Mùa hè đã đến, đây là thời điểm dễ xảy ra nhiều dịch bệnh, nhất là dịch tiêu chảy. Ngoài nguyên nhân do không ăn chín, uống nước sôi, còn do sử dụng thực phẩm mất an toàn vệ sinh.
Hơn 40 học sinh liên hoan bị ngộ độc
Sáng 21/5, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận và điều trị cho gần 40 học sinh lớp 3B Trường tiểu học Trần Phú, TP. Quảng Ngãi bị ngộ dộc tập thể nghi do uống trà sữa. Triệu chứng của những em này là nôn ói, đau bụng, sốt…
Theo bác sĩ Phạm Minh Tuấn, khoa Nội Nhi tổng hợp, các em học sinh được đưa đến bệnh viện lúc 9h45. Trong đó, 19 em có những triệu chứng nôn ói, đau bụng dữ dội, 2 em bị sốt. Hiện tại, 19 em này được đưa vào khoa bệnh Nhiệt đới để theo dõi.
Cô Đỗ Thị Thanh Liêm - giáo viên chủ nhiệm lớp 3B xác nhận, khoảng 8h sáng nay, trong buổi liên hoan cuối năm, 50 em học sinh được cô phát mỗi người một ly trà sữa do hội phụ huynh đặt mua ở một cơ sở trên đường Ngô Quyền (TP. Quảng Ngãi).
Sau khi uống trà sữa khoảng 15 phút thì 37 em có những triệu chứng nôn ói, đau bụng, nhức đầu nên được nhà trường đưa cấp cứu tại BV Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Được biết, lớp 3B Trường tiểu học Trần Phú có 50 học sinh, ngoài 19 học sinh có những dấu hiệu ngộ độc nặng thì những em còn lại cũng có những dấu hiệu ngộ độc nhẹ và đang được theo dõi tại phòng chờ của BV.
Đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở này
Chiều 21-5, ông Nguyễn Văn Oai, chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Ngãi, cho biết đã lập biên bản đình chỉ cơ sở sản xuất trà sữa Uyên Chip Chip (đường Ngô Quyền, TP Quảng Ngãi).
"Sau khi xảy ra vụ việc hàng chục học sinh bị ngộ độc do uống trà sữa cơ sở Uyên Chip Chip, chúng tôi đã kiểm tra và ghi nhận cơ sở này có đầy đủ giấy tờ, nhưng thời điểm kiểm tra nhiều khu vực không đảm bảo vệ sinh. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, chúng tôi đã đình chỉ hoạt động, lấy mẫu sản phẩm gửi đi kiểm nghiệm", ông Oai cho biết.
Không chỉ riêng có cơ sở này vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm mà rất nhiều các cơ sở sản xuất chế biến trà sữa khác cũng không đảm bảo được vệ sinh theo yêu cầu. Chỉ có điều lực lượng chức năng không thể kiểm tra kiểm soát thường xuyên để phát hiện và xử lý những cơ sở này theo đúng với các quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, các lực lượng chức năng cần xử phạt và đình chỉ ngay các cơ sở kinh doanh vi phạm này. Có như vậy người tiêu dùng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hà Nội tổng kiểm tra các cơ sở nước đóng bình
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội đang tập trung kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai và đá ăn dùng liền trên địa bàn…
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 477 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, thời điểm đầu mùa hè, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất những sản phẩm này phải được ưu tiên hàng đầu. Hiện, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã và đang tập trung kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai và đá dùng liền.
Tính đến nay, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra được 23 cơ sở, chưa phát hiện sai phạm. Các đoàn kiểm tra đã lấy 11 mẫu nước uống đóng chai tiến hành xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội khuyến cáo, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần tỏ thái độ kiên quyết, không chọn mua các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình, đá dùng liền không có địa chỉ rõ ràng, không công bố chất lượng sản phẩm và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.
Theo ông Tụ, khi mua một sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, người tiêu dùng cần kiểm tra bằng cảm quan bên ngoài vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, không bị móp, méo, dập, thủng… Ngoài ra, trên thân vỏ, người tiêu dùng nên quan sát kỹ tem nhãn có tuân thủ các quy định về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng, được cơ quan chức năng cấp công bố đạt chuẩn.
Cũng liên quan đến công tác ATTP trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền vừa có báo cáo đầy đủ về công tác đảm bảo ATTP trong “Tháng hành động vì ATTP năm 2018” gửi UBND TP.
Theo đó, trong 1 tháng cao điểm, từ 15-4 đến 15-5 vừa qua, toàn thành phố Hà Nội tổ chức 700 đoàn thanh tra, kiểm tra ATVSTP. Tổng số cơ sở, vụ việc được kiểm tra là 12.552 cơ sở. Qua kiểm tra đã phát hiện 2.108 cơ sở, vụ việc vi phạm, phạt tiền tổng cộng trên 2 tỷ đồng.
Để mùa hè này không còn những vụ ngọ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn cả nước, các cơ quan quản lý về sinh an toàn thwccj phẩm phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát ráo riết các cơ sở sản xuất trà sữa, nước uống đóng chai….để xử lý và đình chỉ ngay hoạt động của các cơ sở này.