Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 3 năm 2021 | 14:12

Vốn chính sách giúp kinh tế ven đô sống khỏe

Sự cạnh tranh ngày càng tăng trong nền kinh tế thị trường thời gian qua, cộng với tác động bởi đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân vùng ven TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH TP Hà Nội đã giúp người dân vùng ven đô vượt qua khó khăn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.

 

t10.jpg
Thợ mộc tại cơ sở sản xuất gỗ xã Liên Hà tất bật hoàn thiện các đơn hàng.

 

Làm giàu trên đất nghề

TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, chiếm 59% tổng số làng nghề toàn quốc. Trong đó, có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND TP. Hà Nội công nhận. Ước tính, khu vực làng nghề của Hà Nội đang tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động; giá trị sản xuất đạt gần 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD; trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD/năm.

Điều này cho thấy, sản phẩm làng nghề đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đơn cử, tại huyện Đan Phượng đã có 7 làng nghề truyền thống; trong đó, nghề gỗ đang “sống khỏe”, tạo nên công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân, đặc biệt là tại 2 xã Liên Trung và Liên Hà.

Đến thăm xã Liên Hà ngày đầu năm mới, cơ sở sản xuất gỗ nội thất Phúc Thơm của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở đường Mương Đan Hoài vẫn rộn ràng tiếng máy để khẩn trương hoàn thiện những đơn hàng đã được đặt trước Tết. Xưởng gỗ của gia đình chị Thơm rộng chừng 300m², chỉ bằng nghề truyền thống của thôn và nguồn vốn 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Đan Phượng, cơ sở của chị đã giải quyết công ăn việc làm cho 15 lao động và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Dù dịch Covid-19 xảy ra ảnh hưởng tới một số đơn hàng xuất khẩu, nhưng các đơn hàng trong nước vẫn đều đặn, giúp doanh thu mỗi tháng đạt 500 triệu đồng, thu nhập của các lao động cũng không bị ảnh hưởng nhiều, đạt 8 - 10 triệu đồng/tháng. Không chỉ giúp các lao động có thu nhập khá, cơ sở của gia đình chị Thơm còn đón nhận những người có hoàn cảnh khó, từng lầm lỡ về làm việc, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Phó chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Hữu Thinh cho biết, với đặc thù là xã làng nghề nên nguồn vốn của NHCSXH mang nhiều ý nghĩa, giúp người dân Liên Hà giải quyết việc làm cho lao động của xã và các vùng lân cận. Từ đó, tạo điều kiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và được công nhận là một trong 8 xã nông thôn mới nâng cao năm 2019. Xã hiện có trên 2.000 hộ, trong đó chỉ còn 2 hộ, chiếm 0,09%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm.

Cùng chung niềm vui với nghề truyền thống, làng quất Nhật Tảo hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Nhờ đường sá thông thương, việc đi lại làm ăn, mua bán thuận tiện hơn trước nên thu nhập của gia đình trồng quất của làng cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, nhiều hộ đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo trên vùng quê hương.

Trong những ngày đầu xuân, bà Nguyễn Thị Sửu ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm tỏ rõ niềm vui khi vụ quất vừa qua được mùa tốt giá. Xuất thân từ gia đình nghèo, thu nhập bấp bênh, cuộc sống của gia đình bà cũng vì thế thêm khó khăn. Nhưng có trong tay nguồn vốn 50 triệu đồng của NHCSXH, gia đình bà Sửu đã mạnh tay đầu tư vào 2 thửa đất với tổng diện tích 1.160 m², trồng 700 cây giống, tạo công ăn việc làm và có khoản lãi 100 triệu đồng/năm.

“Vườn quất nhà tôi năm nay bán cho khách ở Hà Nội và cả cho các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Khách đánh xe ô tô đến tận vườn chọn quất và mua buôn về bán”, bà Sửu hồ hởi kể.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Phó giám đốc NHCSXH quận Bắc Từ Liêm, bà Lê Thị Mỹ Linh cho biết: Đơn vị hiện cho vay 7 chương trình; trong đó,  chương trình cho vay giải quyết việc làm đã tạo cơ hội cho người lao động trên địa bàn quận có việc làm, ổn định thu nhập. Đến nay, đã có hơn 3.500 lao động được vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền 174 tỷ đồng.

Năm 2020, NHCSXH TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền quận, huyện, thị xã đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Nhờ đó, hơn 114 nghìn khách hàng đã được vay vốn với doanh số cho vay đạt 4.772 tỷ đồng.

Là năm cuối thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 nên NHCSXH TP. Hà Nội đã phối hợp với cơ sở triển khai hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi. Tổng số khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn là 13 nghìn hộ. Các đối tượng chính sách có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, đơn vị đã phối hợp với cơ sở rà soát và triển khai cho vay 100%, góp phần vào thành công chung của TP. Hà Nội khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,9%.

Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bằng nguồn vốn Trung ương và địa phương chuyển sang, NHCSXH TP. Hà Nội đã giúp trên 76 nghìn lao động được tạo công ăn việc làm ổn định. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP. Hà Nội, năm 2020, thành phố có trên 180 nghìn lao động có việc làm, riêng với NHCSXH đã góp trên 40%. Nguồn vốn bổ sung từ các quận, huyện là 1.154 tỷ đồng; trong đó, cho vay đối với các hộ khó khăn do Covid - 19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh là 650 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong chương trình tín dụng chính sách xây dựng nông thôn mới, NHCSXH TP. Hà Nội cũng đã triển khai cho vay 7.317 tỷ đồng với 15 chương trình tín dụng như: cho vay giải quyết việc làm, NS&VSMTNT… Các chương trình đã góp phần vào thành công chung của thành phố, giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nguồn vốn để SXKD.

Phó giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Trong năm 2021, NHCSXH TP. Hà Nội nhận được nguồn vốn ủy thác là 550 tỷ đồng, đơn vị sẽ tham mưu cho các sở, ban ngành phân bổ cho quận, huyện, thị xã trên địa bàn, tập trung nguồn vốn vào địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top