Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 11 năm 2017 | 9:16

Xây dựng các tuyến đường cao tốc sẽ giúp hạn chế tai nạn giao thông

Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cao với chủ trương đầu tư dự án, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần lựa chọn phù hợp hình thức đầu tư đối với từng dự án thành phần.

Xây dựng các tuyến đường cao tốc sẽ tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, hạn chế tai nạn giao thông

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương- tỉnh Quảng Bình thể hiện sự nhất trí cao đối với chủ trương đầu tư cuả dự án. Đại biểu cho rằng, chủ trương đầu tư này đáp ứng nhu cầu vận tải một số đoạn cấp bách, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Thời gian qua quốc lộ 1A đã mở rộng 4 làn xe nhưng chỉ giải quyết nhu cầu trước mắt, hiện giờ nhiều đoạn đã bắt đầu ùn tắc như Ninh Bình, Thanh Hóa, Phan Thiết; thành phần xe hỗn hợp cùng lưu thông nên thiếu an toàn. Cũng theo đại biểu phân tích, nếu nói hệ thống giao thông thể hiện đẳng cấp của một quốc gia thì các nước đã có tiến bộ vượt bộ đẳng cấp về giao thông, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn hạn chế về lĩnh vực này. Nếu chúng ta xây dựng được nhiều tuyến đường cao tốc sẽ làm cho tốc độ bình quân của các phương tiện tăng lên, tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, hạn chế tai nạn giao thông.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại hội trường

Để thực hiện tốt chủ trương xây dựng dự án, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đề nghị quy mô đầu tư phải tính đến hiệu quả, tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng đầu tư ra mà số lượng xe lưu thông ít hoặc không sử dụng hết công suất; hoặc đầu tư để hiệu quả ngay nhưng lại sớm quá tải. Đồng thời, khi thực hiện chủ trương này, Chính phủ phải quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng với quy mô một lần, hạn chế việc phải đền bù trong thời gian tiếp theo, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng bộ ở các địa phương để khâu giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, phù hợp với thực tế.

Cũng đồng tình cao với chủ trương xây dựng một số số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Quốc Hận- tỉnh Cà Mau đề nghị phạm vi nghiên cứu dự án phải bao gồm toàn bộ mạng lưới đường cao tốc trên hành lang kinh tế bắc nam bao gồm từ cửa khẩu Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau. Đại biểu nêu rõ, xét về kinh tế, Cà Mau là một trong 4 tỉnh trọng điểm của kinh tế của vùng. Tuy nhiên hiện tại đường bộ ở đây đang thể hiện sự bất cập như nhỏ, gồ ghề, nhiều trạm thu phí. Mạng lưới đường thủy chiếm khoảng 70%, nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều vào đường thủy sẽ gây mất thời gian. Hơn nữa hiện tại vùng đang có thế mạnh về thủy hải sản và trái cây, đây là những mặt hàng cần có sự tươi mới, nếu để đông lạnh và bị ngả màu sẽ giảm đi giá trị rất nhiều. Do vậy, việc chậm đầu tư giao thông năm nào thì thiệt hại cho nông dân sẽ tăng lên bấy nhiêu. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung vào quy hoạch đoạn cao tốc từ cần Thơ đến đất mũi và nhanh chóng bố trí vồn đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ- Cà Mau trước 2025.

Xác định hình thức đầu tư hợp lý cho từng dự án thành phần

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Hoàng quang Hàm- tỉnh Phú Thọ nêu rõ, theo báo cáo dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có 8/ 11 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT. Trong điều kiện Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa tiến hành giám sát và chỉ ra nhiều sai phạm trong hình thức hợp đồng này, Nghị quyết giám sát mới ban hành nên chưa thể hoàn thiện ngay cơ chế chính sách vì vậy đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ ra. Các biện pháp đó cần phải đảm bảo rõ các tiêu chí để lựa chọn dự án BOT; tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư; quy định BOT chỉ áp dụng với những tuyến đường mới nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân; đấu thầu rộng dãi để lựa chọn nhà thầu; quy định việc tham vấn để lấy ý kiến của người dân; quy định vị trí đặt trạm và công nghệ thu phí.

Đại biểu phân tích, hiện nay 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức hợp đồng BOT đều trộn lẫn ngân sách và phần thu phí trong chi phí xây dựng trong khi chưa đánh giá hợp lý khả năng thu phí hoàn vốn, cũng chưa có tiêu chí thể hiện ngân sách sẽ đầu tư phần nào, đoạn nào của dự án. Tính toán theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều dự án có thể thu hồi toàn bộ vốn trong thời gian rất nhiều so với vòng đời trung bình của một dự án BOT là 24 năm nhưng vẫn dự kiến bố trí ngân sách là không hợp lý. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá và xác định các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn làm cơ sở minh bạch giữa ngân sách và thu phí, theo đó các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng trái phiếu. Còn các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, lập thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế dự toán, công tác đấu thầu quyết toán, còn chi phí xây dựng dự án nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ sau đó tổ chức thu hồi vốn. Để triển khai nguyên tắc bố trí ngân sách như trên đề nghị trong mỗi dự án thành phần, Chính phủ phải đánh giá cụ thể chi phí lợi ích theo từng phương án, hoặc đầu tư công toàn bộ hoặc thu phí hoàn vốn toàn bộ để so sánh lựa chọn phương án tối ưu. Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, xác định hình thức đầu tư hợp lý cho từng dự án thành phần theo nguyên tắc không bố trí ngân sách cho chi xây dựng của dự án BOT; đồng thời xác định số vốn cần bố trí hết cho đến năm 2020 để cân đối cho các dự án quan trọng của quốc gia giai đoạn 2016-2020 còn thiếu vốn.

 

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến phát biểu tại hội trường

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần văn Tiến- tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với việc phải phân chia dự án thành các dự án thành phần, tuy nhiên đại biểu cho rằng việc phân chia các dự án thành phần cần được minh bạch và có căn cứ. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đoạn từ Mai sơn đến Bãi Vọt tại sao không phân chia làm 2 hoặc 3 mà là 4 dự án thành phần; trong đó có những dự án quá ngắn, dưới 70km.

Thứ hai, đối với dự án đầu tư công, đoạn từ Cam Lộ đến La Sơn dài 102km tại sao lại không phân chia thành nhiều dự án thành phần. Đây là đoạn tuyến dùng vốn ngân sách để đầu tư, việc phân chia thành nhiều dự án sẽ giúp việc đầu tư càng nhanh chóng hoàn thành, nhanh chóng đưa vào sử dụng, tăng nhanh hiệu quả đầu tư công.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần trong đó ưu tiên những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao. Bên cạnh đó, 8 dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải rút kinh nghiệm bằng cách đấu thầu toàn bộ các dự án BOT, nếu đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần 2, lần 3 để phát huy ưu thế của việc đấu thầu đó là có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc thực hiện dự án BOT. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân; tìm kiếm và chọn lựa được nhà đầu tư BOT có năng lực, uy tín, đảm bảo khả năng về vốn để đảm bảo tiến trình và chất lượng của dự án.

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top