Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 15:17

Vốn ủy thác phát huy hiệu quả thiết thực tại các xã nghèo

Ngày 10/7/2019, HĐND tỉnh Lào Cai ban hành nghị quyết 06 về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%.

Nhờ được vay vốn, nhiều hộ dân đã biết tính toán xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao.

 

t10.JPG

Mô hình nhà sàn du lịch của anh Tráng Văn Tung (giữa) ở thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư được nhiều du khách lựa chọn. 

 

Để đồng vốn được “sinh sôi nảy nở”

Thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện Bắc Hà còn ở mức khá cao, với 3.834 hộ nghèo, chiếm 28,25% dân số, trong đó có 13 xã có tỷ lệ nghèo trên 40%. Tại đây, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH để cho vay theo Nghị quyết 06 tính đến hết tháng 1/2021 là 14,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cấp năm 2019 là 6,5 tỷ; năm 2020 là 3 tỷ đồng và vốn cấp năm 2021 là 5 tỷ đồng.

Ông Giang Phi Tiến, Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Hà, cho biết: Với số vốn này, từ năm 2019, ngân hàng tiến hành giải ngân cho vay tại 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% của huyện (hiện nay còn 11 xã, bởi Lầu Thí Ngài sáp nhập vào Lùng Phình; Bản Già sáp nhập vào Tả Củ Tỷ), gồm các xã như Bản Cái, Bản Liền, Tả Van Chư, Thải Giàng Phố, Nậm Lúc, Nậm Khánh…  Đối tượng vay vốn theo Nghị quyết 06 là các hộ gia đình có hộ khẩu tại xã và có phương án kinh doanh cụ thể, rõ ràng. Mức cho vay, lãi suất và quy trình, thủ tục vay vốn được thực hiện như vay vốn với hộ nghèo (Mức vay tối đa 100 triệu đồng/ hộ, lãi suất cho vay 6,6%/ năm, thời gian cho vay tối đa 60 tháng). Toàn huyện Bắc Hà có tổng số 246 hộ được vay vốn theo Nghị quyết 06 với tổng dư nợ 14,5 tỷ đồng. 

Theo ông Giang Phi Tiến, Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Hà: “Khảo sát thực tế tại các cơ sở, chúng tôi nhận thấy việc giải ngân cho vay đã đảm bảo đúng đối tượng và mục đích thụ hưởng, các hộ sử dụng vốn chủ yếu để đầu tư phát triển nuôi trâu sinh sản, trồng rừng quế; trồng và mở rộng diện tích cây dược liệu quý như đương quy, cát cánh. Đáng mừng là, một số hộ đã có những thay đổi lớn về nhận thức, biết tính toán đầu tư để đồng vốn “sinh sôi nảy nở”, xây dựng được mô hình kinh tế phù hợp, hứa hẹn mang lại nguồn thu không nhỏ trong tương lai…”.

Khảo sát tại xã vùng cao Tả Van Chư, nhận thấy việc sử dụng vốn vay theo Nghị quyết 06 của 15 hộ dân nơi đây đảm bảo đúng mục đích, phát huy được hiệu quả sử dụng vốn rất rõ rệt. Câu chuyện của hộ anh Tráng Văn Tung ở thôn Tẩn Chư là một minh chứng. Gia đình sử dụng vốn vay này đầu tư cải tạo nhà sàn, mua sắm chăn ga gối đệm, xây dựng công trình phụ để nâng cao chất lượng lưu trú đón, tiếp khách, nhờ đó mô hình của anh đang là cơ sở Homestay triển vọng của xã.

Hay như hộ anh Tráng Seo Kính, dân tộc Mông, nhà cách UBND xã khoảng 6km, sử dụng vốn vay phát triển kinh tế nông nghiệp, trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Anh Kính cho biết: “Khi biết đến nguồn vốn ủy thác theo Nghị quyết 06, gia đình mạnh dạn đăng kí vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng trên 1ha cây ăn quả (lê Tai Nung, mận Tả Van);  trồng 1ha cây dược liệu cát cánh... Nguồn vốn này với tôi rất quý, đã đổi thay cuộc sống của gia đình rất nhiều. Trước đây, gia đình chỉ biết trồng ngô, nhưng sau đó đã nghĩ xa hơn, rộng hơn, tiến hành trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, trồng cây ăn quả để tính đến lợi ích kinh tế lâu dài…”.

Các hộ diện thụ hưởng tại xã Tả Van Chư có chung cảm nhận,  nguồn vốn vay theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh đã góp phần đổi thay cuộc sống của gia đình mình, nhờ được tiếp cận vay vốn gia đình có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, từ đó vươn lên có cuộc sống ổn định hơn trước đây.

Mang lại hiệu quả thiết thực

Trao đổi cùng phóng viên, ông Bùi Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư, cho biết: Trong số 15 hộ vay vốn theo Nghị quyết 06 tại xã có 4 hộ mua trâu sinh sản, 02 hộ đầu tư mô hình du lịch homestay; 03 hộ mở rộng diện tích trồng dược liệu và 07 hộ trồng cây ăn quả ôn đới. Năm 2019, bà con được giải ngân vay 500 triệu đồng, năm 2020 tiếp tục 500 triệu đồng từ nguồn vốn này.

“Ghi nhận ban đầu của xã thấy chương trình cho vay vốn theo Nghị quyết 06 rất thiết thực, trước tiên góp phần bổ sung thêm nguồn vốn vay, giúp nhân dân có vốn sản xuất, mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, tuy nhiên nguồn vốn cho vay còn ít, xã mong HĐND tỉnh xem xét cho vay ở mức cao hơn 100 triệu đồng (có thể 150 hoặc 200 triệu đồng” với những hộ đang thực hiện hiệu quả, có nhiều triển vọng…”, ông Nam đề xuất.

Nguồn vốn vay theo Nghị quyết 06  đang mang tới nhiều ý nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các xã nghèo. Tuy nhiên, do nhu cầu về vốn của người dân tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của Bắc Hà còn rất lớn, trong khi đó nguồn vốn ủy thác cho vay còn khiêm tốn nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh của nhân dân. Để tháo gỡ vấn đề này, rất mong trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục xem xét, cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để ngân hàng tiếp tục triển khai, thực hiện cho vay theo Nghị quyết 06.

 

Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bắc Hà đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện hiện chỉ còn 13,08%,  07 xã nghèo trên 20%.

Đáng chú ý, trong 2 năm qua (2019 và 2020), tại 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% của huyện có tới 1.577 hộ thoát nghèo và 582 hộ thoát cận nghèo.

 

Khuất Linh
Ý kiến bạn đọc
Top