 
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 31 nghìn cơ sở trên cả nước vi phạm quy định ATTP, tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 19 tỷ đồng.
 
Cục ATTP đã thanh, kiểm tra 158.952 cơ sở trên cả nước. Trong đó, tổng số cơ sở vi phạm là 31.138 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 19 tỷ đồng.
lực-lượng-chức-năng-kiểm-tra.jpg
Các lực lượng chưc năng kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm (ảnh minh họa)
Ngoài các hình thức xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; số cơ sở có nhãn phải khắc phục 231; số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm: 1.482 cơ sở; tiêu hủy 1.590 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).
 
Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 và thực hiện kế hoạch số 225/ KH-BCĐTƯVSATTP, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và các địa phương triển khai tháng cao điểm về an toàn thực phẩm từ 15/4 - 15/5/2018. Trong đó, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, kiểm tra ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Một số vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm được đưa ra ánh sáng, đang được các cơ quan chức năng ở T.Ư và địa phương xử lý nghiêm.
 
 
Nhưng vẫn còn xảy ra ngộ độc
 
Ngày 21/5, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận 50 học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Quảng Ngãi) nhập viện với các triệu chứng chóng mặt, đau bụng nôn ói, tức ngực...
 
Theo cô giáo Đỗ Thị Thanh Liêm, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, trường Tiểu học Trần Phú, khoảng 8h, lớp tổ chức liên hoan cuối năm. Tại buổi tiệc, mỗi em học sinh được phát một ly trà sữa do Hội phụ huynh học sinh đặt mua tại một cơ sở bán trà sữa trên đường Ngô Quyền (TP Quảng Ngãi).
 
"Sau hơn 15 phút uống trà sữa, nhiều học sinh lớp 3B có triệu chứng nôn ói, đau bụng, nhức đầu… Giáo viên khẩn trương đưa các học đến bệnh viện", cô giáo chủ nhiệm nói.
 
Câu hỏi được dư luận đặt ra là: Tại sao các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra và xử lý rất nghiêm đối với các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm vi phạm, nhưng vẫn còn những vụ ngộ độc xảy ra? Phải chăng là các ngành chức năng vẫn chưa kiểm tra và xử lý hết? hay có sự bao che trong vấn đề kiểm tra xử lý này?
 
Đừng vì lợi nhuận cho mình mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người khác, kinh doanh hãy vì cái “Tâm”...
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top