Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 5 năm 2018 | 16:29

Vốn chính sách sát cánh cùng người nghèo Nam Định

Trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

anh-1.JPG
Gia đình anh Tiến ở Vụ Bản được vay vốn hộ thoát nghèo đầu tư nuôi bò.

Trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân, tiếp thêm sức mạnh xóa nghèo, ổn định dân sinh trên địa bàn.

Xã hội hóa nguồn vốn

Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh và phát huy hiệu quả, Chi nhánh NHCSXH Nam Định đã khắc phục  khó khăn, chủ động triển khai cho vay đến từng địa bàn, tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc bình xét, lựa chọn, làm thủ tục cho vay vốn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả và trả nợ đúng hạn.

Thông qua 218 điểm giao dịch tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và thông qua việc ủy thác vay vốn của Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, chương trình cho vay vốn ưu đãi đã thu hút sự tham gia của toàn xã hội, việc giúp đỡ người nghèo được coi là trách nhiệm  của mọi người, từ đó việc huy động vốn, hoạt động của NHCSXH thực sự được xã hội hoá.

Cụ thể, nguồn vốn cho vay hộ nghèo do các cấp chính quyền phân bổ cho từng địa phương và được chuyển tải đến hộ vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội và mạng lưới trên 3.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Các hộ tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay vốn mà còn được hỗ trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, ổn định kinh tế, gắn bó nhân dân với chính quyền và ngược lại, đồng thời gắn bó các hội đoàn thể với hội viên.

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, trong 15 năm qua, 613.206 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn,  78.732 hộ thoát nghèo, 4.177 hộ thoát cận nghèo. Giải quyết việc làm cho 53.226 lao động, trong đó 2.374 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài có nguồn thu nhập gửi về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 110.449 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ, không để học sinh nào phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí.  167.885 hộ được vay vốn để xây mới và cải tạo 163.965 công trình nước sạch, 152.680 công trình vệ sinh, góp phần cải thiện môi trường xanh - sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn. Xây dựng 3.977 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát, chưa có nhà ở, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Đây là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần to lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo. Vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, không chỉ bởi ưu đãi về lãi suất cho vay, thủ tục vay vốn mà còn tạo khả năng tiếp cận vốn thuận tiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hoạt động tín dụng NHCSXH trong những năm qua có tác động lớn tới việc đem lại sự ổn định cho nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định; chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và tới các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Sát cánh cùng người nghèo

Tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vụ Bản (tính đến 31/12/2017), tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 169.664 triệu đồng, tăng 1.041 triệu đồng so với cùng kỳ, đạt 99,9% kế hoạch dư nợ năm, với 7.865 hộ gia đình đang vay vốn. Các chương trình có dư nợ tăng trưởng: Hộ cận nghèo 6.117 triệu đồng; giải quyết việc làm 2.519 triệu đồng; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn  1.469 triệu đồng; hộ thoát nghèo 2.014 triệu đồng.

Chúng tôi vào thăm gia đình anh Nguyễn Minh Tiến (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản), hộ mới thoát nghèo. Anh Tiến cho biết: Trước đây, gia đình được vay 40 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ thoát nghèo, đầu tư mua cặp bò về nuôi. Nay cặp bò đã sinh sản, gia đình đã bán mấy con bê nên cũng có nguồn thu, bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.

“Nguồn vốn ưu đãi đã tiếp thêm sức mạnh để gia đình có điều kiện đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tôi không biết nói gì hơn, xin cảm ơn Chính phủ, cảm ơn NHCSXH”, anh  Nguyễn Minh Tiến xúc động nói.

Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Nga (đội 2, thôn Thượng), được vay 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn. Số tiền tuy không nhiều nhưng giờ đây  đã có được nguồn nước sạch để sử dụng, giúp nâng cao sức khỏe cho cả gia đình.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vụ Bản, cho biết: Trong năm 2017, vốn tín dụng chính sách góp phần giúp 448 gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho cho trên 110 lao động, xây dựng 14 căn nhà ở cho hộ nghèo, 67 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, xây dựng 598 công trình nước sạch, vệ sinh…

Huyện Giao Thủy triển khai cho vay 9 chương trình tín dụng với tổng nguồn vốn 312,1 tỷ đồng, tăng so với năm trước 11,5 tỷ đồng. Các chương trình có sự tăng trưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn… Năm 2017, doanh số cho vay đạt 84,3 tỷ đồng với 3.810 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung vào 6 chương trình: Hộ nghèo  (20,1 tỷ đồng); hộ cận nghèo (28,5 tỷ đồng); hộ mới thoát nghèo (9,2 tỷ đồng); HSSV (4 tỷ đồng); giải quyết việc làm (2,7 tỷ đồng); nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn (18,2 tỷ đồng).

Đến với xã Giao Long, gặp ông Nguyễn Ngọc Khảm ở xóm 1, ông tâm sự: “Ở xã tôi, nhiều gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH, đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả. Gia đình tôi được tiếp cận vốn vay giải quyết việc làm. Sau quá trình tìm hiểu, năm 2008, tôi  vay  20 triệu đồng đầu tư nuôi cá nước ngọt. Sau đó mở rộng sản xuất và năm 2013, tôi  vay thêm 100 triệu đồng đầu tư nuôi cá vược, cá bống tượng. Từ nguồn vốn vay và với số tiền tích lũy sau những vụ nuôi cá bội thu, ông Khảm đã đầu tư chuyển đổi sản xuất, mở rộng trang trại, hiện có 2ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng. Trang trại nuôi trồng thủy sản mang lại cho gia đình ông trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng”.

Thực tế thấy, Chi nhánh NHCSXH Nam Định không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, thu nợ mà còn tư vấn hỗ trợ người nghèo sao cho đồng vốn sau khi được giải ngân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Cùng với đó, Chi nhánh còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, áp dụng, từ đó nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Hưng, Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định, cho biết: Thông qua công tác giám sát từ phía ngân hàng và các tổ chức đoàn thể, hầu hết các hộ được vay đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả đồng vốn. Đây cũng là tiền đề để thời gian tới NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh việc quản lý nguồn vốn, tạo hướng đi đúng trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình sau khi được vay vốn.

Với trọng trách khởi nghiệp cùng người nghèo, ngoài nguồn vốn được phân bổ, Chi nhánh NHCSXH Nam Định đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp huy động vốn để giúp người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi, trở thành địa chỉ tin cậy giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

 

Từ nguồn vốn vay của Chi nhánh NHCSXH Nam Định, trong 15 năm qua, đã có trên 613.200 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Nhờ đó, trên 78.700 hộ thoát nghèo, 4.177 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho trên 53.200 lao động, gần 110.500 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; hơn 167.800 hộ được vay vốn xây mới và cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh; gần 4.000 hộ được vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở...

 

 

 

 

 

Đức Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top