Làng chài Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) có truyền thống sản xuất nước mắm nổi tiếng khắp vùng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ít hộ dân lao đao vì thiếu vốn. Thời gian qua, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã “tiếp sức” cho hàng chục hộ dân duy trì và phát triển làng nghề.
Tiếp vốn kịp thời
Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô trước đây có hàng trăm hộ sản xuất lớn nhỏ, nay chỉ còn 66 hộ theo nghề. Đứng trước nguy cơ làng nghề bị mai một, NHCSXH quận Liên Chiểu đã tiếp vốn kịp thời cho các hộ dân, để họ có nguồn vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị duy trì nghề sản xuất nước mắm truyền thống.
Đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm của anh Phan Công Quang ở phường Hòa Hiệp Nam, anh Quang cho biết, trước đây anh làm thủ kho tại một công ty của Nhật với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ làm, anh tham gia sản xuất tại xưởng làm mắm của gia đình với quy mô còn hạn hẹp. Đến năm 2012, niềm đam mê với nghề mắm đã đủ lớn và thôi thúc anh quyết định nghỉ việc để tập trung phát triển sự nghiệp.
“Gia đình có nhiều thế hệ làm nghề sản xuất nước mắm, nhưng đến đời thứ 4 thì chỉ có mình tôi tiếp tục gắn bó với nghề gia truyền. Với lợi thế có sẵn cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình, tôi vay thêm NHCSXH quận Liên Chiểu 50 triệu đồng để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất…”, anh Quang chia sẻ.
Anh Quang cho biết thêm, cơ sở sản xuất nước mắm của anh phát triển khá thuận lợi, đến năm 2016, anh đứng ra thành lập Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Ô Long với 7 xã viên, nhằm tạo điều kiện cho nhiều hộ tham gia sản xuất duy trì nghề truyền thống.
Hàng năm cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống của anh Quang cung cấp ra thị trường hơn 30.000 lít nước mắm các loại, trừ chi phí, thu lãi 400 - 500 triệu đồng/năm.
“Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi rất biết ơn NHCSXH quận Liên Chiểu đã cho vay vốn. Là thanh niên trẻ, lúc mới khởi nghiệp, nếu không có nguồn vốn tín dụng ưu đãi thì tôi không biết xoay xở thế nào nữa? Đến nay, kinh tế của gia đình tôi có của ăn của để, khá giả hơn trước rất nhiều…”, anh Quang phấn khởi nói.
Giúp duy trì và phát triển làng nghề
Cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH quận Liên Chiểu, gia đình bà Nguyễn Thị Ánh ở phường Hòa Hiệp Nam đã duy trì được cơ sở sản xuất nước mắm đến ngày hôm nay.
“Nguồn vốn của NHCSXH thật sự là “phao cứu sinh” cho tôi duy trì được cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình. Tôi cảm ơn các cấp chính quyền, NHCSXH quận Liên Chiểu đã tạo điều kiện tiếp vốn cho tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế”, bà Ánh nói.
Bà Ánh cho biết, bà là phụ nữ đơn thân, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Những lúc khó khăn do thiếu vốn cũng định bỏ nghề, được sự quan tâm của NHCSXH quận Liên Chiểu cho vay vốn ưu đãi, bà đã vượt qua được giai đoạn đó để ổn định sản xuất.
Được sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH quận Liên Chiểu, bà đã duy trì nghề sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô của cha ông. Hiện nay, cơ sở sản xuất nước mắm của bà cung cấp ra thị trường hơn 5.000 lít nước mắm các loại, trừ chi phí, thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm.
Giám đốc NHCSXH quận Liên Chiểu Trần Oanh Vũ cho biết, thời gian qua, đứng trước nguy cơ làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô bị mai một, NHCSXH quận đã phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể ở địa phương tiến hành khảo sát, thẩm định cho các hộ vay vốn tiếp tục sản xuất, khôi phục, phát triển làng nghề, nhờ đó đã tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
“Giờ đây, làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô đã có nhiều khởi sắc, là tín hiệu vui cho những người làm tín dụng chính sách như chúng tôi. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục cung ứng vốn ưu đãi cho các hộ chính sách trên địa bàn quận để họ có điều kiện tốt hơn SXKD…”, ông Vũ cho hay.
Tính đến cuối năm 2020, NHCSXH quận Liên Chiểu đã cho 10.861 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ hơn 460 tỷ đồng, tăng 76,1 tỷ đồng so với năm 2019 (tăng trưởng 19,81%). Trong đó, cho vay giải quyết việc làm 222,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo 50,5 tỷ đồng, hộ nghèo 26,5 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 43 tỷ đồng, học sinh - sinh viên 29,7 tỷ đồng, nhà ở xã hội 66 tỷ đồng… |