Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 7 năm 2017 | 2:35

Tổ tiết kiệm và vay vốn “4 không”

Không có nợ quá hạn, không tồn đọng tiền lãi, không xâm tiêu và không vay ké là bốn tiêu chí mà Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Dân, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã duy trì trong nhiều năm qua. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của Tổ trưởng Lê Thị Huệ.

Tổ trưởng Lê Thị Huệ (người đứng bên trái) giới thiệu về các giống xoài trong một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đã xế chiều, con đường nhỏ dẫn vào nhà Tổ trưởng Lê Thị Huệ vẫn tấp nập người. Ai nấy đều hân hoan như thể vừa trúng vụ lớn. Hóa ra hôm nay là ngày sinh hoạt định kỳ của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thấy chúng tôi băn khoăn vì sao tổ lại họp vào cái giờ mà lẽ ra các gia đình đang sum vầy chuẩn bị cho bữa tối, bà Huệ vội giải thích: “Chúng tôi quen rồi, giờ này bà con mới có thời gian để dự họp đông đủ”.

Bà Huệ cho biết, làm Bí thư Chi bộ ấp từ lâu, nhưng phải đến năm 2011, bà mới nhận ra giá trị của những khoản vay nhỏ từ NHCSXH và tin tưởng đây sẽ là chìa khóa giúp cho người nghèo trong ấp thoát nghèo.

Hằng ngày, từ 5 giờ sáng, bà Huệ ra khỏi nhà và làm việc cật lực trong 3 vai trò: Bí thư, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền viên, thậm chí hiện còn kiêm thêm vai trò hướng dẫn kỹ thuật trồng xoài VietGAP cho bà con. Bởi thế, mọi khó khăn của từng người trong tổ, bà đều tường tận và cùng chính quyền tháo gỡ kịp thời.

Trường hợp của chị Trần Thị Nga là một ví dụ. Vài năm trước, trong một lần tới thăm, bà Huệ biết chị Nga chuẩn bị vay tín dụng đen để lấy tiền nuôi lợn. Bà phân tích, giới thiệu và hướng dẫn chị đến với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Kết quả, từ chỗ tay trắng, nghèo cơ cực, nay gia đình chị Nga đã trở thành hộ khá trong ấp, thu nhập gần 120 triệu đồng/năm. Hai người con đã tốt nghiệp đại học  cũng nhờ đồng vốn NHCSXH .

Nếu NHCSXH không cho vay thì dù cố gắng, bà con ấp Tân Dân cũng khó thoát nghèo bền vững. Hiện, 98% số hộ trong ấp đều có vườn xoài. Người ít cũng sở hữu 4.000m2, nhiều tới 40.000m2.

Cứ nhìn cách sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của các nông tri điền sẽ thấy, ấp Tân Dân sẽ không có nợ quá hạn. Bởi lẽ, đó không đơn thuần là buổi thông báo về tình hình thu lãi, gửi tiết kiệm hay nợ đến hạn mà đó còn là buổi để Tổ trưởng Lê Thị Huệ triển khai các chuyên đề về bảo vệ sức khỏe như phòng chống dịch sốt xuất huyết hay các văn bản của cấp trên về xuất khẩu lao động… Đặc biệt hơn, nó giống như một buổi trưng bày, giới thiệu về các giống xoài ngon nhất của Việt Nam, của Thái Lan, Đài Loan... Những kỹ thuật trồng, bao trái, chăm sóc xoài mới nhất đều được chia sẻ. “Chúng tôi phải cùng nhau trồng, cùng nhau bảo vệ để xứng danh là thủ phủ của vựa xoài lớn nhất, ngon nhất Việt Nam - xoài Tân Dân, Cao Lãnh”, ông Sáu, tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Dân nói.

Hiện, xoài được trồng dọc hai lối đi, xoài bạt ngàn giữa đất trời Tân Dân, xoài lúc lỉu trước mỗi hiên nhà và đầy ắp trên từng chuyến xe tải nối đuôi nhau tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Liên tục 8 năm liền, Tân Dân là ấp văn hóa tiêu biểu; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 2%. Cả ấp có gần 600 hộ dân thì số hộ khá, giàu chiếm tới 87%. Có được kết quả đó, đồng vốn của NHCSXH đóng góp không nhỏ.

Bình Nhi

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top