Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 15:25

Vốn chính sách mở nhiều cơ hội làm giàu

Hơn 10 năm qua, nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã và đang tiếp sức cho các xã vùng khó trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), mở ra cơ hội cho người dân làm kinh tế, cải thiện cuộc sống.

t10t.jpg
NHCSXH huyện Lệ Thủy giải ngân vốn vay tại các Điểm giao dịch xã.

 

Làm giàu từ vốn vay ưu đãi

Chương trình cho vay vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được thực hiện trên địa bàn huyện Lệ Thủy từ năm 2007. Thời gian đầu, mỗi hộ gia đình tại những vùng khó khăn được vay tối đa là 30 triệu đồng, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Vay từ trên 30 đến 100 triệu đồng thì phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Đến năm 2016, để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn, chương trình cho vay được điều chỉnh, theo đó, mức vay đối với hộ gia đình SXKD tăng lên tối đa 50 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Gia đình chị Võ Thị Phương (bản Mới, xã Lâm Thủy) là một trong những hộ tiêu biểu về sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Chị Phương cho hay: Biết được thông tin chương trình cho vay không bắt buộc phải thuộc diện hộ nghèo mới được vay nên chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Lệ Thủy. Với số vốn này, chị Phương thuê máy móc cải tạo đất trồng rừng kinh tế và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Đến nay, gia đình chị đã trồng 4ha keo tràm, nuôi hàng chục con lợn thịt, thu nhập bình quân 70 - 90 triệu đồng/năm.

Còn anh Nguyễn Văn Thiện (thôn Cẩm Ly, xã Ngân Thủy) cho biết, hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định nên đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2018, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, biết được thông tin NHCSXH huyện có chủ trương cho vay vốn, anh làm hồ sơ để được hỗ trợ vốn vay. Sau khi được vay 50 triệu đồng, anh Thiện đầu tư trồng keo tràm.

Hiện tại, anh Thiện  trồng được 5ha keo tràm, thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.

Tạo thuận lợi tiếp cận vốn chính sách

Phó giám đốc NHCSXH huyện Lệ Thủy Nguyễn Xuân Hào cho biết, chương trình cho vay  vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn thực sự là động lực giúp các hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ngay từ những ngày đầu triển khai, NHCSXH huyện Lệ Thủy đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Tất cả các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm được thực hiện ngay tại UBND các xã, thị trấn, giúp các đối tượng chính sách thuận tiện trong giao dịch, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí giao dịch. Đơn vị luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng SXKD, nâng cao thu nhập.

Hiện tại, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn ở huyện Lệ Thủy đạt 84 tỷ đồng, hơn 1.880 hộ được vay. Trong đó, một số xã có dư nợ cao, như: Trường Thủy 16,5 tỷ đồng; Hồng Thủy 14,9 tỷ đồng; Hưng Thủy 14,7 tỷ đồng và Thái Thủy 11,7 tỷ đồng.

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã giúp các hộ dân không phải là hộ nghèo có thêm vốn để đầu tư phát triển SXKD. Hàng nghìn người dân huyện Lệ Thủy được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo. Thời gian tới, NHCSXH huyện Lệ Thuỷ sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương để đáp ứng đầy đủ, bảo đảm cho các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top