Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 9 năm 2018 | 9:36

Từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến chiến tranh lạnh kiểu mới?

Không thể ăn miếng trả miếng từng xu trong ván cờ thuế quan, cách đáp trả “định tính” mà Trung Quốc tuyên bố có thể khiến Mỹ-Trung rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Ngày 24/9, các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Chính quyền Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và mức thuế có thể lên tới 25% vào cuối năm 2018. Mức thuế của Trung Quốc đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ là 5-10%. Trước đó, hai bên đã đánh thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

 

tu cuoc chien thuong mai my trung den chien tranh lanh kieu moi hinh 1
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới. Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald TRump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. nguồn CNN

 

Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ ít hơn nhiều so với việc Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, và việc ăn miếng trả miếng “từng USD”  đối với Mỹ là bất khả thi đối với Trung Quốc.

Nhìn vào kim ngạch xuất nhập khẩu, có vẻ như tiềm lực đáp trả Mỹ trong lĩnh vực thương mại của Trung Quốc là hạn chế, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ có thể dễ dàng chiến thắng trong cuộc đối đầu này.

Bắc Kinh tuyên bố đáp trả kiểu “định tính”

Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả Mỹ bằng các biện pháp “định tính”. Dù Bắc Kinh không tiết lộ các biện pháp này sẽ như thế nào, nhưng giới doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể dừng xuất khẩu một số hàng hóa nhất định tới Mỹ hoặc tạo thêm nhiều rào cản về thủ tục hành chính đối với các công ty Mỹ.

Quan hệ Mỹ và Trung Quốc khá nhiều mặt, một thực tế có thể cho phép Trung Quốc đáp trả Mỹ ở nhiều khía cạnh khác bên ngoài lĩnh vực kinh tế.  

Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ và sở hữu trái phiếu chính phủ (Mỹ) lớn thứ 2 sau Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nếu Trung Quốc bán tháo các khoản nợ này, hệ thống tài chính Mỹ sẽ thiệt hại đáng kể.

Một trong những cách thức đáp trả khác có thể là Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để cản trở những nỗ lực của Mỹ về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, hay cố ý “phớt lờ” các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên.

Trung Quốc có thể sẽ gia tăng đối đầu với Mỹ trên Biển Đông - điểm nóng chiến lược nguy hiểm nhất ở Đông Á. Các lựa chọn khác có thể sẽ tăng cường nỗ lực cô lập Đài Loan, thắt chặt quan hệ với Nga như một cách đối trọng với Mỹ hoặc tăng cường sức mạnh quân sự.

Căng thẳng lan sang lĩnh vực quân sự

Vài ngày sau khi tuyên bố hủy kế hoạch cử phái đoàn sang Mỹ đàm phán thương mại vào 2 ngày 24-25/9, Trung Quốc tuyên bố tạm ngừng tất cả các cuộc đối thoại quân sự lớn với Mỹ trong tương lai gần để phản đối việc Mỹ trừng phạt cơ quan quân sự nước này vì mua máy bay và hệ thống phòng không của Nga.

Trung Quốc cũng lập tức triệu hồi Tư lệnh Hải quân Thẩm Kim Long, người đang tham gia Hội thảo hải quân quốc tế lần thứ 23 ở Mỹ và hoãn một cuộc họp về cơ chế liên lạc giữa 2 bên dự kiến diễn ra từ ngày 25-27/9 tại Bắc Kinh.

CNN dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn xác nhận  “Chúng tôi được thông báo ông Thẩm Kim Long đã được triệu hồi về Trung Quốc và sẽ không có cuộc gặp với Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson. Chúng tôi chưa có thêm thông tin gì ở thời điểm này”.

Một quan chức quốc phòng khác của Mỹ cho biết, chuyến thăm của ông Thẩm Kim Long tới Mỹ và gặp người đồng cấp Mỹ bị hủy trong vòng chưa đầy 48 giờ trước khi cuộc gặp dự kiến diễn ra. Quan chức này nói rằng, quyết định hủy sự kiện vào phút chót là do căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington trong cuộc chiến thương mại và các vấn đề khác.

Tuần trước Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với một cơ quan quân sự của Trung Quốc về việc cơ quan này mua máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Nga. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Brandstad để trao công hàm phản đối các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với cơ quan quân sự của nước này.

Có thể không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đưa ra quyết định hủy đối thoại quân sự với Mỹ vào thời điểm các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. Dù Bắc Kinh chưa và có thể sẽ không xác nhận việc hủy đối thoại quân sự có liên quan tới căng thăng thương mại Mỹ-Trung, song các nhà quan sát đều cho rằng, đây cũng là một cách phản ứng của Trung Quốc. Và việc Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng các lĩnh vực khác có thể khiến cuộc chiến thương mại hiện nay sớm chuyển thành một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.

Chiến tranh lạnh kiểu mới

Có thể nói Tổng thống Donald Trump đang chơi một trò chơi mạo hiểm khi cố đối phó với thâm hụt thương mại Mỹ-Trung bằng các biện pháp thuế quan “như búa tạ”. Những gì ông Trump làm đang tạo ra một loạt những thách thức nghiêm trọng khác đối với lợi ích của Mỹ và nó có thể sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc cần một giải pháp, nhưng thuế quan không phải là giải pháp đó. Mỹ cần một cách tiếp cận khôn ngoan hơn trong khuôn khổ trật tự quốc tế để giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Trở lại câu hỏi ban đầu, liệu Mỹ-Trung có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh? Charles Hankla, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học George của Mỹ cho rằng, nếu có, đó sẽ không phải là kiểu chiến tranh lạnh như giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến 2. Cuộc Chiến tranh Lạnh khi đó đã chia thế giới thành 2 khối đối kháng nhau không ngừng giành thế trên cơ.

Chắc chắn, cuộc xung đột đang ngày càng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ-Trung) có thể một lần nữa làm hình thành các không gian ảnh hưởng đối lập nhau. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc – cũng như sự tồn tại của các cường quốc khác – có thể khiến cho một cuộc “chiến tranh lạnh” [giữa Mỹ và Trung Quốc] trở nên khác biệt, và có thể nó sẽ “dịu” hơn cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Mỹ và Liên Xô.

Sẽ tốt hơn cho Mỹ nếu có thể tránh được mối quan hệ đối đầu với Trung Quốc. Bảo vệ lợi ích của mình là điều tất nhiên, nhưng một cuộc chiến leo thang mà chẳng ai biết nó sẽ dẫn tới đâu, sẽ không có lợi cho bất cứ ai./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top