Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2022 | 10:52

Vốn chính sách giúp các hộ dân và cơ sở sản xuất “hồi sinh” mạnh mẽ

Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11) đi vào cuộc sống, trở thành “chiếc phao” cho nhiều hộ gia đình tại Hưng Yên sau đại dịch Covid-19.

Nguồn vốn chính sách đã kịp thời đến với những hộ dân, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề của dịch. Đó cũng chính là tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” mà cả hệ thống NHCSXH đang hướng tới.

“Hồi sinh” mạnh mẽ nhờ nguồn vốn ưu đãi

Những ngày này, xưởng mộc của ông Vũ Văn Đức (xã Hoà Phong, thị xã Mỹ Hào) đã hoạt động nhộn nhịp trở lại nhờ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 11. Ông Đức chia sẻ, trong thời gian đại dịch hoành hành, xưởng gỗ của ông chỉ hoạt động cầm chừng, hầu như chỉ có một mình ông làm việc. Hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm làm ra ít lại không tiêu thụ được nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình. Với 80 triệu đồng vừa được giải ngân từ NHCSXH TX. Mỹ Hào theo Nghị quyết số 11, ông Đức thuê được thợ, xưởng gỗ như được “hồi sinh”. Ông hy vọng sẽ sớm trả được nợ ngân hàng và tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác.

 

chị-nguyễn-thị-tuyển-chăm-sóc-vườn-ổi-của-gia-đình-ảnh-đức-sơn.jpg
Chị Nguyễn Thị Tuyển kiểm tra những cây ổi trong vườn của gia đình. Ảnh: Đức Sơn

 

Với 49 triệu đồng vay theo Chương trình tín dụng giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khoái Châu, chị Nguyễn Thị Tuyển, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn tổ 2 của Hội Phụ nữ thôn Đức Nhuận (xã Dạ Trạch) đã thực hiện chuyển đổi 8 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2) hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, bưởi, ổi.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi, chị Tuyển cho hay, chị chủ yếu trồng bưởi Diễn và bưởi Tân Lạc xen canh với ổi và nhãn. Loại cây này dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch, mỗi cây trưởng thành cho thu  80-100 quả. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật  cùng nguồn giống bưởi chuẩn nên quả thu hoạch không chỉ đảm bảo sản lượng mà chất lượng cũng không hề thua kém bưởi Diễn gốc.

Thực tế chứng minh, vốn chính sách đã tác động mạnh mẽ, tạo sức sống mới khi hầu hết hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Chia sẻ những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại tỉnh Hưng Yên phải ngừng hoạt động và chịu nhiều hậu quả nặng nề. Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, các cơ sở đã khôi phục hoạt động, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non.

Cô giáo Đỗ Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Yến (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm), chia sẻ: Đại dịch khiến cơ sở phải đóng cửa trong thời gian khá dài, do đó, các trang thiết bị của lớp học bị xuống cấp, đồ dùng, đồ chơi bị hư hỏng. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian dài nghỉ dịch, nhà trường vẫn phải duy trì nguồn kinh phí thuê địa điểm, hỗ trợ thêm cho giáo viên.  Nguồn vốn chính sách theo Nghị quyết số 11 đã đến rất kịp thời. Đây là chính sách hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Cùng với ông Vũ Văn Đức, cô giáo Đỗ Thị Hương, nhiều hộ dân tại tỉnh Hưng Yên cũng đang được khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội từ nguồn vốn chính sách này. Hưng Yên đang thực hiện 4/5 chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Triển khai nhanh, kịp thời

Hưng Yên được đánh giá là một trong những tỉnh triển khai nhanh, kịp thời nhất Nghị quyết 11. Đó là kết quả của sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.

 Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh,  khẳng định: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với cả nước, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được kiểm soát, bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Tỉnh đã sớm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 11 như: mở cửa hoạt động kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng…

 

khách-hàng-đến-nhận-vốn-vay-ưu-đãi-tại-điểm-giao-dịch-xã.jpg
Khách hàng đến nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng khẳng định: Đối với các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan phối hợp với Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên trong việc rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vay vốn nhằm kịp thời tổ chức triển khai theo quy định.

Ngay sau khi được NHCSXH Trung ương giao chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn, Ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo chi nhánh phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ và thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Theo Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên Vũ Hải Chiều, ngay sau Nghị quyết số 11 có hiệu lực, Chi nhánh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các Phòng giao dịch cấp huyện báo cáo, tham mưu UBND, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện chỉ đạo rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11.

Đồng thời, báo cáo, tham mưu phân giao chỉ tiêu theo Quyết định của Trưởng ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH tỉnh kịp thời để triển khai. Chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ và thực hiện giải ngân ngay sau khi có chỉ đạo.

Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã giải ngân được trên 167 tỷ đồng, thực hiện được hơn 80% kế hoạch được giao. Trong số đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân 110/120 tỷ đồng,  hoàn thành 91,7% kế hoạch; cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân 35/54 tỷ đồng (64,8% kế hoạch); cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến đã giải ngân 18/23 tỷ đồng (78,3% kế hoạch); cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã giải ngân được 4,5/8 tỷ đồng (55 cơ sở), đạt 56,3% kế hoạch.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top