Với doanh thu 4 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm thường xuyên cho 110 công nhân; sản phẩm có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và đang chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc... ít ai biết rằng, thành quả mà ông chủ trẻ của Công ty Cổ phần bánh sữa Ba Vì, Đào Công Trường ở Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) có được lại đến từ “tình yêu bò sữa” và những đồng vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm của NHCSXH.
Anh Đào Công Trường (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu với Đoàn công tác của Trung tâm Đào tạo và Truyền thông của Tổ chức DISA về dây chuyền sản xuất bánh sữa của Công ty Cổ phần Bánh sữa Ba Vì.
Từ chiếc bánh sữa của ngoại
Năm 1993, trượt đại học, Đào Công Trường quyết định học nghề lái xe tải với mục đích vừa có tiền phụ giúp gia đình, vừa chuẩn bị kiến thức để “phục thù đại học”.
Khi có bằng lái xe, Trường xin vào làm tài xế kiêm nhân viên giao hàng cho Công ty sữa Hà Lan. Hơn 4 năm làm thuê, mỗi ngày anh phải đi hàng chục, hàng trăm cây số để quảng bá và bán hàng. Sau những buổi đi, về mệt nhọc, Trường thường được bà ngoại bồi dưỡng bằng những chiếc bánh sữa do chính tay ngoại nấu từ sữa bò tươi Ba Vì. Vị tinh khiết, thơm ngon của những chiếc bánh sữa không thua kém chút nào so với những sản phẩm của hãng sữa mà Trường đang làm việc. Bỗng chốc Trường nghĩ, tại sao Ba Vì lại không có sản phẩm cho riêng mình khi nơi đây cũng hội đủ các yếu tố về nguyên liệu, khí hậu… để phát triển. Điều này đã trở thành động lực giúp Trường đi đến quyết định “Tự đứng trên đôi chân của mình” với những sản phẩm sữa sản xuất từ quê hương Ba Vì.
Nghĩ là làm, ngoài công việc ở công ty, Trường tranh thủ giới thiệu về đặc sản bánh sữa do chính bà ngoại và một số hộ dân ở Ba Vì sản xuất. Anh nhận thấy sản phẩm sữa và bánh sữa Ba Vì được người tiêu dùng yêu chuộng nhưng việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, sản phẩm bánh sữa chỉ mới được bán ở một số khu du lịch nên thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Điều đó khiến Trường càng quyết tâm mở rộng thị trường. Kết quả, lượng tiêu thụ sản phẩm bánh sữa Ba Vì do ngoại làm tăng dần, khiến bà và những hộ xung quanh làm không xuể… Vậy là ý tưởng thành lập xưởng sản xuất tại Tản Lĩnh bắt đầu nảy sinh!
Ngặt nỗi, ngoài bí quyết làm bánh sữa của bà ngoại cùng kinh nghiệm bán hàng và một tấm bằng kế toán mà Trường có được, những điều khác đều là con số 0 tròn trĩnh. Ước mơ đành găm lại chờ thời!
Đến tỷ phú bánh sữa
Tính cách không đầu hàng bất cứ khó khăn nào, cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tình yêu đối với sản phẩm quê nhà của chàng thanh niên 25 tuổi đã được bù đắp. Cuối năm 2006, từ số tiền tích lũy trong thời gian làm thuê, Trường quyết định mở lò sản xuất bánh sữa Ba Vì với số vốn đầu tư 50 triệu đồng. Nhớ lại thời gian đầu mở lò, Trường vẫn không khỏi rùng mình vì quá đỗi vất vả. Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Ba Vì, Trường đi khắp các quán trà đá vỉa hè, quán cà phê ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình,... và nội thành Hà Nội mời khách ăn thử bánh sữa để tìm thị trường tiêu thụ. “Có ngày, bán được vài gói thì khách ăn thử cũng hết cả chục gói, lỗ hết vốn; có ngày đi cả trăm cây số nhưng chẳng bán được gói nào, nản vô cùng…”, Trường kể lại.
Hơn nửa năm lăn lộn khắp “hang cùng ngõ hẻm”, cuối cùng Trường cũng bán được đơn hàng đầu tay trị giá 15 triệu đồng. Sản phẩm bánh sữa của anh dần được người tiêu dùng biết đến.
“Tuy nhiên, “điểm rơi” quan trọng làm nên thành công của tôi hôm nay chính là quyết định cho vay 300 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Ba Vì”, Đào Công Trường nhớ lại. Thời điểm đó là năm 2014, sau khi có vốn, Trường đã mở rộng sản xuất, từ chỗ chỉ có 1 lò, đến nay, Trường đã có trong tay 12 lò. Từ một cơ sở nhỏ bé nay đã trở thành Công ty Cổ phần bánh sữa Ba Vì với 2 cơ sở sản xuất đóng ở hai đầu đất nước, thu hút hơn 100 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương từ 5 - 12 triệu đồng/người/tháng. Và từ một sản phẩm không có thị trường tiêu thụ, Đào Công Trường đã mang bánh sữa Ba Vì “phủ sóng” khắp cả nước. Ngoài bánh sữa, công ty còn sản xuất sữa tươi, sữa chua, caramen.
Luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, các sản phẩm của công ty không dùng chất bảo quản, nên Trường thường khuyến khích khách hàng nhập vừa đủ bán, không nên dự trữ lâu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng.
Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Đào Công Trường vẫn dành thời gian tham gia tích cực vào các tổ chức, hoạt động xã hội tình nguyện. Hàng năm, vào dịp tổng kết năm học, Trường thường tổ chức các buổi gặp mặt, tặng quà, học bổng cho những học sinh có kết quả học tập tốt.
Từ năm 2007 đến nay, Đào Công Trường đã dành 5 tỷ đồng cho người dân trong xã vay không lãi để nuôi bò sữa. Theo đó, mỗi người dân được vay 20 triệu đồng, tương đương một con bò sữa và sau một năm sẽ quay lại thu mua sữa của các hộ để trừ nợ. Việc làm thiện nguyện này là một trong những yếu tố đưa Trường trở thành 1 trong 10 gương mặt thanh niên Thủ đô tiêu biểu và là chủ sở hữu Giải thưởng Lương Đình Của năm 2014.
“Thành công của Trường cũng như của Công ty Cổ phần bánh sữa Ba Vì không chỉ là tấm gương cho thanh niên Việt Nam học tập mà nó còn là hình mẫu lý tưởng trong việc sử dụng các khoản vay vi mô thoát nghèo cho Bangladesh - nơi khởi nguồn của mô hình tín dụng vi mô giảm nghèo”, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông của Tổ chức DISA Md.Abul Khaer nói.
Vũ Thái