Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 8 năm 2015 | 8:42

TP. Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào hạ tầng

Tại Diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015”, TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đầu tư nhiều dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực: đường sắt đô thị, xử lý nước thải và thương mại.

Cụ thể, ở lĩnh vực đường sắt đô thị, theo Quyết định số 101/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống metro được quy hoạch gồm 10 tuyến. Trong đó, tuyến monorail số 2 và tuyến monorail số 6 là hai dự án thành phố mong muốn kêu gọi sự đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tuyến monorail số 2 có hướng tuyến: Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh). Tổng chiều dài 27,2km. Hình thức kêu gọi đầu tư là PPP, BOT… Tổng mức đầu tư (ước tính) 715 triệu USD. Tuyến monorail số 6 có hướng tuyến: Bà Quẹo - Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - vòng xoay Phú Lâm. Tổng chiều dài 6,365km đi ngầm, bao gồm 7 ga ngầm. Hình thức đầu tư: ODA, BOT… Tổng mức đầu tư (ước tính) 1,33 tỷ USD.

TP. Hồ Chi Minh kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng

Ở lĩnh vực xử lý nước thải, theo Quyết định số 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, hệ thống thoát nước thải trên địa bàn thành phố được chia thành 12 vùng. Trong đó, dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn thuộc lưu vực số 2 được thành phố lựa chọn làm dự án tiên phong để triển khai thực hiện theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến là 49,54 triệu USD cho dự án nhà máy xử lý nước thải và 270,5 triệu USD cho dự án hệ thống thu gom.

Đối với lĩnh vực thương mại, dự án được kêu gọi đầu tư là khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành. Cùng với việc xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành là đầu mối giao thông ngầm tổng hợp để kết nối giao thông công cộng được thuận tiện, việc đầu tư xây dựng khu thương mại ngầm đường Lê Lợi và nhà ga trung tâm Bến Thành với hệ thống lối đi ngầm kết nối với các tầng hầm của các tòa nhà lân cận sẽ được triển khai thực hiện. Hình thức kêu gọi đầu tư là PPP. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư: đấu thầu rộng rãi. Thời gian lựa chọn nhà đầu tư: năm 2016. Tổng mức đầu tư hơn 312 triệu USD.

TP. Hồ Chí Minh được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều thế mạnh về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực và các trung tâm thương mại - dịch vụ được đánh giá là tốt nhất, có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư, nên TP. Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Các nguồn vốn này đã trở thành nguồn lực bổ sung rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là cho khu vực công nghiệp và dịch vụ của thành phố. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 30% tổng số dự án FDI vào Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2015, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,42 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhờ có những điều kiện thuận lợi và chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư linh hoạt, cho đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có rất nhiều dự án đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Loan Nguyễn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top