Những năm gần đây, bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tuyên Quang (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, các đối tượng chính sách có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Mới đây, ngân hàng tiếp sức cho người dân chuyển đổi ngành nghề, phục hồi sản xuất sau dịch Covid - 19.
Hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách vượt khó
Giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Tuyên Quang. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận tiện.
Năm 2018, gia đình anh Lý Văn Huyên, ở thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên) được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hàm Yên cho vay 80 triệu đồng từ vốn vay hộ nghèo để nuôi trâu sinh sản. Đến cuối năm 2020, trâu đẻ 2 nghé, mới đây gia đình anh bán 2 con trâu giống, thu hơn 30 triệu đồng, nhờ đó mà có thêm kinh phí xây dựng nhà mới, có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tuy có gần 2ha vườn đồi nhưng trước đây gia đình chị Chúc Thị Nải, ở thôn Đon Bả, xã Lăng Can (nay là thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình) phải bỏ hoang do không có vốn đầu tư. Năm 2018, gia đình chị được tiếp cận 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSCH huyện Lâm Bình để cải tạo vườn, trồng các cây ăn quả như: bưởi, chanh, mít, ổi, kết hợp nuôi gà thả vườn. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Nải thu lãi gần 100 triệu đồng.
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Tuyên Quang, cho biết, để nâng cao hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ hội, đoàn thể ở cơ sở, trưởng thôn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về quy trình thẩm định thực tế, kiểm tra hồ sơ vay vốn của khách hàng, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Sau khi giải ngân, các tổ chức chính trị - xã hội phải kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn của hộ được vay. Nếu trường hợp nào sử dụng chưa đúng thì tiếp tục hướng dẫn để hộ sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Từ đó, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, có điều kiện trả vốn và lãi cho ngân hàng đúng quy định.
Hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất
Nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH Tuyên Quang đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn, kịp thời giải ngân cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vay với lãi suất ưu đãi. Qua đó, giúp họ chuyển đổi nghề, khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Với các tiểu thương đang kinh doanh ở chợ Trung tâm huyện Chiêm Hóa, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp họ phần nào vơi bớt khó khăn sau thời gian tạm nghỉ buôn bán do dịch Covid -19. Chị Nguyễn Thị Ngân, tổ dân phố Vĩnh Tài, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cho biết, gia đình nghỉ bán hàng gần 2 tháng vì dịch, giờ kinh doanh trở lại nhưng thiếu vốn để sửa chữa quầy và nhập hàng mới. Được hỗ trợ tiếp cận 20 triệu đồng, gia đình đã sửa lại quầy và lấy hàng về bán. Chị em tiểu thương ở chợ gặp khó khăn đều được vay vốn, ai cũng mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giữa lúc khó khăn như hiện nay.
Là hộ kinh doanh vận tải hành khách, phục vụ khách tham quan các điểm du lịch trên Khu du lịch sinh thái Na Hang – Lâm Bình, anh Quan Văn Dơ, tổ 4 thị trấn Na Hang (Na Hang), cho biết, anh được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Na Hang giải quyết cho vay 100 triệu đồng từ vốn vay giải quyết việc làm để duy tu, chỉnh trang lại phương tiện, thuê nhân công khôi phục hoạt động của cơ sở. Giờ đây, các hoạt động vận tải của gia đình cơ bản trở lại bình thường.
Theo ông Vũ Thế Anh, Chương trình cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 được ban hành kịp thời đã tiếp sức người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Hiện nay, ngân hàng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác rà soát kỹ, giám sát chặt để việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng và nhu cầu. Song song đó, đơn vị tạo điều kiện để giải ngân kịp thời nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện, giúp họ sớm có được nguồn vốn đầu tư tái sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Tính đến ngày 23/3, tổng dư nợ toàn Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đạt 3.290 tỷ đồng, 74.845 hộ còn dư nợ. Số tiền cho vay trong 3 tháng đầu năm đạt 237 tỷ đồng với 5.069 lượt hộ vay, tập trung ở các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa… |