Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 11 năm 2015 | 4:38

"Cắt ngọn" nhà 8B Lê Trực, hàng loạt công trình sai phạm "khủng" khác sao lại không?

Có thể nói, chưa thời điểm nào trên địa bàn Thủ đô Hà Nội lại đang có nhiều công trình vi phạm xây dựng trật tự diễn ra như hiện nay. Báo chí tha hồ phản ánh, nhưng việc chính quyền địa phương xử lý thì rất từ từ, mỗi công trình “lĩnh án” một kiểu...

 
Công trình của Phó giám đốc Sở GTVT xây vượt 3 tầng không bị chặt ngọn?
 
Ngay từ khi mới về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị đã tỏ ra quyết liệt trong việc xử lý các công trình xây dựng sai phạm. Người dân Hà Nội và dư luận cả nước còn nhớ rất rõ những phát ngôn, chỉ đạo quyết liệt của ông. Và lần này, khi TP. Hà Nội quyết định kiên quyết cắt bỏ phần sai phạm “khủng” tại công trình số 8B Lê Trực (chủ đầu tư sẽ bị thiệt hại nhiều tỷ đồng), người dân Thủ đô và dư luận cả nước lại mong chờ  xem ông Bí thư Thành ủy sẽ chỉ đạo xử lý công trình sai phạm của ông PGĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh ( tại ngõ 8 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) như thế nào?
 
Nhà xây sai phạm nghiêm trọng của ông Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội.
Nhà xây sai phạm nghiêm trọng của Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội.
 
 
Công trình nhà A3, ngõ 8 Lý Nam Đế, chủ đầu tư được cấp phép 6 tầng nhưng đã xây ngạo nghễ lên 10 tầng, “vượt mặt” tất cả các ngôi nhà khác trong khu vực. Sát bên cạnh đó, nằm ngay mặt đường Lý Nam Đế tòa nhà của Báo Quân đội Nhân dân chỉ được phép xây 6 tầng! Qua tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều người dân không khỏi bất bình khi biết rằng: Dù đã xây sai phép nhưng hệ thống chính quyền, cơ quan chức năng ở Hà Nội như bị “tê liệt” khi công trình trên vẫn ngang nhiên tồn tại, thách đố dư luận? 
 
Theo Quyết định số 2018/QĐ-XPVPHC do ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký thì hành vi vi phạm của gia đình ông Nguyễn Hoàng Linh là xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng số 222/GPXD ngày 17/10/2014 do UBND quận Hoàn Kiếm cấp, được qui định tại Điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định số 121/2013/n Đ-CP của Chính phủ.
 
Căn cứ vào kết quả xác minh và tài liệu có trong hồ sơ cùng với các qui định hiện hành, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định phạt tiền 15 triệu đồng nộp Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm đối với hành vi vi phạm của gia đình ông Nguyễn Hoàng Linh. UBND quận yêu cầu gia đình ông Linh dỡ bỏ phần công trình xây dựng trái phép.
 
Cụ thể, phải phá dỡ 3 tầng 8, 9, 10, diện tích mỗi tầng 140m2, phá dỡ tum thang với diện tích 21,4m2… Thời hạn khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định.
 
Quyết định giao cho bà Nguyễn Thị Kim Loan (vợ ông Linh) và ông Nguyễn Hoàng Linh nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành. Giao Chủ tịch UBND phường Hàng Mã tống đạt, giám sát, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.
 
Liên quan đến vấn đề sai phạm của tòa nhà A3, Khu tập thể số 8 Lý Nam Đế, trước đó, phường Hàng Mã cũng như Đội Thanh tra xây dựng Hoàn Kiếm đã nhiều lần lập biên bản vi phạm và yêu cầu gia đình ông Nguyễn Hoàng Linh tháo dỡ công trình vi phạm. Từ ngày 10/3/2015 đến nay, các cơ quan chức năng đã lập ít nhất 12 biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm. 
 
Mặc dù nằm sát Bộ Quốc phòng nhưng công trình này cao tới gần 50m, vượt lên trên tất cả các ngôi nhà bên cạnh, đứng trên tòa nhà này có thể quan sát trọn vẹn Bộ  Quốc phòng. Vì thế, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Đang có những thế lực “bảo kê” cho công trình này không bị cưỡng chế, cắt ngọn như nhiều công trình khác??? 
 
Tòa nhà Thăng Long sai phạm và cao 32 tầng
 
Công ty TNHH Thăng Long - chủ đầu tư Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long (hay còn gọi là Thăng Long Tower, chung cư Thăng Long  - Yên Hòa ở tổ 50 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khăng khăng rằng mình chấp hành đúng các quy định về xây dựng và quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế và các văn bản của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Thanh tra xây dựng, UBND Quận Cầu Giấy đã cho thấy sai phạm liên tiếp của công trình này.
 
Trong văn bản kết luận của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã nêu rõ Tòa nhà Thăng Long Yên Hòa xây vượt tầng cho phép.
Trong văn bản kết luận của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã nêu rõ Tòa nhà Thăng Long Yên Hòa xây vượt tầng cho phép.
 
Chủ đầu tư đã tiếp tục xây dựng Tòa nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết. Do đó, ngày 28/5/2015, Thanh tra Sở - Sở Xây dựng Hà Nội đã có Quyết định 35/QĐ-XPHC xử phạt hành chính số tiền 80 triệu đồng, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm số 000101/BB-VPHC.
 
Tại Báo cáo số 141/BC-UBND ngày 21/8/2015 của UBND TP Hà Nội, Sở QHKT HN đã nêu rõ: Sau khi Sở QHKT HN kiểm tra hiện trạng, xem xét thông tin báo chí phản ánh, Tòa nhà đã bị đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục sai phạm, không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý xây dựng Thành phố. Ngoài ra, công trình có dấu hiệu xây dựng vượt tầng.
 
Cụ thể: Tòa nhà cao 32 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng toàn dự án tăng thêm khoảng 2.227m2 so với phương án được phê duyệt và tăng 1.640 m2 (so với hồ sơ phương án kiến trúc do chủ đầu tư đề xuất).
 
Hiện tại số căn hộ chủ đầu tư đề xuất là 164 căn, tăng 39 căn so với phương án được phê duyệt.
 
Trong văn bản báo cáo UBND Hà Nội số 1191/QHKT-P1 ngày 30/3/2015 của Sở QHKT HN đã kết luận rõ ràng rằng, Công ty TNHH Thăng Long đã có những sai phạm khi không thực hiện nghiêm túc quy trình thủ tục về đầu tư xây dựng, quy định của Nhà nước và TP Hà Nội về quản lý quy hoạch kiến trúc. Không tuân thủ theo những yêu cầu của cơ quan chức năng mà đã hết lần này tới lần khác vi phạm trật tự xây dựng. Liệu Hà Nội có “chặt ngọn” công trình này?
 
Công trình vượt 6 tầng tại quận Hà Đông cũng không bị cắt ngọn
 
Công trình nhà dịch vụ nằm trong dự án (D.A) khu nhà ở cao cấp BMM tại phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội do Công ty Sản xuất thương mại BMM (Công ty BMM) làm chủ đầu tư xây vượt tầng và tồn tại nhiều sai phạm nghiêm trọng khác. Các cơ quan chức năng đã có văn bản đề nghị xử lý các vi phạm, thế nhưng, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.
 
Dự án khu nhà ở cao cấp BMM tại phường Phúc La, Hà Đông với nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Dự án khu nhà ở cao cấp BMM tại phường Phúc La, Hà Đông với nhiều sai phạm nghiêm trọng.
 
Theo Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở số 251/SXD-TĐ ngày 7/7/2008 của Sở Xây dựng Hà Tây thì công trình nhà dịch vụ có quy mô 2 tầng với diện tích xây dựng 180m2 trên tổng diện tích khu đất là 902m2. Công trình này nằm trong quần thể của  D.A khu nhà ở cao cấp BMM có chức năng phục vụ nhu cầu dân sinh của cộng đồng dân cư D.A.
 
Thực tế triển khai xây dựng, chủ đầu tư - Công ty BMM đã cố tình xây dựng sai quy hoạch. Tại biên bản kiểm tra D.A khu nhà ở cao cấp BMM ngày 17/3/2015, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ rõ công trình đang triển khai xây dựng phần thô 7 tầng + 1 tum, diện tích sàn xây dựng khoảng 250m2/tầng. Như vậy, phần xây dựng sai quy hoạch lên tới 5,5 tầng và mỗi tầng vượt 70m2 diện tích xây dựng theo thiết kế được các cơ quan chức năng phê duyệt ban đầu. Vậy mà đến nay, công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chả ai dám cắt ngọn.
 
Hàng loạt công trình sai phạm đang “xẻ thịt” Công viên Tuổi trẻ 
 
Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng) có tổng diện tích khoảng 26,43ha được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 29/12/2000, do Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội làm chủ đầu tư.
 
Thay bằng việc phát triển công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội thì nhiều năm nay, công viên đang bị “xẻ thịt” kinh doanh trái phép.
 
Theo kiểm tra của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô tồn tại nhiều hạng mục công trình đang khai thác sử dụng không phù hợp với quy hoạch được duyệt.
 
Cụ thể, nhà hàng Queen Bee gần khu ống trượt nước cảm giác mạnh vốn là đất quy hoạch trồng cây xanh nhưng hiện đã xây dựng nhà hàng 2 tầng kinh doanh ăn uống.
 
Nhà hàng Qeen Bee trên diện tích đất quy hoạch xây dựng cây xanh.
Nhà hàng Queen Bee trên diện tích đất quy hoạch xây dựng cây xanh.
 
Hàng loạt hàng loạt dự án bỗng dưng “mọc thêm tầng” sao chỉ phạt cho tồn tại?
 
Gần đây, cư dân tại nhiều dự án bức xúc trước tình trạng chung cư chủ đầu tư ngang nhiên biến tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ, văn phòng. Có chung cư bỗng nhiên “mọc” thêm bể bơi. Điều này gây nguy hiểm đến công năng của tòa nhà. 
 
Ghi nhận tại Tổ hợp dự án Sông Hồng Park View (165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) do Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng làm chủ đầu tư khu vực tầng áp mái chủ đầu tư đã ngang nhiên biến thành văn phòng của công ty. 
 
Tầng áp mái tòa nhà văn phòng chủ đầu tư Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng vô tư biến thành văn phòng của công ty.
Tầng áp mái tòa nhà văn phòng chủ đầu tư Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng vô tư biến thành văn phòng của công ty.
 
Tình trạng cơi nới tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ diễn còn ra phổ biến tại nhiều nơi như: Dự án Golden Land (275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) do Cty CP thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn tài chính Hoàng Huy) làm chủ đầu tư; chung cư Linh Đàm, Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ của đại gia Lê Thanh Thản; chung cư Phúc Hà (Nam Xa La, Hà Đông)...
 
Tại dự án 165 Thái Hà dù bị thanh tra phát hiện đúng thời điểm và bị xử phạt cũng chỉ phạt với mức 50 triệu đồng về vi phạm hành chính. Mức phạt này chỉ được ví như “muỗi đốt inox”. Trong khi đó, thông tin trên Tiền phong, ông Trần Huyền Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng thừa nhận: “Chúng tôi biết sai và đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Xây dựng xin được phạt cho tồn tại. Bao nhiêu chúng tôi đều chấp hành nộp, chứ phá đi rất phí”.
 
Vậy, những công trình này sẽ xử lý như thế nào? Công trình 8B  Lê Trực bị cắt ngọn, còn các công trình sai phạm “khủng” trên lại lọt lưới chăng? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Dư luận đang chờ câu trả lời từ lãnh đạo TP Hà Nội và Thanh tra Bộ Xây dựng.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về hàng chục công trình xây dựng vượt tầng nghiêm trọng tại địa bàn TP Hà Nội trong các số báo sau.
 
Theo kết quả giám sát của HĐND TP. Hà Nội, tại các quận, huyện cho thấy, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rất phổ biến, có nhiều địa phương ghi nhận số vi phạm những tháng đầu năm 2015 đã khá cao, thậm chí cao hơn cả con số của cả năm 2014 như Đan Phượng (72 trường hợp), Thanh Trì (135 trường hợp), Hà Đông (48 trường hợp), Bắc Từ Liêm (115 trường hợp), Chương Mỹ (89 trường hợp)…  
 
Trong 9 tháng đầu 2015, qua kiểm tra đã phát hiện trên 2.000 công trình vi phạm (không phép 627 trường hợp; sai phép 407 trường hợp…). Thanh tra xây dựng đã tham mưu cho chính quyền cơ sở ban hành trên 1.000 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng. 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top