Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 năm 2016 | 2:1

“Bí quyết tự tin” của hộ cận nghèo

Đến nay, sau 3 năm triển khai chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã đạt 75 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân 25 tỷ đồng/năm, với 2.300 hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD), có 420 hộ thoát cận nghèo vươn lên khá - giàu, đặc biệt là không có nợ quá hạn.

“Đòn bẩy” quan trọng

Nguồn vốn tín dụng giúp nhiều hộ cận nghèo ở Tuyên Hóa có điều kiện mở rộng sản xuất.

Kể từ khi có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, nhu cầu vốn bức thiết của các đối tượng này đã được đáp ứng. Hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá - giàu, tránh tái nghèo. Hộ cận nghèo được vay mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng, không phải thế chấp tài sản, được NHCSXH phát tiền vay ngay tại nơi cư trú là điểm giao dịch xã.

Gia đình chị Phan Thị Hoài Nam ở thôn Thuận Hoan (xã Đồng Hóa) từng là hộ nghèo mấy năm liền. Gia đình chị được vay 5 triệu đồng, nhờ số vốn ít ỏi đó, chị đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản và thoát nghèo. Khi đang là hộ cận nghèo, thay vì lo lắng tái nghèo, năm 2014, chị được NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo. Có vốn, chị đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn. Đến nay, chuồng trại của chị thường xuyên có 30 con lợn nái và 120 con lợn thịt, giải quyết được việc làm cho lao động trong gia đình, thu nhập bình quân hàng năm đạt gần 130 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí), lại có điều kiện trang trải cho 2 cô con gái học đại học.

Hay như gia đình anh Hà Văn Cảnh ở thôn 5 (xã Ngư Hóa), vay 50 triệu đồng đầu tư trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi bò. Ở tuổi 50, gia đình chỉ có 3 lao động nhưng anh có đến 20ha rừng keo, tràm và các loại cây khác; có 6 con bò sinh sản, giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình và tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đánh giá về hiệu quả kinh tế, anh Cảnh ước tính vài năm nữa sẽ thu về 500 triệu đồng từ thu hoạch cây keo lai, cây tràm…

“Bí quyết tự tin” của hộ cận nghèo

Năm 2013, khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng hộ cận nghèo, nguồn vốn cho vay của NHCSXH Tuyên Hóa chỉ có 8,2 tỷ đồng, giải ngân cho 330 hộ vay. Đến năm 2014, nguồn vốn tăng lên 28 tỷ đồng với 980 hộ vay. Năm 2015, nguồn vốn tăng lên 68 tỷ đồng với 1.980 hộ vay vốn, bình quân dư nợ 34,3 triệu đồng/hộ. Trong 3 tháng đầu năm 2016, NHCSXH huyện tranh thủ nguồn vốn Trung ương chuyển về tăng trưởng thêm 8 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay lên 75 tỷ đồng với 2.300 hộ vay vốn, không có nợ quá hạn. Hiện, NHCSXH huyện đã hoàn thành việc giải ngân cho vay đến các đối tượng thụ hưởng.

Đặc biệt, trong năm 2015, NHCSXH huyện đã tham mưu kịp thời cho Ban đại diện HĐQT điều chuyển nguồn vốn thu hồi nợ từ chương trình hộ nghèo sau khi đã cân đối nhu cầu chuyển sang cho vay đối với hộ cận nghèo số tiền 6 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn đã được đầu tư trên địa bàn 20 xã, thị trấn, đến tất cả các thôn bản trên địa bàn huyện. Nguồn vốn từ chương trình này được các hộ cận nghèo đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng nguyên liệu và kinh doanh dịch vụ. Đa số các hộ cận nghèo đã đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành trả lãi đầy đủ cho NHCSXH, đồng vốn ngày càng phát huy hiệu quả. Một số xã có nguồn vốn cho vay lớn như Phong Hóa 9 tỷ đồng, Thạch Hóa 6,6 tỷ đồng và Thuận Hóa 6 tỷ đồng.

Sau 3 năm cho vay hộ cận nghèo, có thể thấy rõ sự quan tâm của Nhà nước đến các đối tượng chính sách, kể từ khi chương trình triển khai cho vay đến nay đã nhận được sự quan tâm phối hợp hiệu quả của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp xã, đã tổ chức phân giao nhanh nguồn vốn về cấp thôn để kịp thời tổ chức bình xét cho vay, chỉ đạo bình xét cho vay công khai, dân chủ ngay tại cơ sở, kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình sử dụng vốn vay của các đối tượng thụ hưởng.

Tất Thành

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top