Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 4 năm 2020 | 12:5

Vụ vải thiều 2020: Bắc Giang làm gì để ứng phó với dịch Covid - 19?

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, Bắc Giang xác định, để có vụ vải thiều thắng lợi, việc đầu tiên là nâng cao chất lượng quả vải, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...

1.jpg
Các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng quả vải.

 

Nâng cao chất lượng

Lục Ngạn là huyện có diện tích vải lớn nhất tỉnh Bắc Giang với 15.290ha; trong đó, vải sớm khoảng 2.000ha, vải thiều chính vụ 13.290ha, sản lượng dự kiến ước đạt trên 80.000 tấn.

Ông Bùi Đức Văn, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn), cho biết, xã có 521ha vải, trong đó có 5ha trồng theo quy trình xuất khẩu đi Nhật, 10ha theo GlobalGAP, còn lại 100% trồng theo quy trình VietGAP. Với diện tích xuất khẩu sang Nhật, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã thành lập tổ chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo sản xuất.

Bắc Giang hiện có 28.000ha vải thiều, sản lượng dự kiến đạt 160 nghìn tấn. Trong đó, có 6.000ha vải sớm, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%, dự kiến bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5. Vải chính vụ, vải muộn diện tích khoảng 22.000ha, tỷ lệ ra hoa đạt trên 70%, dự kiến cho thu hoạch từ 10/6 -15/7.

Xác định chất lượng quyết định đến đầu ra và giá thành của quả vải nên ngay từ đầu vụ, người dân và chính quyền các cấp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng. Đặc biệt là đối với 77ha vải được cấp mã vùng xuất đi Nhật và 217ha đủ điều kiện xuất đi Mỹ và các nước châu Âu.

Đối với vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chính quyền các cấp đã hướng dẫn người trồng theo quy trình để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, lập và lưu hồ sơ, ghi chép nhật ký sản xuất. Tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, không được sử dụng thuốc trừ cỏ; sử dụng thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo đáp ứng quy định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép trên quả vải, đảm bảo tuyệt đối không nhiễm ruồi đục quả.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, để nâng cao chất lượng quả vải, Sở đã tập huấn cho người nông dân quy trình sản xuất, an toàn, đặc biệt là quy trình VietGAP. Đến nay, trên 60% diện tích vải của tỉnh trồng theo quy trình VietGAP. Quan tâm đến cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn, tránh dùng thuốc cấm, không rõ nguồn gốc, dùng tràn lan, phun quá liều lượng, không đúng thời điểm.

Ông Tùng nhấn mạnh, hướng dẫn người trồng bón phân, tưới nước theo đúng quy trình, để làm sao quả vải đạt chất lượng tốt nhất. Khi thị trường tiêu thụ càng khó khăn thì càng phải nâng cao chất lượng. Ngay từ đầu vụ, Bắc Giang xác định vấn đề tiêu thụ là rất khó khăn, để vượt qua, phải nâng chất lượng vải thiều. Do vậy, vải thiều năm nay chất lượng sẽ tiếp tục được nâng lên.

Chủ động thích ứng với tình hình khó

Về vấn đề tiêu thụ, theo ông Bùi Đức Văn, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Giang, thị trường lớn của huyện vẫn là xuất sang Trung Quốc. Trong tình hình dịch Covid - 2019 diễn biến phức tạp, việc xuất sang thị trường này sẽ rất khó. Đề nghị UBND huyện quan tâm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó có mở rộng tiêu thụ trong nước.

 

2.jpg

Còn ông Dương Thanh Tùng cho biết, tỉnh xác định: Thứ nhất, với tình hình dịch như hiện nay phải quan tâm đến kênh nội địa. Tỉnh đã giao Sở Công Thương tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Trước kia tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 50%, năm nay phải phấn đấu phải nhiều hơn.

Hai là, phải nắm bắt tình hình Trung Quốc, thị trường này rất quan trọng, cập nhật thường xuyên khi họ hết dịch thì phải đáp ứng ngay. Tránh trường hợp thấy dịch mà coi thường hoặc chủ quan. Sở thường xuyên liên hệ, trao đổi với Cục Bảo vệ thực vật để nắm thông tin về tình hình dịch bệnh, các yêu cầu từ phía Trung Quốc để kịp thời đáp ứng.

Ba là, thị trường các nước trong khối EU, Mỹ, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Bắc Giang đã làm quyết liệt việc này. Tỉnh xây dựng cả một kế hoạch xuất khẩu đi Nhật, phân công rõ trách nhiệm của các sở, huyện, thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay rất đặc biệt. Trong kế hoạch xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ phải đưa ra được nhiều phương án, trong đó có phương án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là huyện Lục Ngạn có dịch Covid - 2019. Hiện, Sở Công Thương đang hoàn thiện các phương án cụ thể để trình Thường trực Tỉnh Uỷ, Thường trực UBND tỉnh thông qua.

Hy vọng với sự chủ động trong chăm sóc, hướng dẫn người trồng vải nâng cao chất lượng, cùng với những kế hoạch cụ thể trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm, vụ vải thiều năm 2020 Bắc Giang sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục là năm thắng lớn.

Năm 2020, Bắc Giang có 77ha vải thiều được cấp mã vùng đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Để diện tích vải xuất khẩu sang Nhật Bản được chăm sóc tốt, bảo đảm chất lượng, huyện Lục Ngạn đã trích ngân sách hỗ trợ 40% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất 50ha; hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, nâng cấp kho cất giữ bảo quản thuốc bảo vệ thực vật trước và sau khi sử dụng; hỗ trợ kinh phí thử nghiệm màng bao quả.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top