Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2016 | 2:47

Trái chín trên đất lửa Xuân Lộc

Đất lửa Xuân Lộc (Đồng Nai) năm xưa được cả nước và thế giới biết đến với lịch sử hào hùng 21 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân để mở tung cánh cửa phía Đông tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, người ta biết tới Xuân Lộc với những vườn trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường đón nhận.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, các sản phẩm cây trái của Xuân Lộc được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP ngày càng phát triển. Cùng với đó, huyện còn khuyến khích người dân phát triển vườn cây trái theo hướng kết hợp với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại Xuân Lộc. Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư trên địa bàn huyện Xuân Lộc là 218 tỷ đồng với hơn 12 nghìn hộ gia đình đang thụ hưởng.

Phóng sự ảnh dưới đây được thực hiện khi mùa trái cây ở Xuân Lộc vào vụ, phần nào giúp bạn đọc cảm nhận rõ hơn niềm phấn khởi của bà con khi được mùa.

Niềm vui được mùa của gia đình anh Thân Văn Quyền, ấp Bảo Thị, xã Xuân Định khi vườn chôm chôm 3ha được đầu tư từ 15 triệu đồng vốn vay ưu đãi chương trình hộ cận nghèo đã cho năng suất cao.

Hộ Nguyễn Vương Quyền, ấp Bảo Thị, xã Xuân Định vay 20 triệu đồng của chương trình hộ nghèo để trồng mới 10ha cây chôm chôm Thái Lan.

Cùng với địa chỉ anh Thân Văn Quyền, gia đình anh Nguyễn Duy Khánh được vay 30 triệu đồng hộ mới thoát nghèo để chăm sóc 4ha cây chôm chôm .

Trái cây được trồng  theo tiêu chuẩn VietGAP là mục tiêu để người nghèo ở Xuân Lộc hướng tới trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh Đồng Nai.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, Hội CCB xã Xuân Định thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay và trao đổi, tư vấn kỹ thuật trồng trọt với bà con hộ nghèo.

Hộ ông Nguyễn Thanh Hà ở ấp Hoà Hợp, xã Bảo Hòa vay 20 triệu đồng của chương trình giải quyết việc làm để chăm sóc hơn 10ha cây chôm chôm nhãn.

Hộ Lê Thị Kim Lệ, ấp Hoà Hợp, xã Bảo Hòa vay 20 triệu đồng của chương trình giải quyết việc làm để cải tạo vườn chôm chôm nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Những trái chôm chôm lựa chọn kỹ lưỡng được đóng thùng để cung ứng đến mọi miền của Tổ quốc.

Ngô Mạnh Chính

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top