Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn.
Chính sách đi vào cuộc sống
Nói về nỗ lực vươn lên thoát đói nghèo, làm giàu, người dân ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa (Cầu Ngang - Trà Vinh) không ai không biết gia đình ông Thạch Hoài Phong.
Ông Phong xúc động chia sẻ: “Năm 2009, tôi được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay 4 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trồng màu trên diện tích 2.000m2. Đến nay, qua nhiều lần vay vốn NHCSXH, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và có hơn 5.000m2 đất để trồng màu. Cuộc sống gia đình ổn định”.
Ông Phong khẳng định, nguồn vốn của NHCSXH rất có ý nghĩa với những hộ nghèo vùng đồng bào DTTS nói riêng và các hộ ở vùng nông thôn nói chung.
Trong chuyến khảo sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS tại xã Thuận Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã nghe nhiều câu chuyện vui, chia sẻ nhiều nụ cười của bà con Khmer tại địa phương, trực tiếp ghi nhận các chính sách đối với hộ đồng bào DTTS, trong đó có chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH đi vào cuộc sống.
Thông tin với Đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa Nguyễn Văn Hùng cho biết, tính đến ngày 30/6/2018, xã đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi với tổng dư nợ 25 tỷ đồng. Thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội thành lập 25 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.090 thành viên, trong đó có 825 hộ gia đình DTTS đang có dư nợ 12.532 triệu đồng, chiếm 76% số hộ đang vay vốn. Nợ quá hạn 27 triệu đồng, chiếm 0,1%, nợ khoanh 75 triệu đồng, chiếm 0,3%. Số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 958 triệu đồng.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác triển khai các chương trình tín dụng của xã Thuận Hòa. Trong tổng số hơn 25 tỷ đồng dư nợ của toàn xã, có 12,5 tỷ đồng là dư nợ của đồng bào DTTS, với 825 hộ đang còn dư nợ, chiếm 50% tổng dư nợ.
Các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có dư nợ 5,65 tỷ đồng, chiếm 34,4%/tổng dư nợ, trong đó có 284 hộ DTTS, dư nợ 4,6 tỷ đồng, chiếm 81,9%.
Theo Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng, những con số trên cùng với việc Đoàn công tác đến thăm hai hộ điển hình của xã tại ấp Sóc Chùa đã minh chứng rằng, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Thuận Hòa rất hiệu quả. Trong đó, nhiều hộ là đồng bào DTTS đã được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền địa phương thì một lần nữa khẳng định, người dân nào có ý thức vươn lên cùng với đồng vốn NHCSXH và mạnh dạn làm ăn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
Vấn đề chiến lược
Chia sẻ về những thành quả của xã Thuận Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, khi trực tiếp đến thăm 2 hộ ở ấp Sóc Chùa, thấy đồng bào vay vốn SXKD hiệu quả, như đã tô điểm thêm thành tích trong công tác tín dụng chính sách xã hội.
“Điều đó cũng khẳng định, thực hiện các chính sách đối với hộ đồng bào DTTS là vấn đề chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có nguồn vốn của NHCSXH đã giúp nhân dân các dân tộc đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, vươn lên trong cuộc sống. Qua những chuyến đi khảo sát tại địa phương, giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện để thời gian tới hoạch định chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2026 được hoàn thiện, thiết thực hơn”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho hay.
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, trong chuyến công tác tại tỉnh Trà Vinh, Uỷ ban Dân tộc và NHCSXH đã trao tặng 62 suất quà cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn xã Thuận Hòa.
Liên quan đến chính sách dành cho đồng bào DTTS, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết: Là tỉnh ven biển nằm ở phía Đông Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh có 7 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã, với 106 xã, phường, thị trấn, 816 ấp, khóm, trong đó có 6 xã được công nhận là xã đảo, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.
Trên địa bàn tỉnh có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với dân số 1,1 triệu người (274.425 hộ, trong đó hộ dân tộc Khmer 88.289 hộ, chiếm trên 32%).
Về tình hình hoạt động của NHCSXH, đến 30/6/2018, tổng nguồn vốn đạt 2.203 tỷ đồng, tăng 116 tỷ đồng (tăng 5,57%) so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 1.624 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng. Nguồn vốn địa phương chuyển sang là 106 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.198 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng, tăng 5,52% so với năm 2017, hoàn thành 94% kế hoạch năm với 126.865 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ bình quân 17 triệu đồng/hộ.
Nợ quá hạn ở mức thấp, khoảng 6 tỷ đồng, chiếm 0,27% tổng dư nợ, là tỉnh có nợ quá hạn thấp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm kiến nghị với Đoàn khảo sát, trong đó có NHCSXH, bố trí thêm nguồn vốn cho địa phương trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH sẽ cố gắng cân đối nguồn vốn để giải quyết những kiến nghị của địa phương tốt nhất trong điều kiện cho phép. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của lãnh đạo chính quyền địa phương đối với hoạt động NHCSXH. Cùng với đó, toàn thể cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Trà Vinh trong năm 2018 phải không ngừng nỗ lực, cố gắng để đơn vị đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khu vực.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Ban Dân tộc của tỉnh cần tiếp tục kiện toàn bộ máy để giúp công tác DTTS đạt được kết quả tốt hơn.
Về nguồn vốn hỗ trợ đất ở, nước sạch, phát triển sản xuất, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, NHCSXH đã bố trí thêm 40 tỷ đồng để Trà Vinh giải ngân cho các hộ vay, qua đó giúp nhiều người dân tiếp cận vốn vay, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, tới đây, khi có dự thảo hoàn thiện chính sách đối với hộ đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2026 do Ủy ban Dân tộc soạn thảo trình Trung ương, rất mong Tỉnh ủy, UBND đóng góp ý kiến tham gia thiết thực để chính sách được hoàn thiện, đáp ứng tình hình hiện nay với hộ đồng bào DTTS.
Riêng kiến nghị của xã Thuận Hòa với mong muốn cần thêm nguồn vốn, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng công bố ngay tại buổi làm việc, trong tháng 7 này sẽ bổ sung cho xã 1 tỷ đồng cho vay hộ đồng bào DTTS và 3 tỷ đồng để cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.
“Tuy nhiên, khi có nguồn vốn của NHCSXH, rất mong lãnh đạo chính quyền, hội, đoàn thể địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con vay vốn sử dụng SXKD hiệu quả, qua đó có thêm nhiều hộ thoát nghèo và khá giả”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhắn nhủ.