Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ NN và Nông thôn Trung Quốc đã đăng tải danh sách 192 giống cây trồng BĐG lên website để lấy ý kiến công chúng rộng rãi trước khi cấp Giấy Chứng nhận An toàn Sinh học cho các giống cây này, mở đường thương mại hoá chính thức.
Các giống cây được tạo ra từ 1 sản phẩm đậu tương biến đổi gen (BĐG) và 2 sản phẩm ngô BĐG – cả 3 sản phẩm này đều được nghiên cứu và phát triển bởi các đơn vị trong nước. Đây là một bước tiến quan trọng cho thấy Trung Quốc đang hướng đến thương mại hoá, sản xuất rộng rãi các cây trồng BĐG tại thị trường lớn nhất thế giới này.
Sản phẩm đậu tương BĐG được chấp phép có tên SHZD32-01 của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải là sản phẩm đậu tương BĐG đầu tiên được Trung Quốc phát triển thành công. Hai sản phẩm ngô BĐG khác là Dabeinong’s DBN9936 và Double-stacked 12-5 do Công ty Công nghệ sinh học Ruifeng Hàng Châu và Đại học Chiết Giang phát triển.
Sau khi lấy ý kiến công chúng trong vòng 15 ngày, dự kiến vào ngày 20 tháng 1, 2020 các sản phẩm sẽ chính thức cấp phép chứng nhận an toàn sinh học – đây là thủ tục quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục xin cấp phép canh tác.
Trong một bài phỏng vấn với báo Tân Hoa Xã (Xinhua), ông Wu Kongming – Chủ tịch Hội đồng đánh giá An toàn Sinh học đối với cây trồng Biến đổi gen tại Trung Quốc cho biết: bất cứ thực phẩm BĐG nào được cấp phép sử dụng tại thị trường Trung Quốc đều được đánh giá an toàn; đồng thời các rủi ro có thể có đối với môi trường khi canh tác cây trồng BĐG đều được đảm bảo có thể kiểm soát được hiệu quả.
“Trong hơn 20 năm qua, hàng tỷ người tại 70 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới đã tiêu dùng các sản phẩm BĐG mà không có bất cứ vấn đề về sức khoẻ nào được xác nhận một cách khoa học”, ông Wu Kongming cho biết thêm.
Sau khi có được các chứng nhận về an toàn sinh học, các nhà nghiên cứu và phát triển toàn cầu phải tiếp tục tiến hành để có thêm một số giấy phép nữa đối với các sản phẩm này trước khi chính thức được sử dụng thương mại và đưa ra thị trường, bao gồm cả các giấy phép công nhận giống và sản xuất hạt giống. Đồng thời, các thực phẩm BĐG cũng được quy định phải dán nhãn.
Ông James Chen, Giám Đốc Tài Chính công ty TNHH Origin Agritech nhận định: “Bước tiến quan trọng này cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng thương mại hoá các giống ngô biên đổi gen”. Ông cũng cho biết thêm: “việc thương mại hoá các giống cây BĐG sẽ thực sự mang lại lợi ích cho nông dân Trung Quốc, đặc biệt nông dân ở các vùng Đông Bắc”.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và thương mại ngô và đậu tương BĐG vào năm 2020, hiện tại nước này chủ yếu đang cấp phép để nhập khẩu các sản phẩm này.
Cấp phép mới và gia hạn nhập khẩu cho 12 sản phẩm cây trồng BĐG
Cũng trong tháng 12, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu cho 2 sự kiện cây trồng BĐG mới. Trong đó, 1 sự kiện đu đủ BĐG được đồng nghiên cứu và phát triển bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Đại học Hawaii; và 1 sự kiện đậu tương thuộc bản quyền của Corteva Agriscience.
Cũng theo thông tin trên website của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, 10 sự kiện cây trồng BĐG khác cũng đã được gia hạn nhập khẩu trong tháng 12 bao gồm các sự kiện ngô, đậu tương và cải dầu BĐG của BASF, Bayer và Dupont. Tất cả các giấy phép gia hạn này đều có hiệu lực từ ngày 2 tháng 12 năm 2019 và có thời hạn 3 năm.
Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất cây trồng BĐG lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm đậu tương và cải dầu BĐG trên toàn cầu.
Đây cũng được xem là một trong các động thái của Trung Quốc ở giai đoạn 1 trong đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong đó Trung Quốc đồng ý sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ.
Canh tác và nhập khẩu cây trồng BĐG tại Trung Quốc
Trung Quốc hiện mới đang cho phép canh tác các giống bông BĐG, tổng diện tích bông BĐG tại đây là hơn 31 triệu ha. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT nước này, bông BĐG đã giúp giảm lượng sử dụng thuốc BVTV tới 70%. Công nghệ chuyển gen còn giúp tăng chất lượng của một số loại cây trồng, với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, các giống cây BĐG có năng suất cao hơn; đồng thời khiến việc canh tác thân thiện với môi trường hơn khi giúp làm giảm đáng kể lượng thuốc BVTV và phân bón cần phải sử dụng.
Chính sách của Trung Quốc trước đó khá dè dặt với việc cấp phép canh tác các giống cây BĐG, trong khi nước này vẫn duy trì là một trong các quốc gia nhập khẩu BĐG nhiều nhất thế giới. Danh sách các sản phẩm BĐG nhập khẩu vào Trung Quốc bao gồm: ngô, đậu tương, cải dầu, phục vụ cho nhu cầu cung cấp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước. Tất cả các sản phẩm BĐG có mặt trên thị trường Trung Quốc đều trải qua quy trình đánh giá an toàn nghiêm ngặt. Trung bình mỗi năm, Trung Quốc nhập khoảng 88 triệu tấn đậu tương BĐG từ các nước sản xuất như Brazil và Hoa kỳ và khoảng 4 triệu tấn cải dầu BĐG, chủ yếu từ Canada./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.