Trao đổi với Đại sứ Cao Chính Thiện, bà Cousin bày tỏ ấn tượng với các thành tựu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là Việt Nam đã từ một nước thiếu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Bà Cousin đánh giá tích cực về cơ hội và khả năng hợp tác giữa WFP và Việt Nam trong thời gian tới, mong muốn hai bên đạt được cam kết hợp tác lâu dài.
WFP mong muốn Việt Nam đóng góp hơn nữa vào việc hoạch định chính sách, đường lối của WFP, cung cấp nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc sử dụng rất hiệu quả viện trợ của WFP trước đây để triển khai các hoạt động của WFP tại các nước hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa và cứu trợ thiên tai, thông qua việc cử chuyên gia của Việt Nam tham gia các hoạt động của WFP khi có yêu cầu.
Người đứng đầu WFP cũng bày tỏ mong muốn với vai trò Đại diện thường trực của Việt Nam tại WFP, Đại sứ Cao Chính Thiện sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác WFP-Việt Nam trong thời gian tới.
Về phần mình, Đại sứ Cao Chính Thiện cảm ơn sự ủng hộ và đóng góp quan trọng của WFP đối với Việt Nam trong những năm tháng khó khăn trước đây, đồng thời tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Việt Nam mong muốn và sẵn sàng tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, nhất là các hoạt động nhân đạo trên cơ sở điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Đại sứ Cao Chính Thiện đánh giá cao những đề xuất hợp tác của WFP, đồng thời khẳng định cá nhân ông sẽ làm hết sức để đóng góp vào sự hợp tác Việt Nam-WFP trong thời gian tới.
WFP được thành lập theo Nghị quyết 4/65 của Đại hội đồng FAO và Nghị quyết 2095 (XX) của Đại hội đồng LHQ, thông qua ngày 6 và 20/12/1965.
Với nguồn ngân sách do các nước và tổ chức quốc tế tự nguyện đóng góp, WFP vừa là một kênh quốc tế quan trọng về cung cấp lương thực cứu trợ khẩn cấp, vừa là tổ chức cung cấp viện trợ lương thực chủ yếu hỗ trợ các hoạt động phát triển. Viện trợ của WFP là nguồn viện trợ không hoàn lại lớn nhất trong hệ thống Liên Hiệp Quốc cho các nước đang phát triển.
Việt Nam có quan hệ với WFP từ năm 1975. Năm 1978, WFP lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Trong 25 năm (từ 1975-2000), WFP đã viện trợ lương thực và vật tư phi lương thực trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy lợi, y tế, dinh dưỡng và viện trợ khẩn cấp... cho Việt Nam với tổng giá trị gần 500 triệu USD theo hình thức không hoàn lại.
Ngày 31/12/2000, do tính chất công việc không còn phù hợp, WFP đã đóng cửa Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Kể từ đây, quan hệ Việt Nam-WFP bước vào giai đoạn phát triển mới: Việt Nam từ nước nhận viện trợ lương thực đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt Nam-WFP, Việt Nam đã trở thành nhà tài trợ của WFP với việc Việt Nam viện trợ nhân đạo lương thực khẩn cấp giúp đỡ một số nước khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trong đó có viện trợ nhân đạo 1.470 tấn gạo cho nhân dân Iraq (10/2003) thông qua WFP./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…