Những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH thành phố đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH thành phố đã tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Nâng cao hiệu quả cho vay
Với đặc thù là thành phố biển đang trên đà phát triển, địa bàn vừa được mở rộng thêm các phường, xã đan xen, đây vừa là thuận lợi đồng thời cũng là khó khăn trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Sầm Sơn.
Ông Trịnh Văn Chinh, Phó giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TP. Sầm Sơn cho biết: Phòng đang triển khai cho vay 11 chương trình, gồm: cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay HSSV, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Quyết định 35/2014, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008 và Quyết định 33/2015.
Tính đến ngày 31/5/2018, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 196,009 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo 45,34 tỷ đồng, chiếm 23%; huy động tiết kiệm toàn thành phố là 12,379 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch năm.
Cũng theo ông Chinh, mặc dù tổng dư nợ của thành phố không lớn nhưng dư nợ trên mỗi xã, phường tại Sầm Sơn hiện cao nhất tỉnh Thanh Hóa, bình quân mỗi xã, phường có dư nợ gần 18 tỷ đồng.
“Để có được kết quả này, chúng tôi phải duy trì nghiêm việc chấp hành trả nợ cả lãi và gốc đối với khách hàng, thực hiện tốt quy định về việc tiết kiệm qua tổ vay vốn, đảm bảo tỷ lệ nợ quá hạn ở mức cho phép cũng như luôn thực hiện tốt công tác giao dịch tại các xã, phường. Đặc biệt, sau giải ngân, cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn phải giám sát vốn vay của khách hàng, đảm bảo được sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó, hàng tháng, Phòng đều tiến hành kiểm tra, thanh tra tại các tổ cũng như kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của các hộ,... Nhờ đó, tỷ nợ quá hạn trên địa bàn giảm mạnh; công tác thu nợ đến hạn được nâng cao, đạt tới 85%; đồng thời đảm bảo tối đa các hộ được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, không có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện xảy ra”, ông Chinh nói.
Niềm vui của khách hàng
Nhờ được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình ông Nguyễn Hữu Sỹ (thôn 6, xã Quảng Minh) đã vươn lên khá - giàu. Ông Sỹ phấn khởi chia sẻ: Năm 2009, được vay 5 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo, gia đình đầu tư nuôi vịt. Nhờ đó, gia đình có của ăn, của để và tích cóp mua thêm bò sinh sản về nuôi. Gia đình có thời điểm nuôi tới hơn 10 con. Hiện gia đình đã thoát nghèo và đang hướng tới làm giàu. Khoản vay ngân hàng đã được gia đình thanh toán từ lâu.
Cũng trên địa bàn thôn 6, xã Quảng Minh, hộ ông Đỗ Văn Lợi đang đầu tư nuôi vịt, thả cá và làm vườn. Ông Lợi vui vẻ cho biết: “Đầu năm 2018, được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo, gia đình đầu tư làm VAC. Đàn vịt sắp được xuất bán; ao cá cũng chuẩn bị cho thu hoạch, gia đình sẽ có khoản thu kha khá”.
Bà Nghiêm Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 6 (xã Quảng Minh) bộc bạch: Hiện nay, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của hội viên trong tổ khá cao nhưng mức vay của ngân hàng có hạn nên chưa tạo đà để các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất.
Thực tiễn thấy mức vay của NHCSXH cho phát triển kinh tế còn thấp so với giá cả thị trường và chi phí đầu tư cho một mô hình. Vì thế, ngân hàng cần nghiên cứu, đề xuất tăng mức vay vốn giải quyết việc làm và mở rộng đối tượng cho vay, nhằm giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.