Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 11 năm 2022 | 8:0

Bài học đầu tiên em đã thuộc!

Không chỉ riêng tôi mà nhiều thế hệ học trò khác, khi được hỏi về nhà giáo Phùng Thị Minh Vượng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên - Hà Nội), có lẽ ai ai cũng dành những tình cảm đặc biệt nhất để nói về cô.

     Bài học để đời

Chúng tôi là những lứa học sinh của Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều (nay là trường THPT Nguyễn Gia Thiều) niên khóa 1985-1988. Phải nói rằng, thời điểm đó, được bước chân qua cánh cổng của Trường Nguyễn Gia Thiều không chỉ là niềm tự hào của bản thân, mà còn là niềm tự hào của gia đình. Bởi khi đó, Trường Nguyễn Gia Thiều là một trong những ngôi trường có truyền thống và thành tích học tập rất cao, xếp ngang hàng với các trường khác trong ngành Giáo dục của Thủ đô như Trần Phú, Kim Liên…

Đón Nhà giáo Phùng Thị Minh Vượng trong ngày hội khóa.

Vẫn đang trong cái tuổi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” nên chúng tôi mang theo “nguyên vẹn” cách học và cách chơi từ khi còn là học sinh cấp 2. Trong giờ học, khi giảng bài, thầy cô phải vất vả lắm mới không bị “cháy giáo án” vì tốc độ ghi chép bài của chúng tôi còn rất chậm, nhưng khi được nghỉ giải lao thì mọi trò chơi, trò đùa, thậm chí là những trò nghịch ngợm nhất lại được chúng tôi mang ra như một “bảo bối” một cách nhanh chóng.

Trong lớp của tôi có một số bạn được liệt vào dạng “cá biệt”, bởi không chỉ học yếu mà còn hay bỏ tiết học, thậm chí hay gây gổ đánh nhau với không chỉ các bạn trong lớp mà đánh nhau cả với các bạn lớp khác nữa. Chả thế mà hai thầy, cô giáo chủ nhiệm trước đó của lớp tôi đã phải đề xuất Ban giám hiệu cho đổi chủ nhiệm.

Ngày cô Phùng Thị Minh Vượng vào lớp không phải để giảng bài, mà cô tâm sự với chúng tôi như một người mẹ với đàn con thơ ngỗ nghịch. Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện hôm đó cô nói với chúng tôi. “Quê cô ở huyện Lục Nam, về quê cô chỉ cần đi đến đỉnh Dốc Sàn là đến. Quê cô là vùng bán sơn địa của tỉnh Bắc Giang, gia đình nghèo lắm. Cha cô là thầy giáo nên muốn cho cô nối nghiệp, vì làm nghề giáo là nghề cao quý. Xã hội có hai nghề được tôn vinh là Thầy, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Thầy thuốc chữa bệnh cho người, còn Thầy giáo dạy làm người”.

Cô bảo: “Các em được cha mẹ cho ăn học như thế này là sướng hơn thế hệ của cô rất nhiều, sao không chịu khó học tập để sau này dựng xây đất nước, sao không nghe lời cha mẹ, thầy cô giáo để trở thành người có ích, người con ngoan, mà lại trốn học đi chơi, nghịch ngợm. Rồi mai đây các em trưởng thành, sẽ làm gì để phụng dưỡng cha mẹ, sẽ làm gì để nuôi sống bản thân, sẽ làm gì để dựng xây đất nước?”.

Mỗi lời nói của cô như những dòng suối trong lành, thấm sâu vào trong tâm trí của chúng tôi, rồi không chỉ những bạn học sinh cá biệt đó thay đổi, mà ngay cả chúng tôi cũng thay đổi. Học chăm hơn, ngoan ngoãn hơn và giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn. Đó là bài học để đời chúng tôi luôn khắc sâu trong lòng.

Dạy trò bằng tình yêu của người mẹ

Năm học cuối cấp 3, khối lượng ôn tập rất niều, việc phải làm sao thi đỗ được tốt nghiệp là việc rất quan trọng, vì phải tốt nghiệp, học sinh mới được thi đại học. Trong lớp của tôi cũng có nhiều bạn nhà rất hoàn cảnh, do đó, việc học hành không được như các bạn khác trong lớp.

Biết được như vậy, cô Vượng đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để cùng cả lớp chúng tôi ôn luyện, thậm chí nhiều hôm cô bỏ cả việc riêng của gia đình, cùng chúng tôi ôn luyện cho đến khi nhà dân bên cạnh đã lên đèn.

Tình yêu thương học trò của cô không chỉ có việc bỏ nhiều thời gian, công sức ôn luyện cho chúng tôi nắm chắc kiến thức, để tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp đạt kết quả cao, mà tình yêu thương đó còn thể hiện ở việc chỉ dạy ân cần khi học trò nào vi phạm khuyết điểm. Tôi muốn kể lại câu chuyện này, bởi chính tôi là tác giả, để thấy rằng, trong phương pháp giáo dục học sinh, cô là bậc thầy ở Trường Nguyễn Gia Thiều lúc đó.

Khi đó, lớp tôi có xảy ra một sự việc mà các bạn trong lớp chứng kiến không đồng tình, muốn bảo vệ bạn mình nên ngay buổi học ngày hôm sau, tôi đến lớp sớm hơn mọi người và dùng than đen viết lên bức tường cuối lớp. Buổi học ngày hôm đó, khi cô bước vào lớp, tôi thấy cô đứng lại giữa bục giảng, ánh mắt của cô đượm buồn và thở dài như bất lực. Mất khoảng 1 phút, cô không nói gì, sau đó cô nhẹ nhàng nói: “Em nào viết lên tường thì xóa đi”, rồi sau đó tiếp tục giảng bài như không hề có chuyện gì xảy ra.

Ngay chiều muộn hôm đó, tôi cùng một số bạn  trong lớp dùng nước để rửa sạch bức tường đó và một mình lên Phòng giám hiệu để gặp cô. Biết tôi đến, cô không mắng, không giận, không yêu cầu viết kiểm điểm, mà chỉ nhẹ nhàng ngồi cạnh tôi và nói: “Việc bảo vệ bạn, bảo vệ cái đúng của em là không sai, nhưng việc thể hiện của em là sai, vì trong lớp học không thể viết lên đó được. Cô biết em là học sinh tốt nên cô mong lần sau em không nên nóng vội”.

Bước chân ra khỏi phòng cô mà hai hàng nước mắt của tôi cứ trào ra mãi, cô không phải là mẹ sinh ra tôi, nhưng những cử chỉ ân cần và tình yêu thương của cô dành cho tôi khi mắc lỗi không khác gì người mẹ thứ hai của mình, lòng tôi vừa ân hận vừa cảm phục rưng rưng. Tình yêu thương này của cô đã theo tôi đi đến tận bây giờ.

Truyền cảm hứng học tập

Là cô giáo dạy văn nên mỗi bài giảng đều được cô Vượng gửi gắm tình cảm của mình vào trong từng tác phẩm văn học, qua những bài giảng đó cô muốn chúng tôi cảm thụ được vẻ đẹp của quê hương đất nước, cảm thụ được sự hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc ngày hôm nay.

Cô có nhiều phương pháp dạy học mà không cần vào bài giảng, chúng tôi đã thuộc tác phẩm văn học đó. Những bài thơ như “Ngọn đèn đứng gác” , “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu hay “Đất quê ta mênh mông” của nhà thơ Bùi Minh Quốc… được cô bắt đầu bằng một bài hát thời kỳ đó rất hay được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam mà ai cũng thuộc. Từng ca từ của bài hát cứ thấm sâu, thấm mãi vào trong tâm hồn của chúng tôi, cho đến tận bây giờ cứ mỗi lần gặp lại cô giáo, chúng tôi vẫn còn nhắc đến những bài hát đó.

Cô dạy chúng tôi: “Học văn học là học cách làm người, học văn là học nhân cách để làm người các em ạ, bởi mỗi một câu văn, mỗi một tác phẩm nó là một đứa con tinh thần của tác giả, được tác giả đúc kết từ những kinh nghiệm của cuộc sống, từ thực tiễn để viết ra”.

Bởi thế những tác phẩm văn học nổi tiếng của đất nước cũng như thế giới đã ngấm sâu vào chúng tôi và trở thành kiến thức của riêng mình, nhờ vào phương pháp dạy học của cô, nhà giáo Phùng Thị Minh Vượng.

Tháng 11 - tháng “tri ân thầy, cô giáo”. tôi muốn viết nhiều về nhà giáo Phùng Thị Minh Vượng, về các thế hệ thầy, cô giáo đã từng dạy dỗ tôi. Người đã cho tôi những thành công ngày hôm nay bằng những bài học của ngày hôm qua. Xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo, đến những người “lái đò” thầm lặng để đưa những chuyến đò tri thức, cập bến tương lai.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top