Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2017 | 3:42

Về nơi khát vốn

Thượng Trạch là một trong những xã nằm ở khu vực nghèo nhất của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) với trên 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã liên tục triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao đời sống của bà con, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong công cuộc giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội.

NHCSXH Bố Trạch giải ngân cho đồng bào tại UBND xã Thượng Trạch.

NHCSXH là ngân hàng duy nhất trên địa bàn đến với bà con xã Thượng Trạch, giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp đồng bào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Tính đến 31/5/2017, dư nợ đạt trên 2,4 tỷ đồng với 352 hộ được vay vốn, trong đó có 306 hộ vay vốn dân tộc thiểu số có lãi suất 0%; có 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân và Hội Phụ nữ quản lý. Thời gian gần đây, với những nỗ lực không mệt mỏi của NHCSXH huyện, chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao, từ chỗ không có giao dịch đến nay hàng tháng đã có người dân tham gia gửi tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, ý thức có vay có trả của đồng bào DTTS còn hạn chế, hầu như chỉ trông chờ vào sự cho không của Nhà nước. Bên cạnh những khó khăn là xã miền núi với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh thường xảy ra thì trình độ dân trí thấp đã ảnh hưởng đến nhận thức của bà con. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc truyền tải tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Bà con chủ yếu chưa biết chữ nên công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến thông tin, chính sách của Nhà nước cũng rất khó khăn. 

Thời gian tới, để đồng bào DTTS được tiếp cận, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn tín dụng chính sách, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn dạy nghề, định hướng sản xuất, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật; lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi. NHCSXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.

Thực hiện tốt những vấn đề này chính là giải pháp căn bản để tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả trong đời sống xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sốngcho người dân.

Phan Minh Thảo

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top