Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2019 | 22:52

TP. HCM: Hàng ngàn sản phẩm nhập lậu bày bán ở Trung tâm thương mại

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp cùng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh vừa kiểm tra 19 gian hàng tại chợ Bến Thành và Trung tâm Saigon Square, tạm giữ gần 2.000 đồng hồ, túi xách, ví, khăn choàng, thắt lưng là hàng nhập lậu.

hàng-ngàn-sản-phẩm-giả-mạo-nhái-thương-hiệu-nổi-tiếng-bị-lực-lượng-quản-lý-thị-trường-phát-hiện-cand.jpg
Hàng ngàn sản phẩm giả mạo, nhái thương hiệu nổi tiếng bị lực lượng Quản lý Thị trường TP. HCM phát hiện ( Ảnh CAND)
 

Theo đó, Cục nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp cùng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra 30 gian hàng của các tiểu thương tại chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square.

Tại chợ Bến Thành, lực lượng chức năng đã kiểm tra 10 gian hàng, tạm giữ 779 sản phẩm đồng hồ, túi xách, ví các loại giả mạo nhãn hiệu Rolex, HuBolot, Tag Heuer, Dior, Hermes, Gucci, LV… 

Tại Trung tâm Saigon square, lực lượng chức năng kiểm tra 19 gian hàng, tạm giữ 1.187 sản phẩm đồng hồ, túi xách, ví, khăn choàng, thắt lung, giày, dép… giả mạo các nhãn hiệu Rolex, HuBolot…, tạm giữ 541 cái đồng hồ các loại và 30 sợi dây thặt lưng không hóa đơn là hàng nhập lậu.

Theo Cục QLTT thành phố, chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square là những nơi có lượng hàng hóa có dấu hiệu hàng lậu, hàng giả, hàng nhái lớn và tồn tại lâu năm. Lực lượng QLTT đã nhiều lần kiểm tra và xử lý nhưng vì lợi nhuận cao nên các tiểu thương vẫn bất chấp để kinh doanh.

 

Hà Nội: Hàng chục ngàn quần áo"hô biến" thành xuất xứ Việt Nam

Mới đây, khi kiểm tra một cơ sở sản xuất có địa chỉ tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội), Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện nhân công tại đây đang tiến hành cắt mác in chữ nước ngoài để thay thế, gắn mác có logo in chữ IFU, với xuất xứ "Made in Viet Nam".

Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở này có khoảng 10 nhân công. Toàn bộ hàng hóa trong cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

quần-áo-được-cắt-mác-cũ-để-gắn-mác-có-xuất-xứ-việt-nam.jpg
Quần áo được cắt mác cũ để gắn mác có xuất xứ Việt Nam
 

Theo lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 17, các sản phẩm quần áo với nhiều chủng loại, chất liệu khác nhau nhưng khi được cơ sở thay đổi nhãn mác thì đều có thành phần cấu tạo giống nhau trên tem nhãn thay thế với 65% cotton và 35% polyester.

Ước tính lô hàng với hàng chục ngàn sản phẩm có giá trị nhiều tỉ đồng. Hiện cơ quan này đã tạm giữ toàn bộ lô hàng để tiếp tục làm rõ vụ việc.

Cũng tại Hà Nội, mới đây, Cục QLTT TP. Hà Nội đã chỉ đạo kiểm tra đối với 4 cơ sở kinh doanh. Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở đang có hành vi kinh doanh, buôn bán 2.226 đôi giày các loại (cùng với vỏ hộp bao bì) có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu: Nike, Adidas, Converse, Van, Tomy, Zara, Fila đang được bảo hộ tại Việt Nam.

 

TP. HCM: Chặn đứng lô hàng giả xuất xứ Việt Nam

Liên quan tới nguồn gốc xuất xứ, mới đây, Cục Hải quan TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện 1 container bên trong có 2.780 sản phẩm gồm chăn, màn, gối, nệm với tổng số lượng 317 kiện carton, trọng lượng hơn 7 tấn được Công ty TNHH Cao su Talalay Viet Nam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận là xuất xứ từ Trung Quốc để hưởng thuế suất ưu đãi.

các-sản-phẩm-giả-mạo-xuất-xứ-việt-nam-bị-phát-hiện-tiên-phong.jpg
Các sản phẩm giả mạo xuất xứ Việt Nam bị phát hiện (Ảnh Tienphong.vn)
 

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, bên ngoài các kiện hàng carton đều có dán giấy “Made in China” (xuất xứ từ Trung Quốc) để qua mặt cơ quan hải quan. Tuy nhiên thực tế bên trong toàn bộ nhãn mác đi liền với sản phẩm đều ghi tên và địa chỉ đơn vị sản xuất là Việt Nam.

Qua vụ việc cho thấy, không loại trừ khả năng doanh nghiệp lợi dụng Việt Nam làm nơi chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mang nhãn Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba.

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top