Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 6 năm 2016 | 1:58

200 thương lái Trung Quốc vào Bắc Giang giám sát thu mua vải thiều

Sản lượng vải thiều giảm 10% so với năm ngoái

Mùa vải năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vải chính với khoảng 40% sản lượng. Tại Bắc Giang vào vụ thu hoạch có trên 200 thương nhân là người Trung Quốc đến giám sát thu mua.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng vải tại hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đều giảm so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái sản lượng vải của Bắc Giang đạt 200.000 tấn, Hải Dương 40.000- 60.000 tấn thì năm nay ước giảm khoảng 10%.

Chia sẻ với PV báo điện tử Infonet, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cũng cho hay,  tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015.

Trong đó vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn chiếm 17,7%; vải thiều chính vụ là 107.000 tấn chiếm 82,3%; tập trung ở các huyện Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn….

Hiện nay Bắc Giang vẫn chưa có vải bán. Dự kiến đến ngày 5/6 sẽ thu hoạch vải chín sớm và đến ngày 20/6 mới có vải thiều chính vụ. 

Theo lãnh đạo Sở Công thương, nguyên nhân sản lượng vải giảm là do giảm diện tích để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. So với năm 2015, diện tích trồng vải giảm 1.000 ha, xuống còn 30.000 ha.  Chất lượng vải thiều bình diện chung năm nay cao hơn những năm trước.

Để xuất khẩu sang những thị trường khó tính, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đến nay Cục đã cấp được 29 mã số với khoảng 300 ha cho vải, phần lớn ở Bắc Giang. 

Riêng huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn Globalgap, với chất lượng đặc biệt; được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng; sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn đảm bảo điều kiện xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Úc, EU... Vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.

Tuy nhiên, ông Tấn cho biết, thị trường xuất khẩu chính của quả vải vẫn là  thị trường Trung Quốc, chiếm 90% số lượng vải xuất khẩu. Còn lại các thị trường mới mở số lượng vẫn hạn chế. Song qua đó khẳng định thương hiệu và chất lượng, mở ra triển vọng cho vải thiều.

Không để tình trạng được mùa mất giá

Giám đốc Sở Công thương Trần Quang Tấn cho biết, năm 2015, thu hoạch vải thiều đạt sản lượng cao, được giá, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thuận lợi. Giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 2.900 tỷ; giá trị xuất khẩu đạt 1.700 tỷ (80 triệu USD).

Đặc biệt thị trường tiêu thụ có sự chuyển dịch tích cực: tiêu thụ tại thị trường nội địa chiếm 55% tổng sản lượng, thị trường xuất khẩu chiếm 45%. Lần đầu tiên vải thiều tươi của Bắc Giang đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nhật Bản, Malaysia… đồng thời duy trì ở thị trường truyền thống Trung Quốc và nội địa.

Năm 2016 tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tiếp tục xuất khẩu vải thiều vào các thị trường như Mỹ, Úc, EU… Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều để đưa vào thị trường này.

Dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%; xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%. Thị trường trong nước chủ yếu ở các siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố như TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào vụ thu hoạch vải thiều, toàn tỉnh có khoảng  gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua và giám sát tiêu thụ vải thiều; trong đó riêng thương nhân là người Trung Quốc đến giám sát thu mua là trên 200 người.

Thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục được duy trì, giữ vững và ổn định. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn nhằm giảm áp lực phụ thuộc và thị trường xuất khẩu truyền thống.

Để tạo điều kiện cho quả vải xuất khẩu, ông Hoàng Trung cho biết, mùa vải năm nay, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí chiếu xạ. Chẳng hạn để xuất khẩu sang Australia, nếu chiếu xạ ở miền Bắc và xuất đi, riêng chi phí đã giảm được 16 triệu đồng/tấn.

Thị trường của vải thiều, ngoài Mỹ, Úc, Châu Âu, vải còn xuất đi các nước Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu vải lớn nhất vẫn là Trung Quốc. Như trong năm 2015, kể cả sản phẩm vải khô và tươi, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 100.000 tấn, chiếm 50-60% tổng sản lượng vải xuất khẩu. Chính vì thế các kế hoạch triển khai, tạo điều kiện qua quả vải xuất khẩu sang Trung Quốc được tiến hành từ sớm.

Để đảm bảo vải được thông quan với thời gian ngắn nhất, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật ở Lào Cai và Lạng Sơn, tạo điều kiện tối đa thông quan, thậm chí khi vào vụ cao điểm có thể bố trí thêm cán bộ để không xảy ra tình trạng ách tắc 1 lô hàng nào. Về phía địa phương, các tỉnh đã chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến quả vải.

Cục Bảo vệ thực vật cũng như các tỉnh đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tránh trường hợp ùn tắc. Bên cạnh đó, hàng không cũng cam kết với tỉnh dành tải trọng, tạo điều kiện để xuất quả vải đi các nước.

Ông Tấn cũng cho biết,  công tác xúc tiến đang được tiến hành bài bản. Thông điệp phải được giải quyết từ quả vải thiều, không thể để tình trạng được mùa mất giá.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kiểu dáng bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, hình ảnh sản phẩm vải thiều, đặc biệt là vải thiều an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap với khách hàng trong và ngoài nước; tổ chức Tuần lễ vải thiều tại thành phố Hà Nội, mở rộng kênh tiêu thụ thông qua các siêu thị lớn...

Hiện nay các doanh nghiệp đã trực tiếp liên kết với các vùng vải để xuất khẩu. Các siêu thị như Big C cũng đã ký hợp đồng với  các đại lý, Hapro cũng làm việc tỉnh cách đây 3 tháng.

Năm nay chất lượng vải cao hơn, mở rộng ra nhiều thị trường nên tỉnh Bắc Giang kỳ vọng mùa vải năm nay sẽ được giá.

“Năm ngoái tỉnh Bắc Giang thu được 2.900 tỷ từ quả vải, cao nhất trong 60 năm qua. Năm nay chất lượng vải cao hơn những năm trước nên cũng phải thu được mức như thế trở lên. Chỉ cần một đồng tăng thêm tăng được mấy trăm tỷ”, ông Tấn nói.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top