Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 5 năm 2018 | 10:32

Vì sao trái cây Nhật có giá đắt không tưởng?

Quy trình trồng công phu và văn hóa mua sắm, biếu tặng đã đẩy giá trái cây Nhật ngang tầm với rượu vang lâu đời hay một chiếc ôtô.

Cách đây ít hôm, một cặp dưa lưới trồng ở Hokkaido (Nhật Bản) vừa lập kỷ lục với giá bán ra đến 3,2 triệu yên (hơn 665 triệu đồng). Trước đó, cặp dưa từng được bán ra giá cao nhất vào năm 2016, với 3 triệu yên (hơn 620 triệu đồng), đủ để sắm một chiếc ôtô ở Nhật.

Hay như chùm nho đắt nhất trong lịch sử nước này chính là chùm Ruby Roman được bán ra vào tháng 7/2017 với giá hơn 9.700 USD (khoảng 221 triệu đồng). Không chỉ có những sản phẩm cá biệt đắt không tưởng, trái cây cao cấp của Nhật Bản vốn cũng nổi tiếng đắt đỏ.

Một cửa hàng trái cây thượng hạng ở Tokyo. Ảnh: AFP

Một cửa hàng trái cây thượng hạng ở Tokyo. Ảnh: AFP

 

Tại hệ thống cửa hàng trái cây thượng hạng lớn nhất nước này là Sembikiya, bình quân bạn phải tốn 5 USD để mua một quả dâu, 19 USD cho một quả lê, 24 USD một quả táo và 125 USD một quả dưa vàng. Vậy, tại sao trái cây ở Nhật lại có giá cao và chạm được những đỉnh mà nhiều người nước ngoài thấy vô lý? 

"Thế giới có cần mua một cặp dưa lưới với giá bằng một chiếc ôtô hay không?", cây bút Bianca Bosker của tạp chí điện tử Slate (Mỹ) mang thắc mắc đi hỏi một số người Nhật Bản. "Chúng tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi tại sao trái cây lại đắt đến thế!", một người Nhật trả lời. 

Trái cây Nhật Bản có giá cao và đạt được những mức không tưởng nhờ hội tụ các lý do hữu hình như giống, công trồng trọt và chăm sóc tỉ mỉ, đến các lý do vô hình, ảnh hưởng bởi văn hóa đấu giá, biếu tặng.

Ở góc độ trồng trọt, sản xuất trái cây thượng hạng là một quá trình hết sức cầu kỳ. Có thể lấy dưa lưới làm ví dụ. Trước khi trồng một dây dưa, nông dân lựa chọn những hạt giống tốt nhất để trồng trong nhà kính. Sau khi cây nở hoa, nông dân sẽ cắt bỏ hết các chồi phụ, hoa không cần thiết và chỉ thụ phấn cho những bông hoa đẹp nhất bằng tay thông qua một cây cọ. Khi cây kết quả, chỉ một quả duy nhất được chọn giữ lại để nó không phải cạnh tranh dinh dưỡng với quả khác trên cùng dây.

Dây dưa sẽ được treo bằng dây trên giàn để không rơi xuống và có cùng độ cao bằng nhau. Các quả dưa sẽ được đội một chiếc nón (tương tự như nón lá) giúp không bị cháy nắng. Đặc biệt, các quả dưa còn phải được mát xa. Nông dân sẽ đeo găng tay trắng để mát xa nhẹ thường xuyên cho chúng, giúp quả đạt được hình cầu hoàn hảo và màu da đẹp hơn.

"Tôi tin rằng đây là phương pháp chuyên sâu nhất trong tất cả các trang trại dưa trên khắp Nhật Bản. Chúng tôi gọi nó là phương pháp Shizuoka", nông dân Masaomi Suzuki nói với BBC

Cảnh trao bán cặp dưa lưới giá 29.300 USD hôm 26/5 tại Sapporo. Ảnh: Kyodo News

Cảnh trao bán cặp dưa lưới giá 29.300 USD hôm 26/5 tại Sapporo. Ảnh: Kyodo News

 

Đến khi thu hoạch, lứa trái cây đầu mùa lúc nào cũng được giá nhất. Các trang trại sẽ chọn những quả tuyệt hảo nhất để mang đi đấu giá ở chợ đầu mối. Việc tranh nhau mua thực phẩm đầu mùa là văn hóa lâu đời của Nhật.

Giáo sư lịch sử Nhật Bản - Eric Rath và là tác giả quyển sách "Japan’s Cuisines" cho biết thông lệ này có từ thời Tokugawa. Khi ấy, các thương gia giàu có tranh nhau để mua những sản phẩm đầu tiên. Đó có thể là con cá ngừ đầu tiên của mùa săn bắt, là chùm nho đầu tiên của vụ thu hoạch. Người mua không chỉ nhằm khẳng định thanh thế của mình mà còn vì lý do sức khỏe. Người ta từng tin rằng, ăn sản phẩm đầu vụ không chỉ ngon hơn mà còn giúp kéo dài tuổi thọ thêm 75 ngày.

Truyền thống được tiếp nối đến ngày nay, với các phiên đấu giá nông sản ở chợ đầu mối và hàng loạt khách hàng là những vị khách giàu có, những người có địa vị và uy tín trong xã hội; các chủ doanh nghiệp muốn mua trái cây về để quảng bá tên tuổi cũng như lôi cuốn khách hàng.

Năm ngoái, chủ nhân của chùm nho đắt nhất là chủ một suối khoáng nóng du lịch. Năm nay, chủ nhân cặp dưa lưới đắt nhất là chủ công ty đóng gói trái cây. Dù không nói ra nhưng nhiều người ngầm hiểu, việc họ sẵn sàng chi tiền "khủng" nhằm quảng bá cho doanh nghiệp và khẳng định đẳng cấp xa hoa của dịch vụ, sản phẩm mà đơn vị đó cung cấp.

Những con cá, quả dưa, chùm nho siêu đắt thường được trưng bày một thời gian để thu hút người đến tham quan và vô tình biết thêm về thương hiệu. Sau đó, chúng được chế biến và phục vụ trong các buổi tiệc chiêu đãi dành cho khách hàng cao cấp và giới thượng lưu, những người đến không chỉ vì ăn ngon mà vì đẳng cấp và mở rộng quan hệ.

"Tôi muốn lập kỷ lục bằng cách mua nó với mọi giá", Shinya Noda nói mục đích mua cặp dưa là kỷ niệm sinh nhật 30 năm thành lập công ty Hokuyu Pack của ông.

Thậm chí, dù không phải trái cây đầu mùa thì giá bình quân của chúng vẫn đắt. Yếu tố văn hóa lần nữa chi phối mạnh mẽ. Theo CNN, người Nhật từ xưa đã dùng trái cây để cúng thần linh và xem đó là nhóm thực phẩm thể hiện sự kính trọng. Thêm vào đó, tặng quà là văn hóa rất quan trọng tại đây. Cho dù người ta tặng cấp trên, bạn bè hay tặng người cần tạ ơn thì trái cây luôn là lựa chọn hàng đầu. Nó mang giá trị về tinh thần lẫn vật chất không nhỏ.

"Trái cây ngon là một phần của quá trình đầy tỉ mỉ trong phát triển mối quan hệ ở Nhật Bản", giáo sư về tiếp thị Ken Gehrt của Đại học San Jose State (Mỹ) bình luận.

Tại cửa hàng Sembikiya, 80% khách hàng mua trái cây là để tặng. Cửa hàng bận rộn nhất vào tháng 7, với truyền thống tặng quà Ochugen, tức tặng quà cho những người mà bạn cảm thấy mắc nợ. Tiếp sau đó là tháng 12, với phong tục tặng quà Oseibo, cũng lý do tương tự.

"Mọi người mua những loại trái cây đắt tiền này để chứng minh quà tặng đặc biệt của họ với người nhận, vào những dịp quan trọng hay những người quan trọng", Shim - một chuyên gia nghiên cứu về thị trường trái cây cao cấp nói.

Và sau hết, trái cây đắt bởi yêu cầu về chất lượng trái cây của người Nhật ngày một cao. Thay vì mua một quả táo chất lượng bình thường, nhiều người Nhật sẵn sàng chi tiền mua táo ngon. Họ sẽ bổ quả báo để mọi người trong gia đình cùng ăn thay vì ăn trọn quả táo rẻ một mình.

"Trước đây, trong một thời gian dài, chúng tôi cũng giống như Mỹ hay Đông Nam Á. Mọi người vừa đi vừa ăn táo trên đường hay táo được bán đổ đầy ở góc phố. Nhưng giờ mọi người yêu cầu chất lượng hơn, ngon hơn... và đó là lý do Sembikiya bán trái cây thượng hạng để đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của họ", Tsuyoshi Monozumi - một cựu đầu bếp trái cây, người giám sát 16 chi nhánh của Sembikiya nói.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top