Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 8 năm 2017 | 2:19

Tinh thần quyết đánh, quyết thắng của quân và dân miền Bắc trong chiến thắng trận đầu ngày 5-8-1964

Ngay sau khi tàu Madox bị đánh đuổi khỏi vùng biển vịnh Bắc Bộ trong ngày 2/8/1964, thì đêm mùng 4/8/1964, chính quyền tổng thống Mỹ Johnson đã dựng lên màn kịch “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên” vào ngày 5/8/1964, mở màn cuộc leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Đáp trả lại cuộc cuộc tập kích bằng đường không đó, quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Hải quân Việt Nam anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời Tổ quốc.

Từ màn kịch được Hải quân Mỹ dàn dựng

Ý đồ đánh phá miền Bắc Việt Nam đã được Hoa Kỳ nung nấu khá sớm, từ khi John Kennedy lên nắm quyền, chứ không cần phải đợi đến năm 1964 với những hành động lộ liễu trong một màn kịch được dàn dựng ở vịnh Bắc Bộ. Năm 1962, Mỹ bắt đầu hỗ trợ cho các lực lượng biệt kích của Quân đội Việt Nam Cộng hoà để đẩy mạnh các hoạt động phá hoại miền Bắc. Năm 1963, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ thực hiện ở miền Nam đứng trên bờ vực phá sản. Đặc biệt, cuộc đảo chính lật đổ Diệm-Nhu khiến chính quyền Sài Gòn lâm vào một cuộc khủng khoảng nghiêm trọng giống như giọt nước tràn ly, làm tan vỡ những nỗ lực mà Hoa Kỳ tạo dựng tại miền Nam Việt Nam.

Vì vậy, để cứu vãn tình hình, vào tháng 2/1964, Mỹ lập Kế hoạch hành quân mang mật danh 34A, sử dụng các tàu khu trục của Hạm đội 7 tuần tiễu vùng vịnh Bắc Bộ nhằm phô trương lực lượng, thu thập tin tức về hệ thống phòng thủ ven biển của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đặt mục tiêu phải tiêu diệt lực lượng hải quân Việt Nam và kiểm soát, làm chủ vùng vịnh Bắc Bộ. Ngày 17/3/1964, tại phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia, Mc.Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thúc giục Lầu Năm Góc “Cần có ngay kế hoạch đưa chiến tranh ra Bắc Việt Nam”. Ngày 17/4/1964, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thông qua Kế hoạch Oplan 37, dự kiến đánh phá mạnh và liên tục miền Bắc. Và không thể đợi lâu hơn nữa, cuối tháng 5/1964, một kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam với 94 mục tiêu cần đánh phá đã được Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thông qua.

Và để thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng đó, cần phải “qua mặt” Quốc hội Mỹ cũng như dư luận quốc tế, quân đội Mỹ đã dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, vu cáo tàu Hải quân nhân dân Việt Nam tiến công Khu trục Mỹ trên hải phận quốc tế. Đêm 4/8/1964, Mỹ dàn dựng sự kiện 2 tàu khu trục Maddox và Turnejoy chủ động nổ súng, phát tín hiệu bị hải quân Bắc Việt Nam tiến công lần thứ 2 ở vùng hải phận quốc tế. 11 giờ đêm 4/8/1964, Tổng thống Johnson lệnh cho Đô đốc G.Shap, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, cho máy bay từ các tàu sân bay đánh “trả đũa” vào một số mục tiêu ở miền Bắc. 

Khốc liệt, trên diện rộng ngay từ những ngày đầu

Ngày 5/8/1964, sau khi lu loa dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, quân đội Hoa Kỳ sử dụng hai biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga gồm hàng chục máy bay phản lực, mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên”, tấn công vào các mục tiêu kinh tế và căn cứ Hải quân suốt dọc ven biển từ cảng Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh-Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hoá) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc … “Mũi tên xuyên” đánh dấu bước leo thang mới trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của Hoa Kỳ.

Vào lúc 12h20 phút, 8 chiếc máy bay loại F8U, AD4, AD6 đã ném bom, bắn phá khu vực Sở dầu thành phố Vinh và căn cứ Hải quân Cửa Hội. Tại Cửa Ròn và cảng Gianh, lúc 12h30 phút, 8 chiếc máy bay Mỹ bay từ phía biển vào đèo Ngang chia làm 2 tốp, một tốp lao xuống bắn tàu đo đạc 527 của hải quân đang làm nhiệm vụ ở Cửa Ròn, một tốp khác vòng theo dãy Trường Sơn lên thượng nguồn sông Gianh rồi lao xuống bắn phá cảng Gianh. Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), lúc 14h40 phút, 8 máy bay từ hướng biển Long Châu ném bom, bắn rốc két vào các tàu của ta đang neo đậu ở Cửa Lục. Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hoá), lúc 14h45 phút, 4 máy bay AD6 từ hướng Đông Bắc bắn phá hai tàu T130 và T132. Tiếp đó, chúng tập trung 8 chiếc AD4 đánh các tàu 333, 336 và T146. Lúc 16h18 phút, 11 chiếc máy bay F8U lao vào bắn phá cảng Gianh lần thứ hai, 6 chiếc lao xuống công kích tàu T175 ở Hòn La, 5 chiếc khác lao vào đánh phá cảng Gianh.

Quyết đánh và đã thắng

Đáp trả cuộc tấn công của Không quân Mỹ ngày 5/8/1964, dù phải chiến đấu trong thế trận không cân sức, nhưng với tinh thần chủ động và cảnh giác cao độ, với quyết tâm chiến đấu cao, quân dân miền Bắc đã sử dụng lưới lửa phòng không nhân dân, giáng cho địch những đòn thích đáng ngay từ trận đầu.

Tại Vinh và Cửa Hội (Nghệ An), các tàu của Phân đội 7 và Phân đội 5 đã nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với lực lượng phòng không ở khu vực đánh trả máy bay địch. Các tàu hải quân vừa tránh bom đạn, vừa tập trung hoả lực giáng trả và bắn cháy 2 máy bay Mỹ, trong đó 1 chiếc rơi xuống biển cách Đông Nam Hòn Mát 2km.

Tại Cửa Ròn và cảng Gianh, tàu đo đạc 527 và các tàu T181, T183 (Phân đội 7); T173, T175, T177 (Phân đội 6) thuộc Khu tuần phòng 2 đã kịp thời chặt xích neo, phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ đánh trả các đợt công kích của máy bay địch. Sau 25 phút chiến đấu, bộ đội ta đã bắn 1 máy bay rơi xuống biển phía đông nam Cửa Gianh và bắn bị thương 1 chiếc khác.

Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), các tàu đã vừa chiến đấu vừa di chuyển ra vịnh Hạ Long, tránh sự đánh phá của địch. Các tàu T144, T134, T122, T124 và tàu 225 thuộc Khu tuần phòng 1 và căn cứ Hải quân Bãi Cháy đã phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 217 và lực lượng phòng không của tự vệ, công an địa phương bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống trung uý phi công Anvaret.

Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hoá), 2 tàu phóng lôi 333, 336 cùng các tàu tuần tiễu T130, T132, T146 đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắn bị thương 2 chiếc khác.

Tại cảng Gianh lần thứ hai, các tàu hải quân của ta đã bắn cháy 1 chiếc máy bay Mỹ. Ở Hòn La, tàu T175 dũng cảm một mình đánh trả 6 máy bay Mỹ. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nước tràn vào khoang, một số chiến sĩ hy sinh, thuyền trưởng bị thương nặng, những người còn lại vẫn vẫn kiên cường bám trụ, vừa chiến đấu vừa điều khiển tàu vào bờ kịp thời.

Cuộc chiến đấu ngày 5/8/1964 tuy có gây cho quân dân miền Bắc một số thiệt hại nhất định (1 tàu hải quân bị đánh chìm và 5 tàu hỏng nặng, 4 khẩu pháo và 2 máy nổ bị phá hỏng, 200 người thương vong), nhưng Hải quân Hoa Kỳ cũng chịu những tổn thất khá nặng nề: 08 máy bay phản lực bị bắn rơi, 03 chiếc khác bị thương, 1 trung uý phi công bị bắt sống.

Thắng lợi của quân dân miền Bắc là kết quả của quá trình chủ động chuẩn bị, tinh thần quyết đánh, quyết thắng Không quân Mỹ khi chúng xâm phạm vùng trời miền Bắc. Nắm được mưu đồ của Mỹ chuẩn bị leo thang chiến tranh ra miền Bắc, tháng 6/1964, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ”. Theo đó, hệ thống phòng không ba thứ quân, lực lượng phòng không nhân dân được triển khai, xây dựng rộng khắp. Đồng thời, mạng lưới bắn máy bay tầm thấp được hình thành trên toàn miền Bắc. Lưới lửa phòng không giăng ra khắp nơi, có thể đánh trả máy bay địch trên tầm cao, chặn đánh máy bay địch ở tầm thấp từ nhiều phía, cả trên bộ, trên sông, trên biển. Quân và dân miền Bắc còn phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng phòng không ba thứ quân với Hải quân nhân dân, Công an nhân dân vũ trang và các lực lượng khác, phối hợp giữa lực lượng tác chiến tại chỗ và lực lượng cơ động đánh địch.

Chiến thắng trong trận đầu ngày 5/8/1964 biểu thị ý chí quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, là biểu tượng tinh thần quật cường, bất khuất của một dân tộc nhỏ trước một đế quốc lớn. Rõ ràng đây là một cuộc chiến không cân sức, khi chỉ có trong tay vũ khí thô sơ phải đọ sức, đương đầu với những máy bay phản lực siêu âm hiện đại nhất của Mỹ, nhưng quân dân miền Bắc đã không nao núng mà quyết đánh và quyết thắng Mỹ đến cùng. Điều đó chỉ rõ khả năng quân và dân miền Bắc hoàn toàn có thể đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến đấu ở miền Nam. Vì vậy, chiến thắng đầu tiên này còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị và quân sự, tạo dựng niềm tin để bước vào cuộc chiến đấu căng thẳng và quyết liệt đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ sau này.

Ngày 5/8/1964 trở thành ngày “truyền thống đánh thắng trận đầu” của Hải quân Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là ngày “truyền thống đánh thắng trận đầu” của quân dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của Không quân, Hải quân Mỹ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những bài học lịch sử về trận đầu đánh thắng ngày 5/8/1964 của quân dân miền Bắc vẫn còn nguyên giá trị và cần được tiếp tục vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bùi Thị Hà

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top