Theo UBND tỉnh Bắc Giang, đây là hiện tượng cá biệt, nhỏ lẻ, chưa phản ánh đầy đủ, thiếu chính xác về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, gây dư luận không tốt, bất lợi cho người nông dân.
Vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 10/6/2018. |
Ngày 2/6, UBND tỉnh Bắc Giang phát đi thông cáo báo chí về tình hình tiêu thụ vải ở địa phương.
Theo đó, Bắc Giang đang vào cuối mùa thu hoạch vải thiều sớm, chuẩn bị thu hoạch vải thiều chính vụ. Do thời tiết thuận lợi, vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, đặc biệt các hộ trồng vải thiều đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình an toàn Vietgap và Globgap; có thể khẳng định sản lượng và chất lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2018 cao nhất trong những năm gần đây.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông luôn quan tâm đưa tin phản ánh, tuyên truyền giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều thuận lợi. Tuy nhiên, gần đây trên một số báo và mạng xã hội xuất hiện thông tin như: Vải thiều Bắc Giang giá thấp kỷ lục, chỉ 10.000 đồng/3 kg; video clip cảnh đổ vải thiều xuống sông… Đó là hiện tượng cá biệt, nhỏ lẻ, chưa phản ánh đầy đủ, thiếu chính xác về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, gây dư luận không tốt, bất lợi cho người nông dân. Về vấn đề này, UBND tỉnh Bắc Giang có ý kiến như sau:
Về giá vải thiều: Giá vải thiều sớm đầu vụ có giá bán cao nhất từ 30.000-45.000 đồng/kg; vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ngày 01/6/2018 tại huyện Tân Yên 22.000 đồng/kg; bình quân khoảng 13.000-15.000 đồng/kg; cá biệt có loại giá dưới 10.000 đồng/kg, đó là loại vải thiều mã xấu, quả nhỏ, bị sâu cuống, không được chăm sóc hoặc chăm sóc chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.
Hiện nay, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang tiêu thụ bình quân khoảng 1.200 tấn/ngày; lũy kế từ đầu vụ đã tiêu thụ khoảng trên 9.000 tấn, giá trị thu được ước đạt 170 tỷ đồng. Ngay từ đầu vụ vải thiều sớm trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 60 thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua vải thiều, với hơn 40 điểm cân hoạt động liên tục; vào thời điểm chính vụ hoạt động thu mua vải thiều rất sôi động, sẽ có hàng nghìn điểm cân với trên 1.000 thương nhân, trong đó có trên 300 thương nhân nước ngoài thường xuyên có mặt tại các địa phương thu mua vải thiều. Do đó việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh cơ bản thuận lợi, tạo niềm vui, yên tâm sản xuất cho người nông dân trồng vải thiều.
Vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 10/6/2018. Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện hậu cần tốt nhất và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
UBND tỉnh Bắc Giang trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và các địa phương tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang, thường xuyên thông tin, quảng bá, kịp thời, toàn diện về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh, giúp bà con nông dân trồng vải thiều tiêu thụ thuận lợi.
Để kịp thời thông tin đến các cơ quan báo chí, UBND tỉnh Bắc Giang phân công đồng chí Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương (Điện thoại: 0913555714) là người phát ngôn và trực tiếp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về thông tin mùa vụ vải thiều trên địa bàn tỉnh; phân công đồng chí Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Điện thoại: 0917752465) là người cung cấp thông tin về thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
UBND tỉnh Bắc Giang tin tưởng rằng với sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và các địa phương sẽ giúp cho nông sản của tỉnh Bắc Giang nói chung, vải thiều nói riêng tiêu thụ thuận lợi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.