Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 12 năm 2017 | 2:23

Ứng phó với bão số 16 Tembin: Kinh nghiệm và phương châm

Hiện bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và công việc đối phó với hoàn lưu bão vẫn phải làm, không được chủ quan.

Có thể nói bão số 16 được coi là siêu bão trên biển Đông, tin vui nhất đến với tất cả mọi người là bão đã không đổ bộ vào đất liền các tỉnh, thành Nam bộ, nhất là vùng ĐBSCL.

Hiện bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và công việc đối phó với hoàn lưu bão vẫn phải làm, không được chủ quan. Kể cả việc đưa dân về nhà, ổn định cuộc sống sau khi tránh bão. 

dbscl ung pho voi bao so 16 tembin kinh nghiem va phuong cham hinh 1
Chợ đồ sắt Cà Mau đông đúc người đến mua để chằng néo nhà cửa

Tuy vậy từ việc ứng phó với cơn bão vừa qua cũng để lại nhiều bài học đáng quý cho vùng; cần được các các cấp, các ngành tổng hợp, phân tích, đánh giá để rồi quán triệt thành “phương châm” hàng động ứng phó mỗi khi có thiên tai, thảm họa.

Chủ động quyết liệt và những kinh nghiệm

Bão Tembin đã khiến hơn 250 người dân Philippines thiệt mạng cho thấy sự nguy hiểm của cơn bão này nếu đổ bộ vào các tỉnh, thành ĐBSCL. Đây là vùng người dân ít kinh nghiệm phòng chống bão; địa hình bằng phẳng, thấp, trũng; nhiều nhà cửa tạm bợ, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Do vậy bão số 16 nếu đổ bộ vào vùng nhiều khả năng sẽ gây ra những hậu quả mang tính thảm họa cho vùng. Đây là những điều đã được cảnh báo.

dbscl ung pho voi bao so 16 tembin kinh nghiem va phuong cham hinh 2
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Chúng ta phải khẳng định rằng, việc ứng phó với bão 16 đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự hợp tác của hầu hết người dân trong vùng. Các công điện, các cuộc họp khẩn do Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai chủ trì; hoạt động của Phó Thủ tướng và thành viên Ban chỉ đạo TƯ ở vùng tâm bão như đã “tiếp lửa” cho lãnh đạo các cấp, các ngành trong vùng vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ, khẩn trương, nghiêm túc nhất.

Các địa phương trước đó cũng đã xây dựng kịch bản khá chi tiết đối phó với thiên tai nên vận hành nhuần nhuyễn các giải pháp như là sơ tán dân, bảo vệ dân; kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn; kiểm tra, giám sát việc người dân chằng néo nhà cửa, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản, sản xuất vv…Có thể nói tuy bão không vào đất liền nhưng đây cũng là đợt tập dượt lớn, tập trung; cho những kinh nghiệm vô cùng quý báu để về lâu dài trong vùng  sẽ còn phải đối phó với những đợt thiên tai nguy hiểm hơn, khắc nghiệt hơn.

dbscl ung pho voi bao so 16 tembin kinh nghiem va phuong cham hinh 3
Người dân đã có mặt tại nơi trú bão.

Việc Chính phủ, chính quyền, lực lượng vũ trang các cấp kiên trì, kiên quyết thực hiện các giải pháp mạnh mẽ giúp dân ứng phó; trong đó có việc sơ tán dân cho thấy sự chăm lo toàn diện của hệ thống quản lý các cấp cho dân, vì dân; nhất là trong thiên tai bão lũ đã được  người dân trong vùng ghi nhận và chủ động hợp tác.

Điểm nhấn nữa là công tác thông tin truyền thông về bão đến với người dân khá tốt. Việc hầu hết cả hệ thống truyền thông đại chúng, báo chí, phát thanh truyền hình, truyền thông nội bộ, truyền thông miệng vào cuộc đã làm thay đổi được nhận thức của người dân miền Tây bấy lâu nay vẫn còn thờ ơ với việc chống bão do hiếm khi có bão.

dbscl ung pho voi bao so 16 tembin kinh nghiem va phuong cham hinh 4
Lực lượng dân quân tự vệ giúp dân chống néo nhà cửa.

Theo đó, đường đi của cơn bão và công tác ứng phó đã được thông tin khá đầy đủ, tần suất cao làm cho mọi người, mọi nhà ý thức đầy đủ hơn sự nguy hại của bão để phòng tránh và tuân thủ theo hướng dẫn của nhà chức trách.

Mặt khác, có thể nỗi đau, sự ám ảnh kinh hoàng của cơn bão Linda cách đây 20 năm cướp đi sinh mạng của 3.000 người như một lời cảnh báo với bất cứ người dân nào còn thờ ơ, chủ quan trước bão. Trình độ nhận thức về khoa học, thời tiết của mọi người cũng được nâng cao nên đa số bà con đều có tâm thế chủ động trong phòng chống thiên tai. Nhiều bà con đã thực hiện các phương án sản xuất, xây dựng nhà cửa; sinh sống  phù hợp hơn, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, trong đó có cả bão lũ.

Sự chung sức, chung lòng của quân dân cả nước cùng hướng về đồng bào miền Tây là niềm động viên to lớn để người dân nơi đây nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách khi đối phó với bão. Tuy nhiên cũng qua cơn bão cho thấy, ngay các cấp quản lý có đôi khi cũng biểu hiện “trên nóng dưới lạnh”, chần chừ, do dự; có thời điểm Thủ tướng Chính phủ phải nhắc nhở.

Một số hộ dân mặc dù đã được tuyên truyền vận động nhưng vẫn chủ quan, thờ ơ, ít quan tâm, không chịu di dời; buộc chính quyền phải cưỡng chế. Bên cạnh đó, kỹ năng phòng chống thiên tai, bão lũ của một số bà con còn rất yếu như chưa biết làm gì để tránh được thương tích khi bão đổ bộ…

 Xây dựng các khung kịch bản cho mọi tình huống

Thực tế thiên nhiên ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt, biến động khôn lường. Gần như năm 2016, cả vùng gồng mình chống chọi với hạn, mặn khốc liệt; thì năm nay mùa mưa lại đến sớm, kéo theo sạt lở liên miên, cuối năm lại ‘đột ngột” xuất hiện bão 16.

Do vậy, ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong vùng, nhất là chính quyền cơ sở cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung kịch bản cho mọi tình huống để chủ động ứng  phó. Tập trung hơn nữa cho công tác truyền thông để làm thay đổi tư duy và hành động của nhiều bà con. Để mọi người, mọi nhà hiểu rằng, miền Tây bây giờ và mai sau không thể  mãi“ bình yên sông nước” mà thiên tai luôn rình rập, biến đổi khí hậu tác động thường xuyên; đời sống luôn tiềm ẩn các rủi ro, thách thức.

Qua đó cũng giúp bà con vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội; thay đổi từ cách nghĩ, cách sống đến cách làm ăn, vươn lên ổn định, làm giàu. Bà con chọn nơi cao ráo, vùng vững chắc để ở; tiết kiệm trong tiêu dùng để xây dựng nhà kiên cố; sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính quyền các cấp cần hỗ trợ tối đa cho bà con. Đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng theo hướng đa mục tiêu. Làm giao thông gắn với công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai …

Chính phủ mới đây đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn mang tính thế kỷ đến năm 2.100. Đây được xem là “kim chỉ nam” để vùng phát triển trong hàng chục năm tiếp theo.

Vấn đề lúc này là sự đầu tư của nhà nước; sự vào cuộc của các bộ, ngành; các địa phương trong vùng và sự nỗ lực của người dân đồng bằng để nghị quyết thể hiện hiệu quả trong thực tiễn.

Đây là Nghị quyết tương đối toàn diện, rõ nét về ĐBSCL trong giai đoạn mới, nếu được làm tốt, ĐBSCL sẽ chủ động thích ứng hơn với biến đổi khí hậu trong cả đời sống và sản xuất; chủ động hơn nữa trong đối phó với thiên tai, trong đó có các cơn bão mạnh. Từ đó góp phần xây dựng một châu thổ Cửu Long thực sự bền vững, thịnh vượng. Xứng tầm là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước./.

Bùi Trọng Điển/VOV

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top