Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 8 năm 2017 | 9:59

Trung - Ấn rút lực lượng khỏi cao nguyên Doklam: Ai được - ai mất?

Khi không khí oi ả của mùa hè trên dãy Himalaya lên đỉnh điểm vào giữa tháng 6 vừa qua cũng là lúc quan hệ căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ đột ngột nóng lên. Ở đó, trên một cao nguyên nhỏ có tên gọi là Doklam, nơi tiếp giáp với ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, hai quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới đã có cuộc đối đầu căng thẳng với nhau trong suốt hơn 2 tháng trời.

trung an rut luc luong khoi cao nguyen doklam ai duoc ai mat hinh 1
Va chạm lợi ích giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ còn là một câu chuyện dài. Ảnh: indiatimes.

Mọi chuyện bắt đầu khi một trung đội Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 8/6 lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan, phá bỏ những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan đã xây dựng cách đây nhiều năm để phục vụ cho các chuyến tuần tra biên giới.

Đến ngày 16/6, một đơn vị công binh Trung Quốc với xe ủi, xe lu và máy xúc tiến vào Doklam nhằm xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên, nhưng vấp phải sự phản đối của quân đội Bhutan.

Cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi nguyên trạng được hai nước ký năm 1998, lính Bhutan đã tranh cãi, thậm chí xô xát với lính Trung Quốc. Tuy nhiên, lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300-400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 tháng.

Không ai chịu ai

Căng thẳng giữa hai “gã khổng lồ” lớn đến mức tưởng như có lúc không còn đường lùi cho cả đôi bên. Nhưng rốt cuộc, nút thắt đã được tháo gỡ dù chính xác Bắc Kinh và New Delhi tháo gỡ vấn đề bằng cách nào và tại sao thì vẫn còn chưa rõ ràng.

Hôm 28/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng người Ấn đã “rút lui” và rằng Bắc Kinh sẽ “tiếp tục thực hiện chủ quyền của mình” trên cao nguyên Doklam. Trong khi đó, một số quan chức Chính phủ Ấn Độ giấu tên tuyên bố rằng Trung Quốc đã rút lui cùng toàn bộ thiết bị xây dựng.

Có lẽ cả hai bên đã thỏa hiệp với nhau. Có lẽ Ấn Độ đã rút lực lượng trước; có lẽ Trung Quốc đã cam kết tạm ngừng hoạt động xây dựng. Có lẽ hai bên đã có một số thỏa thuận đằng sau những gì mà người ta có thể tận mắt chứng kiến. Đằng sau câu chuyện này còn nhiều điều mà chúng ta không thể biết.

trung an rut luc luong khoi cao nguyen doklam ai duoc ai mat hinh 2
Binh lính Ấn Độ và Trung Quốc xuất hiện ở một khu vực tranh chấp. Ảnh: The Wire.

Quan trọng là cả hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vốn đang muốn thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực bằng cách nào đó đã tìm được “đường lùi” để thoát khỏi thế bí mà họ vướng vào.

Nói gì thì nói, Ấn Độ và Trung Quốc đã rất chịu khó xoay sở để làm dịu bớt căng thẳng chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt chân tới Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Kết quả này phản ánh hiệu quả của hoạt động ngoại giao nhằm tháo gỡ căng thẳng của cả Bắc Kinh và New Delhi.

Theo nhận định của giới phân tích, trong những thập kỷ tới đây, Ấn Độ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều va chạm. Trung Quốc dường như quá tự tin trong việc khẳng định chỗ đứng của họ trên trường quốc tế. Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, đương nhiên, không gian dành cho Ấn Độ sẽ bị thu hẹp lại.

Trong mắt các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, Ấn Độ dường như vẫn chỉ là một nhân tố không quá quan trọng với quy mô nền kinh tế chỉ bằng 1/5 so với quy mô kinh tế của Trung Quốc.

Người Ấn Độ đương nhiên không nghĩ vậy. Nếu đất nước của họ hiện không thể sánh bằng Trung Quốc thì họ sẽ làm được điều này trong một vài thập kỷ tới. Quan trọng hơn, kể cả khi chưa phải là một nền kinh tế có sức mạnh tương đương, Ấn Độ cũng không bao giờ cho phép Trung Quốc coi thường họ. Sự xung đột về quan điểm này được phản ánh rõ rệt từ chính những căng thẳng trên thực địa.

Nếu xung đột nổ ra, sẽ không có người chiến thắng

Câu hỏi thực sự đáng quan tâm là cách thức xử lý xung đột lợi ích như thế nào. Một số ý kiến cho rằng theo dõi phản ứng của công luận hai nước sẽ giúp tìm ra câu trả lời nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy.

Trước đây, các phương tiện truyền thông Ấn Độ thường có phản ứng mạnh mẽ, kích động đối với những hành động xâm lấn của Trung Quốc qua khu vực biên giới hai nước trong khi truyền thông Trung Quốc luôn lặp lại phản ứng một cách bình tĩnh theo hướng chỉ đăng tải các thông tin chính thống từ chính phủ.

Trong trường hợp này, câu chuyện lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Bất chấp những lời chỉ trích, phê phán từ trong nước, truyền thông Ấn Độ được định hướng đưa tin một cách kiềm chế. Áp lực từ phía Chính phủ Ấn Độ trong trường hợp này có thể đã mang lại kết quả có lợi.  

Ngược lại, các phương tiện truyền thông Trung Quốc lại tỏ ra hiếu chiến đến lạ lùng trong việc đưa tin về căng thẳng Doklam và tung ra hàng loạt những thông tin nhằm hạ thấp những gì mà Ấn Độ đạt được. Dù vậy, cuối cùng cả sự kiềm chế của truyền thông Ấn Độ cũng như cơn giận dữ của phía Trung Quốc đều không phù hợp với tính toán của các nhà ngoại giao hai nước.

Những gì đã xảy ra ở cao nguyên Doklam đã cho thấy, mặc dù các va chạm lợi ích là không thể tránh khỏi và có thể tần suất sẽ ngày một gia tăng nhưng người ta hoàn toàn có thể hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đánh giá đúng được mức độ nguy hiểm nếu để cho những bất đồng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Không giống như trường hợp tranh chấp biên giới với Pakistan, Ấn Độ đã không để căng thẳng với Trung Quốc leo thang đến mức phải sử dụng súng đạn để nói chuyện. Đầu tháng này, binh lính Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã có một phen phải sử dụng nắm đấm và gạch đá để giải quyết mâu thuẫn ở khu vực Ladakh gần hồ Pangong nhưng rất may, cả hai bên đều hiểu rằng, tốt hơn hết không nên dùng đến những viên đạn để giải quyết bất đồng./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top