Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 8 năm 2016 | 1:48

Tổ tiết kiệm và nguồn vốn: Cánh tay nối dài

Với vai trò là “cầu nối” đắc lực giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với người nghèo và các đối tượng chính sách, những năm qua, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giúp cho hàng nghìn hộ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cán bộ NHCSXH huyện Sa Pa hướng dẫn đồng bào DTTS  thủ tục vay vốn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Hải Hà cho biết, đơn vị đang triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách có tổng dư nợ đạt 2.147 tỷ đồng với 72.405 hộ vay. Các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn đã củng cố, duy trì hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Thông qua 2.506 Tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn tỉnh, hộ nghèo và đồng bào DTTS đã được vay vốn chính sách thuận lợi, kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo, tạo thêm việc làm, ổn định cuộc sống.

Đơn cử như ở huyện Sa Pa, đến hết tháng 6/2016, đã cho vay uỷ thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể thông qua 200 Tổ tiết kiệm và vay vốn gần 163 tỷ đồng. Riêng xã Bản Phùng - nơi cách xa thị trấn huyện hơn 30km, có 307 hộ nghèo người dân tộc Dao, Mông, đã được NHCSXH phối hợp chặt chẽ vốn các tổ chức hội, đoàn thể, Trưởng bản, Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS vay vốn, sử dụng vốn vay hợp lý và trả lãi, nợ đúng hạn.

Chia sẻ về cách quản lý nguồn vốn ở cơ sở, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Sái (xã Bản Phùng) Phùng Vần Tình cho biết: “Chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc quy chế sinh hoạt định kỳ 3 tháng một lần. Trong các buổi sinh hoạt, thường phổ biến chính sách mới của NHCSXH, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc, lãi đúng hạn. Mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn còn giúp bà con gần gũi nhau hơn”.

Ông Tình cho biết thêm, trước đây, các hộ trong thôn phát triển kinh tế tự phát, ai biết nhà nấy, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội viên có nhiều cái lợi, như được phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, đưa các giống lúa năng suất cao vào sản xuất. Nhờ có NHCSXH mà đồng bào nơi đây đã thay đổi hẳn tư duy làm kinh tế, nhiều gia đình trở thành hộ khá - giàu, tiêu biểu như gia đình ông Chảo Lão Cù, dân tộc Dao, từ hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Cách đây 3 năm, được vay vốn, ông Cù cải tạo khu đất đồi đào ao thả cá, xây chuồng nuôi lợn. Công việc sản xuất thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục mở rộng hệ thống chuồng trại, vườn cây ăn quả, quy hoạch thành mô hình VAC tổng hợp.

Gia đình anh Phùng Ông Sảnh ở thôn Bản Phùng vay vốn xây bể chứa nước sạch.

Không chỉ có nhà ông Cù được hỗ trợ nguồn vốn chính sách thông qua Hội Nông dân xã làm uỷ thác, nhiều hội viên của các đoàn thể khác ở xã Bản Phùng cũng được vay vốn thuận lợi và sử dụng đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... để vượt khó thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Gia đình anh Phùng Ông Sảnh ở thôn Bản Phùng đã sử dụng 12 triệu đồng vốn vay của NHCSXH cùng số tiền tiết kiệm được làm nên một công trình khá hoàn chỉnh với nhà vệ sinh tự hoại cùng hệ thống ống dẫn nước, bể chứa nước sạch để dùng, không còn phải đi gùi nước ở con suối cách nhà hơn 1km nữa, các thành viên trong gia đình trước kia bị bệnh ngoài da và đau mắt đỏ cũng chấm dứt hẳn.

Để nguồn vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, NHCSXH tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác cho vay, phối hợp với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể cơ sở tăng cường thực hiện quy trình bình xét vay vốn đảm bảo dân chủ, công bằng, phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao, đưa tổng dư nợ đạt 2.215 tỷ đồng vào cuối năm 2016, tăng 200 tỷ đồng so với năm 2015 và hạn chế tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,12% tổng dư nợ, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.

Ngọc Đông

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top