Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 5 năm 2017 | 2:51

Vốn tín dụng chính sách: Hiệu quả đã rõ, Điện Biên cần tăng nguồn vốn

63 năm sau chiến thắng đi vào lịch sử, Điện Biên, tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, dân cư phân tán, có đến 5 huyện nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo trên cả nước. Tuy vậy, đã có những đổi thay đáng kể trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhờ sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó sự hỗ trợ về tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một nguồn lực không nhỏ.

Vợ chồng ông bà Đặng Văn Sỹ - Nguyễn Thị Tươi bên vườn thanh long sai quả.

Tính đến đầu năm 2017, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh Điện Biên đạt trên 2.200 tỷ đồng, với gần 84.000 hộ vay. Dư nợ tập trung vào chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,67% tổng dư nợ.

Thông qua nguồn vốn vay, các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất những giống cây trồng - vật nuôi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông bà Đặng Văn Sỹ, Nguyễn Thị Tươi ở thôn 7B, xã Pom Lót, huyện Điện Biên thuộc diện hộ cận nghèo, sau khi được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, cùng với vốn liếng tích cóp của gia đình, đã tập trung đầu tư phát triển trồng thanh long ruột đỏ. Sau 3 năm, ông bà đã có vườn cây với hơn 100 trụ thanh long, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Tươi cho biết: “Trước đây, cứ lo cuộc sống bấp bênh, bây giờ thì nhà tôi yên tâm sản xuất, cuộc sống khá nhiều rồi”.

Tương tự, gia đình ông Lý Văn Tên, dân tộc Kháng, ở xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, từ nguồn vốn chính sách mà thành công trong việc nuôi trâu sinh sản, trồng keo, thoát hẳn nghèo đói. Sống trong cảnh “bữa đói, bữa no”, giấc mơ thoát nghèo của ông Tên bắt đầu trở thành hiện thực kể từ khi nhận được 30 triệu đồng tiền vốn vay người nghèo của NHCSXH. Bắt đầu với việc nuôi trâu sinh sản, đến nay, tài sản của ông ngày một đa dạng, thêm ao nuôi cá và diện tích đồi trồng keo gần nhà. “Nhờ NHCSXH hỗ trợ vốn, với các anh em đoàn thể ở đây động viên, chỉ cho cách làm mà giờ nhà tôi khá nhiều rồi, không lo nghèo nữa rồi”, ông Tên chia sẻ.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Điện Biên tăng 18,6%, đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ cao nhất trong những năm gần đây. Nguồn vốn cho vay đã tạo điều kiện cho 33.685 lượt người nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; góp phần giúp hàng nghìn hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm mới cho 1.200 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm..., góp phần tích cực vào kết quả giảm tỷ lệ người nghèo trong năm 2016 tại tỉnh Điện Biên xuống 3,2%.

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành đã đặc biệt quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tích cực tham gia nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn ưu đãi và tiếp tục quan tâm chuyển vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với số vốn tính đến đầu năm 2017 đạt trên 17,6 tỷ đồng.

Một buổi sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nà Khoa 2, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ.

Nhờ có nỗ lực của NHCSXH Điện Biên cùng sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi, tín dụng chính sách của Chính phủ tại tỉnh Điện Biên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tạo động lực và cơ hội cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Biên vẫn còn cao, nhu cầu vay vốn thoát nghèo vẫn còn rất lớn (đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm đến gần 45% số hộ trên toàn tỉnh). Ông Đàm Xuân Triệu, Giám đốc NHCSXH Điện Biên, cho biết: “Thời gian tới, NHCSXH Điện Biên sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UNBD, HĐND cùng các ban ngành liên quan thực hiện tốt Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. NHCSXH cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tận dụng mọi nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay các chương trình cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.

Quỳnh Phương

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top